Năm 2021, chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước những vận hội mới.

Triển vọng thị trường chứng khoán năm 2021: Tươi sáng

Phan Diệu | 04/01/2021, 19:51

Năm 2021, chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước những vận hội mới.

Một năm ấn tượng của thị trường chứng khoán

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hứng chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, gần như toàn bộ các nền kinh tế lớn đã áp dụng các chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ mở rộng chưa từng có tiền lệ. Điều này đã trở thành động lực quan trọng hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trong nửa sau năm 2020.

Tại Việt Nam, sau khi lao dốc vào tháng 3 với cú “sốc” COVID-19, thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ, vượt qua cột mốc trước dịch nhờ những biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Ngày 4.1, tại lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết chỉ số VN-Index đạt mức tăng trưởng 14,9% so với đầu năm 2020 và tăng 67% so với thời điểm thấp nhất.

Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tăng trưởng đột phá, đạt mức bình quân gần 7.400 tỉ đồng một phiên, trong đó các tháng 11 và 12 lần lượt đạt mức trung bình 10.000 tỉ đồng và 14.800 tỉ đồng/phiên, tăng hơn 2 lần so với mức bình quân năm 2019. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã đạt 84,3% GDP năm 2020.

Bên cạnh thị trường cổ phiếu, các thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, thị trường chứng khoán Việt Nam đã được ghi nhận là một trong những thị trường có mức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới.

thi-truong-chung-khoan.jpg
Thị trường chứng khoán năm 2020 phục hồi mạnh mẽ dù COVID-19

Tiền sẽ đổ mạnh vào thị trường chứng khoán năm 2021

Bước sang năm 2021, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng trước tác động của dịch COVID-19, thị trường chứng khoán có thể vẫn sẽ có những diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm và thành công bước đầu trong phòng chống đại dịch và tiềm năng vị thế sẵn có, ông Dũng tin rằng thị trường chứng khoán đang đứng trước những vận hội mới.

Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cũng cho rằng thị trường chứng khoán có nhiều cơ hội trong năm 2021. KBSV kỳ vọng VN-Index sẽ vượt vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 trong năm 2021 trước khi chịu áp lực điều chỉnh và quay trở lại giao dịch ổn định quanh mốc này.

“Giai đoạn quý I/2021 được xem là giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất với thị trường bởi số ca nhiễm dịch bệnh trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, có thể làm chậm quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu, trong khi việc chuyển giao chính quyền mới ở Mỹ có thể không diễn ra suôn sẻ. Đây được xem là cơ hội tốt để nhà đầu tư kỳ vọng đà tăng tốt của thị trường sau quý I khi vắc xin được phổ cập”, KBSV nhìn nhận.

co-phieu-chung-khoan.jpeg
Thị trường chứng khoán năm 2021 được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh

Trong khi đó, Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá triển vọng và quy mô thị trường vẫn theo chiều hướng tích cực nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ bị hạn chế.

Nguyên nhân là do hầu hết yếu tố hỗ trợ như thông tin thử nghiệm vắc xin đạt hiệu quả cao, dòng tiền khỏe đã xuất hiện trong nửa cuối năm 2020 và hiệu ứng này có thể suy yếu dần trong thời gian tới.

Còn Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định việc lãi suất được duy trì ở mức thấp khiến chứng khoán tiếp tục trở thành kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn với nhà đầu tư trong nước trong năm 2021. Ngoài ra, định giá của thị trường Việt Nam vẫn khá hấp dẫn so với các nước trong khu vực châu Á là điểm nhấn quan trọng giúp thu hút dòng vốn ngoại.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng việc thị trường tăng nhanh sẽ kích thích việc sử dụng margin (giao dịch ký quỹ) của nhà đầu tư cá nhân làm rủi ro thị trường lên cao. Ngoài ra, việc Mỹ gán cho Việt Nam là “thao túng tiền tệ” sẽ làm gia tăng nguy cơ Mỹ đánh thuế lên các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam và ảnh hưởng tâm lý chung của thị trường.

Do vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc và chọn lọc kỹ càng khi một số cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian qua.

Trong năm 2021, theo ước tính của Bloomberg, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các thị trường chứng khoán có hiệu suất sinh lợi tốt nhất, với ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) tăng lên mức 15,7%, mức cao nhất kể từ năm 2014.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết năm 2021 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn ngoại, tiến tới nâng hạng thị trường.

Trong đó, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ giúp thị trường đáp ứng tốt hơn khẩu vị của nhà đầu tư chuyên nghiệp nhờ cải thiện tính minh bạch của các chủ thể tham gia.

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng lớn phải thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế từ năm 2022 sẽ là yếu tố thuận lợi để thu hút trở lại dòng vốn ngoại.

6 nhiệm vụ ngành chứng khoán năm 2021

Thứ nhất, tập trung nỗ lực đưa quy định chính sách mới vào cuộc sống để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành, huy động vốn và bảo về quyền lợi nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh.

Thứ hai, đẩy nhanh cơ cấu thị trường chứng khoán theo đề án đã phê duyệt. Cùng với đó, hoàn thiện cơ cấu bộ máy, xây dựng lại thị trường cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh theo hướng chuyên môn hóa, tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các định chế trung gian

Thứ ba, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ. Đây cũng là cơ sở để tiếp tục đưa ra các sản phẩm mới vào thị trường.

Thứ tư, thực hiện giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết, đẩy mạnh tăng quy mô và chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy quy mô và thanh khoản thị trường.

Thứ năm, tăng cường giám sát, nâng cao hiệu qủa quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương kỷ luật của thị trường để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.

Thứ sáu, xây dựng và trình Thủ tướng ban hành chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu giải pháp phát triển thị trường chứng khoán dài hạn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bài liên quan
Vàng kém hấp dẫn, tiền đổ mạnh vào thị trường chứng khoán
Khi các kênh đầu tư chính như vàng, gửi tiết kiệm, trái phiếu… đang trở nên kém hấp dẫn thì dòng tiền liên tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển vọng thị trường chứng khoán năm 2021: Tươi sáng