Tại Việt Nam, đây là đợt dịch mới phức tạp hơn vì xuất hiện cùng một lúc nhiều người mắc tại bệnh viện và thời gian phát hiện những ca đầu tiên muộn nên không thể khống chế ngay.

PGS - TS Nguyễn Huy Nga: Đợt dịch COVID -19 mới phức tạp hơn

03/08/2020, 23:32

Tại Việt Nam, đây là đợt dịch mới phức tạp hơn vì xuất hiện cùng một lúc nhiều người mắc tại bệnh viện và thời gian phát hiện những ca đầu tiên muộn nên không thể khống chế ngay.

PGS, TS Nguyễn Huy Nga cho rằng cần có cơ chế chính sách đặc thù đối với bác sĩ ở tuyến đầu

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS - TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Bài học lớn từ sự chủ quan

Phóng viên: Xin ông đánh giá về diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam những ngày qua?

PGS, TS Nguyễn Huy Nga: Việc phát hiện cùng lúc nhiều ca bệnh khiến chúng ta có cảm giác bệnh lây lan nhanh nhưng thực tế đã có sự lây lan âm ỉ trong cả tháng 7. Cho nên, chưa thể khẳng định được rằng tốc độ của dịch lây lan nhanh.

Một số địa phương khác như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk cũng phát hiện các ca bệnh mới nhưng chưa phát hiện lây lan ra cộng đồng. Hiện nay, dịch đang diễn biến phức tạp với các ca lây lan ban đầu chủ yếu liên quan đến các bệnh viện. Số người được phát hiện mắc đang tăng lên từng ngày, trong đó có nhiều người bệnh nặng, người cao tuổi, người có bệnh lý nền kèm theo nên khả năng tử vong rất cao.

Dịch tại Đà Nẵng được nhận định đã trải qua 4-5 chu kỳ, rất khó phát hiện F0. Ông nhận định thế nào về việc này?

- Việc tìm F0 chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học còn chống dịch không còn ý nghĩa nhiều nữa vì hiện nay bệnh đã lan rộng.

Có thể có những người mang mầm bệnh đi lại trong cộng đồng mà chúng ta không biết được vì họ không có triệu chứng bệnh. Chúng ta không thể tầm soát được 90 triệu dân xem ai có mầm bệnh trong người. Việc quan trọng bây giờ là khi có ca bệnh phải khống chế, bao vây ca bệnh đó và xét nghiệm những người có liên quan dịch tễ, có nguy cơ lây bệnh cao.

Thưa ông, liệu có sự chủ quan, mất cảnh giác thời gian qua khi nhiều ca bệnh đi tới 4-5 bệnh viện mới được test COVID-19?

- Trong giai đoạn 90 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng, một bộ phận cán bộ y tế, cơ sở y tế cũng mất phản xạ, kỹ năng đề phòng dịch bệnh, tâm lý của người dân thì lơ là, chủ quan. Nói chung, chúng ta đã có phần mất cảnh giác với dịch Covid-19.

Thậm chí, khi đi qua cửa kiểm tra an ninh ra máy bay, khi đi trên máy bay, tôi thấy nhiều người phản ứng thái quá với cán bộ an ninh, tiếp viên hàng không khi được yêu cầu phải sử dụng khẩu trang suốt chuyến bay. Điều đó có thể nói thái độ và tinh phần phòng dịch kém, nhiều người dân bắt đầu chủ quan. Ngay cả khi vào bệnh viện thăm người ốm họ cũng không đeo khẩu trang.

Còn đối với nhân viên y tế - họ cũng buông lỏng việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Lẽ ra trong bệnh viện, họ phải luôn luôn bảo đảm an toàn cho mình và buộc mọi người tuân thủ đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giãn cách nhau. Nếu làm tốt việc đó thì ngay cả nhân viên y tế cũng sẽ không bị mắc COVID-19. Thực tế cho thấy, những nhân viên công tác tại khoa lây nhiễm sẽ ít bị lây hơn nhân viên y tế khác vì họ luôn luôn đề phòng dịch bệnh.

Rõ ràng, thời gian qua một số bệnh viện đã chủ quan, chưa thực hiện tốt việc giám sát công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Đà Nẵng sẽ là một bài học rất lớn, giúp các cơ sở y tế phải cảnh giác, luôn đề phòng với virus coi đây là một bệnh dịch thường trực vì hiện nay đại dịch trên thế giới đang diễn ra hết sức phức tạp.

Khi người bệnh có sốt, thì điều đầu tiên phải nghĩ ngay tới COVID-19 và đề nghị làm các xét nghiệm liên quan chứ không chỉ nghĩ đến sốt xuất huyết hay cảm cúm. Có như thế, chúng ta mới không để lọt ca bệnh sốt nhiều ngày, đi tới vài cơ sở y tế mà không được xét nghiệm phát hiện virus COVID-19.

Hiện tại Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đang khẩn trương, rốt ráo chỉ đạo các cơ sở y tế sàng lọc bệnh nhân và thắt chặt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Tôi nghĩ rằng sau câu chuyện dịch bệnh ở Đà Nẵng này thì tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải khẩn trương tập huấn lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và xây dựng bệnh viện an toàn phòng chống đại dịch Covid-19 theo tinh thần của Quyết định 3088/QĐ-BYT ngày 20-7-2020.

Việc phát hiện muộn, liệu có làm cho công tác truy vết và điều trị gặp nhiều thách thức?

- Hiện nay, về điều trị, các cơ sở y tế vẫn tuân thủ theo phác đồ của Bộ Y tế. Chúng ta vẫn triển khai những biện pháp điều tra dịch tễ, truy vết để tìm dấu vết ca bệnh. Các thầy thuốc giỏi, có kinh nghiệm, các trang thiết bị, phương tiện cứu chữa hiện đại đã được điều động đến các bệnh viện ở Đà Nẵng. Một đơn vị tinh nhuệ về điều tra dịch tễ học đã được Bộ Y tế biệt phái đến Đà Nẵng để hỗ trợ điều tra dịch tễ.

Tuy nhiên, khi phát hiện nhiều người mắc COVID-19 cùng thời điểm, khả năng cứu chữa khó khăn vì bệnh này cần máy móc hiện đại, thầy thuốc có tay nghề cao như máy thở, ECMO… Khi ca bệnh xuất hiện nhiều và lại nhiều ca bệnh nặng, nguồn lực trở nên khan hiếm hơn.

Việt Nam sẽ có đỉnh dịch ở đợt dịch này

Đà Nẵng đang ghi nhận số ca tiếp tục tăng nhanh, và tình trạng này cũng đang gây nên mối lo ngại cho một số tỉnh, thành phố khác khi có người dân trở về từ Đà Nẵng. Ông nhận định thế nào về tình hình diễn biến của dịch thời gian tới đây?

- Trên thế giới hiện cũng đang ở làn sóng thứ 2 của đại dịch. Tại nhiều nước, dịch đang diễn biến phức tạp hơn Việt Nam. Philippines ngày hôm qua cũng xuất hiện hơn một nghìn ca mắc. Số người tử vong trên toàn cầu đang tăng mạnh.

Tại Việt Nam, đây là đợt dịch mới phức tạp hơn vì xuất hiện cùng một lúc nhiều người mắc tại bệnh viện và thời gian phát hiện những ca đầu tiên muộn nên không thể khống chế ngay. Vì vậy dịch đang có nguy cơ lây lan cao. Khi càng nhiều người bị bệnh, tỷ lệ tử vong có thể tăng lên. Tôi cho rằng, đây là một giai đoạn mới của dịch tại Việt Nam. Đợt này, chúng ta sẽ có đỉnh dịch khi số ca mắc đang leo dần lên đỉnh.

Hiện Việt Nam đã ghi nhận ba ca tử vong do có bệnh lý nền rất nặng đi kèm. Ông có nhận định gì về việc này?

-Trên thế giới, tỷ lệ tử vong nói chung do COVID-19 khoảng 3 - 5%, tức là trung bình 100 người mắc thì có có 3 - 5 người chết, phụ thuộc vào tình trạng người bệnh và khả năng cứu chữa của y tế.

Còn đối với người cao tuổi, có bệnh nền thì tỷ lệ này là 13 - 15%, tức là 100 người mắc, có thể có từ 13 - 15 người tử vong. Tại Việt Nam, hiện nay ba ca tử vong trong khoảng 100 ca mới phát hiện là trong giới hạn bình thường, không có gì đột biến.

Dịch sẽ ổn định dần

Lúc này cả nước đang hướng về Đà Nẵng. Người dân đang lo ngại đến một đợt giãn cách xã hội thứ 2 khi dịch có thể lan sang nhiều tỉnh, thành phố khác?

- Việt Nam đang cố gắng lớn bao vây, dập tắt ổ dịch. Bộ Y tế đã cử đội quân tinh nhuệ nhất trong các lĩnh vực dự phòng dịch tễ, kiểm soát nhiễm khuẩn, điều trị để bao vây ổ dịch Đà Nẵng, hy vọng nó không bùng phát ở tỉnh khác.

Chúng ta đang kiểm soát dịch quyết liệt các nơi, hy vọng khi phát hiện ra các ca lây từ F1 sang F2 thì có thể sự rầm rộ không như ban đầu nữa vì lúc này, chúng ta đã có cảnh giác hơn. Tôi cho rằng, tình hình các tỉnh không đến nỗi như Đà Nẵng nên việc giãn cách xã hội triệt để trên toàn quốc như trước đây có thể không xảy ra. Chúng ta đang học cách sống chung với bệnh này, khi nó có thể còn kéo dài hàng năm, do đó chúng ta không thể duy trì mãi trạng thái giãn cách toàn quốc một thời gian dài.

Chúng ta nên thay đổi theo chiến lược mới, “cháy đâu dập đấy” chứ không phải có một ca thì phải giãn cách toàn thành phố. Việc giãn cách gây khó khăn cho nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp phá sản, mà các doanh nghiệp không hoạt động thì nhà nước thất thu thuế, lấy đâu ra ngân sách. Tôi tin tưởng trong thời gian tới đây, Việt Nam sẽ khống chế được dịch tại các địa phương khác và bao vây được dịch tại Đà Nẵng để không lan rộng.

Ông có khuyến cáo gì với người dân lúc này?

- Người dân cần bình tĩnh. Chúng ta không được chủ quan và không lơ là mất cảnh giác nhưng cũng không hoảng loạn. Mặc dù Việt Nam đã có ba ca tử vong, nhưng họ là những người có bệnh nền, tỷ lệ tử vong nằm trong tỷ lệ chung của thế giới.

Lúc này, người dân cần thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giãn cách cá nhân, không đến nơi tập trung đông người, thực hiện nghiêm các nguyên tắc vệ sinh, giữ cho mình, gia đình và cộng đồng.

Xin cảm ơn PGS - TS Nguyễn Huy Nga!

Theo Nhân Dân

Bài liên quan
Câu chuyện về con chip của PGS-TS Nguyễn Trung Dân
Cuộc đua công nghệ đang nóng hơn bao giờ hết. Giữa bối cảnh trật tự công nghệ mới đang hình thành, đâu là cơ hội và thách thức cho Việt Nam? Cuốn sách “Khi con chip lên ngôi” của TPGS-TS Nguyễn Trung Dân sẽ cho chúng ta biết điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS - TS Nguyễn Huy Nga: Đợt dịch COVID -19 mới phức tạp hơn