Trao đổi với PV Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng việc doanh nghiệp tự đàm phán mua vắc xin cần được ủng hộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Nên ủng hộ việc doanh nghiệp tự mua vắc xin

Lam Thanh | 01/06/2021, 15:46

Trao đổi với PV Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng việc doanh nghiệp tự đàm phán mua vắc xin cần được ủng hộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp mua vắc xin

Tại các cuộc làm việc gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định quan điểm của Việt Nam là tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng rộng nhất.

vac-xin.jpg
Cần khuyến khích doanh nghiệp tự mua vắc xin, không nên trông chờ vào nhà nước

Bộ Y tế cùng các bên đã thảo luận về các cơ chế tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 và mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021 là rất khả thi.

Bộ trưởng Y tế cũng khẳng định Bộ được giao là đầu mối nhập khẩu vắc xin nhưng không có nghĩa Bộ "độc quyền" nhập khẩu, mà luôn khuyến khích tất cả các địa phương, các doanh nghiệp có điều kiện, khả năng tiếp cận những nguồn vắc xin đều có thể nhập khẩu.

Theo quy định hiện hành, chỉ các công ty có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vắc xin mới được nhập khẩu vắc xin. Hiện nước ta có 27 đơn vị có chức năng này. Các đơn vị có điều kiện tiếp cận nguồn cung vắc xin hoàn toàn có thể trực tiếp làm việc với Bộ Y tế, hoặc với một trong số 27 đơn vị này.

Về vấn đề này, Thủ tướng cũng chỉ thị xây dựng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn để các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu, tiêm vắc xin dịch vụ.

Theo đó, mọi thủ tục, quy trình về cấp phép lưu hành, kiểm định vắc xin phòng COVID-19 được rút gọn tối đa. Mọi vướng mắc được tháo gỡ ngay. Mọi điều chưa rõ được hướng dẫn ngay. Mục tiêu lớn nhất là không để bất kỳ doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vắc xin ngay mà lại không mua về được.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tất cả vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép, dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được tiến hành nhập khẩu.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng việc doanh nghiệp tự đàm phán mua vắc xin cần được ủng hộ, bởi việc mua vắc xin hiện nay đang khó khăn, nếu các doanh nghiệp có các kênh để mua được vắc xin thì đó là điều tốt.

Theo ông Thịnh, Chính phủ vẫn mong muốn tiêm miễn phí cho người dân nhưng mua vắc xin tốn một khoản lớn nên Chính phủ cũng mong các doanh nghiệp chia sẻ, mà việc lập quỹ vắc xin hay để doanh nghiệp đàm phán mua vắc xin cũng là một giải pháp.

dinh-trong-thinh.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Hơn nữa, theo ông Thịnh, khả năng kiềm chế đại dịch bằng vắc xin trong nước Việt Nam vẫn đang được tiến hành, nhưng chắc phải trong một thời gian dài nữa. Do đó, nếu các doanh nghiệp tự đàm phán để mua vắc xin, có thể là tự tiêm cho công nhân, nhân viên của họ, hoặc họ mua được nhiều để phục vụ cho người có nhu cầu thì đó là điều tốt.

Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần phải có cơ chế phù hợp, phải đảm bảo về chất lượng của vắc xin, phải được Bộ Y tế kiểm nghiệm. Nếu nhập vắc xin không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mọi người.

Bên cạnh đó, về mặt giá cả, phải nằm trong khung giá Chính phủ quy định, để các doanh nghiệp đàm phán không chịu giá quá cao, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Hơn nữa, cơ chế đàm phán cũng cần phải công khai, minh bạch.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có sự giám sát, tránh tình trạng trục lợi trong việc mua vắc xin, bởi Bộ Y tế cũng cảnh báo tình trạng "lừa đảo vắc xin" khi nhiều tổ chức, cá nhân tự giới thiệu là đại diện được ủy quyền của các nhà sản xuất vắc xin để chào bán vắc xin, nhưng khi Bộ Y tế liên hệ thì các nhà sản xuất vắc xin đều khẳng định là không đúng sự thật.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn mua vắc xin

Trong công văn vừa gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã đề xuất 2 vấn đề.

Thứ nhất, Ban 4 đề nghị cho phép các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân được chủ động đàm phán mua vắc xin với các đơn vị cung ứng trên toàn cầu, căn cứ trên danh mục vắc xin được Bộ Y tế chấp nhận.

Các doanh nghiệp cam kết, mọi vấn đề liên quan tới chuyên môn như thủ tục nhập khẩu, bảo quản vắc xin, tiến hành tiêm, đánh giá trước/sau khi tiêm, doanh nghiệp, tổ chức tư nhân sẽ ủy quyền cho các đơn vị hoặc cơ sở y tế được Bộ Y tế công nhận đủ năng lực.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị được tham gia tổ chức tiêm phòng COVID-19 cho nhân viên theo đúng hướng dẫn và các yêu cầu an toàn của Bộ Y tế.

Thứ hai, Ban 4 đề nghị mở rộng lực lượng tiêm phòng vắc xin để đáp ứng yêu cầu tiêm hàng loạt, diện rộng. Phương án được đưa ra là huy động không chỉ các cơ sở tiêm chủng mà có thể xét tới các bệnh viện, trung tâm y tế đủ năng lực chuyên môn theo quy định từ Bộ Y tế.

Các doanh nghiệp cho rằng đợt bùng phát dịch thứ 4 này đang gây ảnh hưởng, thiệt hại hết sức nặng nề cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc triển khai nhanh chóng vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động các khu công nghiệp, người lao động thuộc các doanh nghiệp bên cạnh các đối tượng ưu tiên khác là lựa chọn hàng đầu để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, xã hội và tạo dựng cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng nếu Chính phủ mở ra cơ chế cho phép khu vực tư nhân tham gia cùng tìm, thương thảo và đàm phán mua thì quá trình tiếp cận vắc xin của Việt Nam sẽ nhanh hơn.

Trong liên minh Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Mỹ có đơn vị sẵn sàng đứng ra kết nối với các hãng sản xuất vắc xin. Họ cũng đảm bảo chịu trách nhiệm đưa hàng về Việt Nam, sau khi vắc xin được cơ quan y tế kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn mới thanh toán.

vac-xin-3.jpg

Quá trình này dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp chia sẻ chi phí, tìm kiếm nguồn vắc xin nhưng Bộ Y tế sẽ trực tiếp kiểm định chất lượng, xuyên suốt từ cấp phép lưu hành và triển khai các hoạt động liên quan tới tiêm chủng để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Tại cuộc họp trực tuyến chiều ngày 28.5, tham khảo mô hình của Indonesia, ông Cao Hoàng Nam, đại diện PepsiCo Việt Nam cho rằng Indonesia đã có chính sách cho các doanh nghiệp được tham gia đóng góp chi phí để tiêm vắc xin cho người lao động và gia đình.

Theo ông Nam, cách triển khai của Indonesia là Bộ Y tế chỉ định các đầu mối được ủy quyền nhập khẩu vắc xin, tiêm chủng, sau đó Phòng Thương mại và hiệp hội gửi danh sách dữ liệu tiêm chủng, trên cơ sở đó doanh nghiệp đăng ký mua và tiêm cho người lao động.

Đại diện Eurocham, ông Nguyễn Hồng Uy, cho rằng lực lượng lao động hoạt động trong doanh nghiệp cần được xem là đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin. Từ đó, Chính phủ cùng doanh nghiệp đồng hành để tìm nguồn vắc xin sớm nhất, chia sẻ chi phí và ngân sách tiêm chủng cho người lao động.

Nêu sáng kiến cụ thể, ông Uy cho rằng cần phân loại rõ các mức độ ưu tiên theo quản lý rủi ro với những vùng có nguy cơ cao và mức độ rủi ro về kinh tế. Trong đó, với các vùng có nguy cơ cao có thể xem xét mức độ ưu tiên theo thứ tự như ưu tiên, trước hết cho những vùng có dịch, nơi có khả năng bùng phát dịch lớn và sau đó mới đến những vùng có nguy cơ thấp.

Với mức độ rủi ro về kinh tế, cần ưu tiên trước hết cho các khu công nghiệp lớn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp có quy mô hơn 500 người lao động, sau đó đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các khu công nghiệp nhỏ và cuối cùng là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, hộ gia đình.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan
TP.HCM: Hơn 3.000 trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi
Chỉ hơn 1 tuần triển khai tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, TP.HCM đã tiêm được cho hơn 3.000 trẻ. Đây là biện pháp chống dịch tăng cường trước tình hình trẻ mắc sởi ở độ tuổi trên tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Nên ủng hộ việc doanh nghiệp tự mua vắc xin