PGS Ngô Trí Long cho rằng mục tiêu CPI năm 2022 tăng 4% sẽ không dễ dàng, thậm chí CPI còn tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm.

PGS-TS Ngô Trí Long: CPI có thể tăng khá cao từ đầu năm 2022

Hoài Lam | 05/01/2022, 11:51

PGS Ngô Trí Long cho rằng mục tiêu CPI năm 2022 tăng 4% sẽ không dễ dàng, thậm chí CPI còn tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm.

CPI 2021 tăng thấp nhất kể từ 2016

Tính chung cả năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 12 tháng tăng 0,81%. Bình quân 12 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước ở dưới mốc 2% và còn thấp xa so với mục tiêu cả năm theo nghị quyết của Quốc hội (4%), chỉ bằng một nửa tốc độ tăng so với mục tiêu.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính chung trong 12 tháng có 5 tháng CPI giảm, 7 tháng tăng chỉ có tháng 2 tăng mạnh (1,52%) nhưng trong đó có một số tháng tăng rất thấp (các tháng 1, 5, 6). Mức tăng hoặc giảm nhẹ trong khoảng từ 0,2 - 0,6%.

Xét theo nhóm hàng hóa, dịch vụ, có những diễn biến đáng chú ý. Năm qua có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 7 nhóm có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức giảm nhiều nhất với 1,71%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép có mức tăng cao nhất với 0,22%.

long-2.jpg

CPI 2021 tăng thấp nhất kể từ 2016

Về yếu tố tiền tệ - yếu tố trực tiếp tác động tới lạm phát, tuy tỷ lệ tổng phương tiện thanh toán/GDP ở mức cao (đến cuối năm trước đã là 192,4%), tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP đã là 145,1%, nhưng sức ép đối với lạm phát năm nay chưa cao.

CPI có thể tăng cao từ đầu năm

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2022 CPI tăng khoảng 4%, đây là quyết tâm cao của Quốc hội. Tuy nhiên việc thực hiện mục tiêu CPI của năm 2022 sẽ không dễ dàng, thậm chí còn tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm.

Theo ông Long, nền kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn.

Theo đó, nhập khẩu lạm phát được dự đoán sẽ tăng cao, khi các đối tác thương mại lớn có mức lạm phát cao kỷ lục trong mấy chục năm tiếp tục tăng các gói kích cầu lớn cùng với sự phức tạp của đại dịch.

Vì vậy, theo ông Long, trong điều hành chính sách tiền tệ cần phải có những kịch bản cần thiết theo hướng thắt chặt trong điều kiện cần phải kiểm soát lạm phát.

Ông Long cũng cho rằng khi kinh tế phục hồi trong năm 2022 dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả. Các gói kích thích, kích cầu lớn theo đề xuất và được quyết định cần phải cẩn trọng, bởi quy mô rất lớn, khi cấp bù lãi suất sẽ kéo theo một lượng tín dụng lớn ra thị trường, trong khi tỷ lệ này/GDP đã rất cao.

“Khi lạm phát cao lên, thì thường vòng quay tiền tệ sẽ tăng lên, làm cho lượng tiền tệ tăng kép. Với sự chuyển động của dòng tiền trên thị trường, sẽ có một lượng tiền lớn đang bị chôn vào các kênh bất động sản, chứng khoán, sẽ chuyển sang và gây sức ép đến thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng”, ông Long nhận định.

Cũng theo ông Long, áp lực lạm phát tăng lên khi đà phục hồi kinh tế, kéo theo nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tăng, thậm chí còn có hiện tượng chi tiêu bù đắp những lúc giãn cách xã hội không được giải trí, chi tiêu trước đó. Hơn nữa, lạm phát chi phí đẩy cũng chịu áp lực tăng lên trong năm 2022 ngay cả khi phục hồi còn chậm, bởi lẽ nhà cung cấp, bên bán hàng có thể sẽ bắt đầu tăng giá hàng hóa, dịch vụ nhằm bù đắp phần tăng chi phí đầu vào đã và đang diễn ra.

“Việc triển khai mạnh chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 cũng sẽ là một tác nhân tăng cung tiền và gia tăng lạm phát 2 năm đó và có thể cả năm tiếp theo”, ông Long nhìn nhận.

Ngoài ra, ông Ngô Trí Long cũng cho rằng tăng trưởng mạnh của thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số... có thể lan tỏa đà tăng giá sang thị trường hàng hóa bởi kỳ vọng chi tiêu, tiêu dùng nhiều hơn khi thu nhập tăng.

Ông Long dự báo CPI năm 2022 sẽ ở mức 3,4 - 3,7% thấp hơn so với mục tiêu 4%. Giải pháp cần thực hiện là nâng cao hiệu quả trong phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành cung tiền, lãi suất, trung hòa lượng tiền vào-ra, điều tiết giá cả.

long.jpg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long

Hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng không đáng có

Về quản lý, chuyên gia này nhấn mạnh cần điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới; theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu, đặc biệt là trong các thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán để có các biện pháp điều tiết cung cầu phù hợp, tránh tình trạng giá có biến động đột biến khi nguồn cung gián đoạn từ việc tái đàn gia súc gia cầm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá đối với các đơn vị kinh doanh vận tải…

Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, ông Long cho biết cần tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, cần chủ động các phương án để có thể điều chỉnh được một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép.

Song song với đó, cần ổn định tâm lý tiêu dùng (tránh hiện tượng tích trữ hàng, sốt giá ảo) và giảm kỳ vọng lạm phát, kết hợp đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm giảm thiểu hiện tượng té nước theo mưa của một bộ phận thương lái, người bán hàng.

Ông Long cũng cho rằng cần nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó có các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, các gói kích cầu và cung. Từ đó nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có triển vọng phục hồi mạnh và tính lan tỏa cao, góp phần tăng vòng quay tiền trong nền kinh tế thực, phục hồi kinh tế tốt hơn.

“Trong phòng chống dịch bệnh, luôn đảm bảo lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và đi lại thuận tiện, an toàn của người dân, người lao động, hạn chế tối đa những đứt gãy chuỗi cung ứng không đáng có. Cải thiện thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, từ đó giảm áp lực lạm phát”, ông Long nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 1: Vùng ngọt nhưng… thiếu nước ngọt
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vùng ĐBSCL hiện đang bước vào cao điểm mùa khô, năm nay, do ảnh hưởng của El Nino khiến cho tình hình hạn hán, sụt lún đất, thiếu nước sinh hoạt trở nên trầm trọng. Có nơi, mặc dù là vùng ngọt quanh năm nhưng lại… thiếu nước ngọt khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS-TS Ngô Trí Long: CPI có thể tăng khá cao từ đầu năm 2022