Sài Gòn chuyện đời của phố 1, 2 rồi tới 3 của nhà báo – nhà văn Phạm Công Luận đã tiếp tục mang tới cho những người không chỉ sinh ra lớn lên tại vùng đất Gia Định này sống lại những miền ký ức bị lãng quên mà còn tạo nên cảm giác hứng thú riêng với những ai xa xứ tới lập nghiệp nơi đây. 

Phạm Công Luận và Sài Gòn chuyện đời của phố 3

Một Thế Giới | 20/01/2016, 12:03

Sài Gòn chuyện đời của phố 1, 2 rồi tới 3 của nhà báo – nhà văn Phạm Công Luận đã tiếp tục mang tới cho những người không chỉ sinh ra lớn lên tại vùng đất Gia Định này sống lại những miền ký ức bị lãng quên mà còn tạo nên cảm giác hứng thú riêng với những ai xa xứ tới lập nghiệp nơi đây. 

Viết về Sài Gòn là cơ hội cho mình mình và cho con

Sài Gòn chuyện đời của phố ra mắt ngay từ tập đầu tiên đã khiến độc giả như bước vào những cuốn phim ký ức về Sài Gòn một thời, những bìa báo Xuân, đĩa nhạc xưa cũ, cội nguồn của những tấm ảnh về các diễn viên nổi tiếng nay đã lui vào hậu trường hay những nét sinh hoạt, những tên gọi hoàn toàn lạ lẫm về một Sài Gòn hòn ngọc viễn Đông đầu thế kỷ 20 hiện ra sống động.

Tác giả, nhà báo Phạm Công Luận vốn sinh ra ở thành phố này, nên có lẽ khi phác hoạ về nơi “chôn nhau cắt rốn” lật mở qua từng trang viết, độc giả không khó để nhận thấy giọng văn nhẹ nhàng, đời thực nhưng đầy tâm huyết của một “người con xứ Gia Định” dày công sưu tầm.

Trong gần 100 mẫu truyện (3 tập sách) về Sài Gòn Sài Gòn chuyện đời của phố, con đường, ngôi nhà cổ và những câu chuyện mưu sinh xúc động như trong bài viết: Nhà cổ ven đường, Giai nhân một thuở, Xe điện Sài Gòn hay Xóm ngụ cư,… phác họa nên bức tranh về Sài Gòn trầm mặc và khắc khoải. Và cũng đâu đó trong mỗi câu chuyện kể của tác giả là những lát cắt hoài niệm đầy yêu thương, về một thành phố đa sắc màu với hơn 300 năm hình thành.

Nhưng dưới góc nhìn rất riêng Phạm Công Luận, có một Sài Gòn xưa sầm uất với con đường đồ cổ Lê Công Kiều, con đường nhộn nhịp đèn hoa lấp lánh Catinat (Đồng Khởi ngày nay)… hay hình ảnh tuyệt đẹp của ánh sáng và giai điệu trong các phòng trà xưa, tiệm ảnh cũ, người lao động bình dân đều đượm hơi thở đương đại.

Xuất phát điểm ban đầu từ sự tò mò về cuộc sống của người Sài Gòn và rồi khi tình yêu dành cho mảnh đất này quá lớn, Phạm Công Luận đã trở thành một người truyền ký ức tới lớp trẻ qua bộ ba tập sách về Sài Gòn chuyện đời của phố.

“Tôi sinh ra ở Phú Nhuận và tò mò rằng người Sài Gòn sinh hoạt như thế nào. Có lần tôi gặp một người bán cho tôi 40kg hình ảnh Sài Gòn xưa gom từ các vựa ve chai. Qua những tấm ảnh đó, tôi nhìn thấy một đời sống Sài Gòn quá phong phú: cách ăn, chơi, chụp hình với các phông màu đa dạng. Và khi viết cũng là tôi tạo điều kiện cho chính mình đi tìm hiểu về Sài Gòn.

Một mong muốn hơi riêng tư, khi tôi nghĩ mình sẽ viết về Sài Gòn nơi mình sinh ra và già đi, chính là mình viết cho con mình đọc, bởi nói chuyện sẽ nói không thể hết được. Bằng cuốn sách con sẽ hiểu hơn về cha và về Sài Gòn”, Phạm Công Luận tâm sự.

Pham Cong Luan, nguoi truyen ky uc Sai Gon qua ngon ngu viet-hinh-anh-1
   

Tối 19.1, nhà báo Phạm Công Luận đã có buổi giao lưu độc giả Sài Gòn chuyện đời của phố tại quán cà phê Booknest (đường sách TP.HCM).

Sài Gòn trong tầng sâu ký ức

Ba tập sách Sài Gòn chuyện đời của phố cũng là 3 tập kể đủ cả những điều thú vị mà có lẽ nếu tác giả Phạm Công Luận không kể ra sẽ ít người trẻ biết được như: Khu Đa Kao gọi là khu khá giả, chợ Tân Định là khu nhà giàu… Hay là câu chuyện về những giai nhân một thời được ông Đinh Tiến Mậu - chủ hiệu ảnh nổi tiếng Viễn Kính - nơi nhiều nghệ sĩ Sài Gòn tới chụp - lưu giữ, bao gồm cả ảnh tư liệu giá trị của nữ danh ca Giao Linh…

Phạm Công Luận thừa nhận Sài Gòn vẫn còn quá nhiều đề tài mà người dân lưu giữ trong tầng sâu ký ức. Nên khi đi tìm tư liệu, từng lớp quá khứ cứ dần dần lật mở, cuốn tác giả đi sâu hơn vào vòng xoáy của ký ức Sài Gòn.

Pham Cong Luan, nguoi truyen ky uc Sai Gon qua ngon ngu viet-hinh-anh-2

Tập 3 Sài Gòn - Chuyện đời của phố dày nhất trong 3 tập (332 trang). Phạm Công Luận cho biết anh bắt tay viết quyển 3 ngay khi quyển 2 đi in và mất 9 tháng mới hoàn thành. 

Tác giả Sài Gòn chuyện đời của phố bộc bạch: “Khi tìm tư liệu là vì muốn làm rõ những câu chuyện còn khuất lấp, như họa sĩ Duy Liêm chẳng hạn, ông này nổi tiếng nhưng không ai biết ông sinh sống ra sao. Tôi đi tìm, lúc đầu gặp cái hình của ông thôi, sau đó thì có thêm ít tư liệu. Sau đó thì gặp được người con của ông cũng đang làm họa sĩ. Người này khi biết tư liệu của tôi có được, ông mới bảo rằng những thông tin đó sai cả và ông này gửi thông tin của chính ba ông cho tôi.

Hay như tư liệu về phòng trà Anh Vũ ở Sài Gòn khoảng năm 1958-1959 ở đường Phạm Ngũ Lão. Sau khi Pháp rút về nước, đây là phòng trà đầu tiên của Sài Gòn, ban ngày bán cơm từ thiện, bán cơm cho nghệ sĩ, nhà báo, tối là phòng trà. Phòng trà này có nhạc sĩ Phạm Duy dẫn chương trình; có Phương Dung, Khánh Ly và một số ca sĩ khác. Trên hành trình đó, tôi còn tìm thấy tư liệu, hình ảnh về một quán cơm Việt ở chỗ khoảng 40 Nguyễn Huệ bây giờ. Mà thời đó rất hiếm có quán cơm Việt, chỉ có quán cơm Tây hoặc Tàu”.

Những câu chuyện trong Sài Gòn chuyện đời của phố, nói như tác giả, chính là “những câu chuyện trên bờ của dòng lịch sử", nhưng chúng giúp cho người đọc hình dung rõ và sinh động hơn một dòng chảy lịch sử đã trôi qua của Sài Gòn.

Diệu Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chậm nhất ngày 17.5 phải công bố quyết định thanh tra thị trường vàng
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu chậm nhất ngày 17.5 công bố quyết định thanh tra thị trường vàng; xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm, nhất là buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phạm Công Luận và Sài Gòn chuyện đời của phố 3