Thời gian gần đây, lượng vốn đổ vào thị trường chứng khoán rất lớn, xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0 dẫn đến lo ngại việc hình thành bong bóng tài sản.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Chứng khoán, bất động sản tăng nóng, cẩn trọng “bong bóng”

Lam Thanh | 26/01/2021, 13:09

Thời gian gần đây, lượng vốn đổ vào thị trường chứng khoán rất lớn, xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0 dẫn đến lo ngại việc hình thành bong bóng tài sản.

Thời gian gần đây thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán ghi nhận một lượng lớn vốn đổ vào. Đối với chứng khoán cho thấy sự khác biệt trong năm 2020. Từ mức đáy 650 điểm khi dịch COVID-19 mới bùng phát tại Việt Nam ở thời điểm cuối tháng 3.2020, VN-Index đã có sự bứt phá vượt 1.000 điểm trong tháng cuối cùng của năm 2020.

dinh-trong-thinh-ck-bds.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư F0 mở mới đã tăng đột biến. Lũy kế trong năm 2020, nhà đầu tư trong nước đã mở mới mới 393.000 tài khoản, tăng gấp đôi so với năm trước.

Ghi nhận tại các công ty chứng khoán trong những ngày đầu tháng 1.2021 cho thấy, lượng nhà đầu tư mở tài khoản chứng khoán khá đông, số tài khoản mở mới mỗi ngày tại các công ty chứng khoán top đầu lên tới hàng trăm tài khoản.

Sự gia nhập mạnh mẽ của dòng tiền đã giúp thị trường liên tục duy trì mức thanh khoản cao trên 15.000 tỉ đồng/phiên cho thấy sự tham gia tích cực của dòng tiền.

Còn đối với thị trường bất động sản, có thể thấy, cuối năm 2020 và đầu năm 2021, bất động sản mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song giá bất động sản chẳng những không giảm mà còn tăng, thị trường cũng lấy lại đà phục hồi từ quý 3/2020.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, tính đến 20.11.2020, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào bất động sản tăng so với cùng kỳ năm trước và tăng mạnh theo từng quý.

Trước hiện tượng này, nhiều người lo ngại xảy ra bong bóng tài sản. Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh để làm rõ hơn hiện tượng này.

- Thời gian gần đây, lượng vốn đổ vào thị trường chứng khoán rất lớn, xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0 dẫn đến lo ngại việc hình thành bong bóng tài sản. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Đối với thị trường chứng khoán, thời gian qua có một lượng tiền lớn đổ vào, đặc biệt từ các nhà đầu tư F0. Mặc dù việc tăng điểm cũng chỉ lấy lại những gì đã mất trong thời gian trước dịch thôi, nhưng cái mất thì mất từ từ, thị trường sụt xuống còn hơn 600 điểm, nhưng bây giờ đã hơn 1.000 điểm. Việc tăng nhanh chóng chỉ trong vài tháng gần đây, tốc độ này rất nguy hiểm.

- Như vậy, việc tăng điểm của thị trường chứng khoán không thể hiện sự thịnh vượng của nền kinh tế? Thưa ông?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Về lý thuyết thì thị trường chứng khoán phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, nhưng nhìn vào năm 2020 thì chúng ta thấy nền kinh tế không thể nào tốt như thế được.
Việc chứng khoán tăng trưởng nóng trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ gần 3% nên có thể thấy rằng tăng trưởng của thị trường chứng khoán không phản ánh đúng sức khỏe của nền kinh tế.

Việc thị trường chứng khoán tăng điểm thì các nhà quản lý cũng mừng, tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước, tôi cho rằng các nhà quản lý cần có sự điều chỉnh, kiểm tra giám sát hợp lý để tránh hình thành bong bóng chứng khoán. Việc hình thành bong bóng thì rất dễ, nhưng khi nó bung ra thì tác hại lớn và xử lý rất khó.

Ông Thịnh cho rằng thị trường năm 2021 sẽ khó tránh được những đợt điều chỉnh, bởi vậy nhà đầu tư phải có sự phân tích dòng tiền để lựa chọn cổ phiếu tốt ở thời điểm phù hợp.

- Tương tự như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản thời gian qua cũng ghi nhận một lượng vốn khá lớn đổ vào. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Đối với thị trường bất động sản, năm 2020 được đánh giá là khó khăn. Tuy nhiên, ở một số phân khúc lại có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt, nhiều phân khúc tăng giá như bất động sản công nghiệp, đất nền ven đô.

Đặc biệt, có xu hướng chuyển hướng đầu tư từ các đô thị trung tâm về các đô thị vùng ven. Ví dụ như đất Quy Nhơn, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Thanh Hóa, Hưng Yên, Bắc Ninh… đều có sự tăng giá.
Trong khi thu nhập của người dân giảm đi, nhưng thị trường bất động sản nhìn chung lại tăng giá thì chúng ta cũng cần phải nghiên cứu. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do trái phiếu bất động sản với mức lãi suất cao.

Tôi cho rằng nên cẩn trọng trong việc phát triển thị trường trái phiếu. Năm qua, thị trường này tăng trưởng đột biến, vượt xa mục tiêu của Chính phủ.

Tuy nhiên, có điều đáng quan ngại là rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất rất cao và phát hành với điều kiện “3 không” là không bảo lãnh, không tài sản thế chấp, không thông qua thị trường.

Tôi cũng gặp một số doanh nghiệp họ nhắn nếu có tiền thì mua trái phiếu doanh nghiệp của họ, với lãi suất 18-20%/ năm. Trong bối cảnh này, lãi suất 12-13%/năm cũng đã là khó, thì với mức lãi suất này rất đáng băn khoăn.

Có phải người ta đang cố bằng mọi cách huy động tiền từ các nhà đầu tư với sự thiếu hiểu biết của họ. Nếu doanh nghiệp vỡ nợ thì người mua cũng mất toàn bộ tài sản. Việc này rất nguy hiểm nếu bong bóng trái phiếu, bất động sản hình thành. Điều này không chỉ tàn phá thị trường bất động sản mà nếu nhiều doanh nghiệp vỡ nợ thì ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính, tiền tệ và nền kinh tế.

Theo đó, cần phải có điều chỉnh, khuyến cáo đối với hiện tượng này.
Chính chuyện vỡ nợ sẽ thành nợ xấu. Không chỉ người mua trái phiếu mất tiền mà những người có tiền sẽ không dám bỏ tiền ra đầu tư nữa, sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường vốn. Đó mới là điều nguy hiểm. Do đó, cần phải theo dõi hiện tượng này để tránh trường hợp bong bóng trái phiếu bất động sản.

- Ông có khuyến cáo gì về vấn đề này?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Phía cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có sự theo dõi, phân tích để điều chỉnh thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán khi cần thiết.

Trước hết, đối với thị trường chứng khoán cần phải theo dõi dòng tiền đổ vào. Đối với thị trường bất động sản thì cần quản lý việc phát hành trái phiếu, cần giáo dục cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, đối với trái phiếu doanh nghiệp - kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời cao, nhưng cũng nên thận trọng do khó xác định về mức độ minh bạch và cần khuyến cáo các nhà đầu tư để họ nắm rõ vấn đề khi đầu tư vào trái phiếu bất động sản.

Bài liên quan
Dòng tiền tăng mạnh, thị trường chứng khoán năm 2021 sáng sủa
Chuyên gia cho rằng việc Việt Nam kiểm soát được dịch COVID-19 và những kỳ vọng nền kinh tế phục hồi trong năm 2021 sẽ là yếu tố hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư, giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Chứng khoán, bất động sản tăng nóng, cẩn trọng “bong bóng”