Tại dự án Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều đề xuất "thanh lọc" hệ thống ngân hàng, trong đó đề xuất cho phá sản ngân hàng là một phương án được tính tới.

Phá sản ngân hàng yếu kém: Tiền gửi của người dân sẽ xử lý thế nào?

tuyetnhung | 08/06/2017, 05:50

Tại dự án Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều đề xuất "thanh lọc" hệ thống ngân hàng, trong đó đề xuất cho phá sản ngân hàng là một phương án được tính tới.

Trong đó các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nhưng không thực hiện được các phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ; cũng không đủ điều kiện giải thể theo quy định của pháp luật, thì phải xây dựng và thực hiện phương án phá sản theo quy định tại Luật này.

Đề xuất này của NHNN đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Giới chuyên gia nhìn nhận đây là phương án mang tính đột phá sau nhiều sự "chần chừ" và lo ngại về sự bất ổn của hệ thống.

Nhìn nhận vấn đề này một cách rõ ràng hơn, phóng viên báo Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi riêng với chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu

TS Nguyễn Trí Hiếu

- Tại dự án Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra đề xuất phá sản các ngân hàng yếu kém. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

- TS Nguyễn Trí Hiếu: Đây là đề xuất hợp lý mà Chính phủ đã xem xét đến từ lâu, vì đến một lúc nào đó sẽ không thể xử lý các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng. Hơn nữa, đã là nền kinh tế thị trường thì hãy để thị trường quyết định, yếu kém thì phải phá sản để làm trong sạch hệ thống.

Nền kinh tế có lúc khó khăn, hàng nghìn doanh nghiệp còn lâm cảnh thua lỗ dẫn đến phá sản. Ngân hàng cũng là một thành phần kinh tế, nếu khi thua lỗ lại được Nhà nước đứng ra bảo đảm tính thanh khoản thì là điều không công bằng và rất vô lý.

Như ở thời điểm hiện nay, việc cho phá sản các ngân hàng yếu kém theo Luật phá sản doanh nghiệp là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa thể thực hiện ngay vì cần phải đưa ra những quy định cụ thể về thủ tục phá sản cũng như việc NHNN phải thực hiện thanh tra, giám sát. Bên cạnh đó, việc cho phá sản cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Trên thế giới đã áp dụng biệnpháp phá sản các ngân hàng yếu kém thế nào và có hiệu quả không, thưa ông?

- Với các nước trong hệ thống tư bản, việc phá sản các ngân hàng yếu kém là điều bình thường, cũng như việc phá sản các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở các nước tư bản, định chế tài chính được cả một hệ thống kinh tế bảo vệ. Vì vậy, khi phá sản các ngân hàng, hệ thống của họ vẫn rất vững chắc.

Đơn cử như ở Mỹ, việc phá sản một ngân hàng ở Mỹ được thực hiện rất chuyên nghiệp, trật tự và an toàn. Nếu cơ quan thanh tra, giám sát phát hiện ngân hàng nào vào tầm ngắm có nguy cơ phá sản thì cơ quan quản lý như Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) sẽ lên kế hoạch đóng cửa và tìm đối tác mua lại ngân hàng này, hoặc chính FDIC là cơ quan tiếp quản và thanh lý tài sản.

Đặc biệt tại Mỹ, việc bất kỳ ngân hàng nào bị cho phá sản đều được giữ bí mật một cách tuyệt đối để tránh trường hợp khách hàng ồ ạt đến rút tiền và tránh thất thoát tài sản từ chính cán bộ trong ngân hàng bị đóng cửa.

Sau khi tiếp quản, FDIC có thể sa thải hoặc bắt giữ các cán bộ cao cấp của ngân hàng có hành vi vi phạm. Cùng với đó là sẽ cơ cấu lại toàn bộ ngân hàng

Ở Mỹ, các ngân hàng được xếp hạng từ 1-5. Trong đó, 1 là top ngân hàng tốt nhất, còn 5 là top xấu nhất. Qua thanh tra và giám sát, nếu ngân hàng nào thuộc top 5 thì các nhà quản lý sẽ thực hiện các bước để phá sản ngân hàng đó.

Với một trình tự phá sản trật tự và an toàn, Mỹ đã cho phá sản hàng trăm ngân hàng mỗi năm mà không hề gây khủng hoảng cho hệ thống. Ngược lại, hệ thống ngân hàng của Mỹ ngày càng đi vào ổn định hơn.

- Nếu cho phá sản mộtngân hàng, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất chính là tiền của người dân sẽ được xử lý thế nào, thưa ông?

- Theo nguyên tắc, khi cho một ngân hàng nào đó phá sản thì phải cho người gửi tiền biết là họ sẽ được nhận tiền bảo hiểm quốc gia về tiền gửi như thế nào và thủ tục ra sao.

Ở Mỹ, người gửi tiền được chi trả bảo hiểm tới 250.000 USD cho 1 tài khoản tại một ngân hàng. Ở Việt Nam, mức bảo hiểm này là 50 triệu đồng, đây là mức vô cùng thấp.

Ngoài ra, khoản tiền bảo hiểm này ở bên Mỹ được thanh toán rất nhanh khi khách hàng yêu cầu. Đáng chú ý, sau khi thanh lý tài sản ngân hàng, FDIC sẽ hoàn trả lại số tiền một cách theo đúng trình tự.

Trước hết, FDIC sẽ trả lại cho chính FDIC số tiền mà đơn vị này trước đó đã trả cho khách hàng gửi tiền, tiếp đến là trả thuế cho chính phủ (nếu nợ), trả tiền lương nợ nhân viên, các đối tác cung cấp phương tiện hoạt động kinh doanh của ngân hàng, các khách hàng gửi tiền trên mức được bảo hiểm, ngân hàng cho vay trên liên ngân hàng, các đối tác cho vay khác và cuối cùng là các cổ đông.

Quay trở lại với Việt Nam, tôi đề xuất phải tăng mức bảo hiểm tiền gửi lên với người dân. Bên cạnh đó, các thủ tục phá sản, tiếp quản ngân hàng phải được thực hiện chặt chẽ, khách quan và công bằng để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Xin cám ơn ông!

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc cho phép phá sản ngân hàng sẽ mang lại một số hệ quả tích cực. Thứ nhất, người gửi tiền sẽ phải cân nhắc, lựa chọn kỹ hơn ngân hàng, thay vì chỉ nhắm đến các ngân hàng có mức lãi suất cao. Thứ hai là sẽ góp phần làm giảm hiện tượng chạy đua lãi suất huy động trong hệ thống.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng là nền kinh tế thị trường thì nên cho thị trường quyết định, yếu kém thì phải phá sản để làm trong sạch hệ thống. Vì vậy việc phá sản ngân hàng thực sự quá yếu kém là cần thiết.

Ông Nguyễn Phước Thanh - Phó Thống đốc NHNN cho biết Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ Mỹ, thiết lập một cơ chế và quy trình phá sản hợp lý. Trên thực tế, nếu cho phép phá sản, hệ thống ngân hàng có thể bị ảnh hưởng dây chuyền và người dân kéo đến rút tiền ồ ạt, dẫn đến việc đưa cả hệ thống vào khủng hoảng. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra nếu việc phá sản được lên kế hoạch chặt chẽ và hợp lý.

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội ngày 22.10.2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định cần thiết phải thí điểm phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. “Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino, sẽ cho phá sản ngân hàng yếu kém. Làm được như vậy thì có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều”.

theo Chinhphu.vn

Tuyết Nhung (Thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phá sản ngân hàng yếu kém: Tiền gửi của người dân sẽ xử lý thế nào?