Giáo dục và xử lý nghiêm những vi phạm giao thông của học sinh không chỉ bảo đảm an toàn tính mạng cho các em mà còn để các em trở thành công dân có đầy đủ năng lực, phẩm chất tốt.

Phạm luật giao thông bị thôi học 1 tuần: Hai quan điểm trái chiều

Một Thế Giới | 12/03/2016, 06:52

Giáo dục và xử lý nghiêm những vi phạm giao thông của học sinh không chỉ bảo đảm an toàn tính mạng cho các em mà còn để các em trở thành công dân có đầy đủ năng lực, phẩm chất tốt.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội ra quy định về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong ngành giáo dục, trong đó có việc học sinh, sinh viên (HS, SV) vi phạm giao thông nhiều lần sẽ bị buộc thôi học 1 tuần. Quy định này gây nhiều ý kiến trái chiều từ HS, SV, phụ huynh và chuyên gia.
Phụ huynh lo lắng, chuyên gia đồng tình
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, đối với HS, SV vi phạm luật an toàn giao thông lần 1 sẽ bị hạ 1 bậc hạnh kiểm trong tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2 sẽ bị hạ 1 bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình 3 ngày để tự kiểm điểm; thông báo tới địa phương cư trú. Nếu đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần, HS sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.
Chị Hoàng Yến (trú tại quận Thanh Xuân, có con đang học lớp 10 Trường THPT Nhân Chính) cho biết hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Sở GD-ĐT bởi đã là luật thì mọi người khi tham gia giao thông đều phải tuân thủ. Đội mũ bảo hiểm trước hết là để bảo vệ chính mình chứ không phải ai khác.
TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng cho rằng quy định mạnh tay của Sở GD-ĐT sẽ góp phần “răn đe” các bậc phụ huynh làm gương khi tham gia giao thông. “Rõ ràng ngay từ bậc mầm non, HS đã được giáo dục về ATGT, lên tiểu học và các cấp lớn hơn, HS được học rất nhiều về việc này. Vì thế, nếu các em biết phạm luật mà vẫn vi phạm thì đương nhiên phải có những hình thức phạt nghiêm khắc. Tôi biết rằng khi quy định này ra đời, chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của các phụ huynh. Lý do đơn giản vì nó ảnh hưởng đến chính họ. Cá nhân tôi thấy quy định này rất ổn” - bà Hương nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có chung quan điểm. Một số phụ huynh có con học tại Trường THPT Trần Phú lo lắng nếu phạt quá nặng hoặc quá nghiêm khắc, sẽ khiến các em xấu hổ, mặc cảm với bạn bè. Đó là chưa kể đến nhiều HS không có ý thức học, được nghỉ học không những không lo lắng mà còn thích thú, dễ chơi bời lêu lổng, thậm chí nảy sinh nhiều hệ lụy. “Đình chỉ học không phải là hình phạt mà thực tế làm HS mất bài vở, kiến thức, còn giáo viên phải lo ôn tập lại kiến thức cho các em. Cần có biện pháp nào hay hơn để giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông của các em hơn là buộc thôi học” - một phụ huynh nói.
Một số HS Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân) khi được hỏi thì cho biết đồng tình với quy định này song cũng có không ít HS cho hay quy định này có thể gây căng thẳng cho HS vì ảnh hưởng đến việc đánh giá hạnh kiểm.
Căn cứ để xét thi đua
Trước những ý kiến trái chiều, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định việc xử lý kỷ luật bằng cách buộc thôi học 1 tuần là mức hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với những HS vi phạm giao thông nhiều lần. Ông Thống cũng cho rằng hình phạt này không có nghĩa là đẩy HS ra ngoài vỉa hè chơi game mà là để gia đình nâng cao ý thức, quan tâm hơn tới giáo dục con em; giáo viên chủ nhiệm, nhà trường, chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, quản lý HS tốt hơn. Điều này giúp HS đó nhận thức là mình không được đứng ngoài vòng pháp luật, các em phải tuân thủ pháp luật.
“Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu từng trường học, cấp học thực hiện nghiêm túc việc xử phạt đối với HS vi phạm ATGT. Nếu trường nào để xảy ra tình trạng HS vi phạm giao thông, có nhiều HS vi phạm thì không thể coi đó là một nhà trường văn hóa, không thể là tập thể lao động tiên tiến, xuất sắc. Sở GD-ĐT sẽ căn cứ vào vấn đề này để xét thi đua cho các trường. Việc giáo dục cho HS không chỉ là truyền đạt kiến thức mà nhà trường, các thầy cô giáo phải có trách nhiệm đào tạo các em trở thành con người toàn diện. Nếu các trường chỉ lo giảng dạy kiến thức không thôi thì bản thân nhà trường chưa hoàn thành nhiệm vụ” - ông Thống nói.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh, các phụ huynh phải hiểu nếu HS ra ngoài cổng trường mà không đội mũ bảo hiểm, đi hàng 3, hàng 4, chở quá số lượng người… thì đó là xem thường các quy định pháp luật, luật lệ về ATGT, coi thường những lời khuyên răn của người lớn. Hôm nay, các em có thể vi phạm những quy định về ATGT thì ngày mai các em có thể vi phạm pháp luật.
TP.HCM: Không đuổi học
Những năm qua, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM thường xuyên phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP HCM triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho HS, SV. Các lỗi vi phạm giao thông HS thường mắc phải là: sử dụng điện thoại khi đang lưu thông, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô trên 50 cc…
Đối với các trường hợp HS vi phạm luật giao thông theo danh sách do Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM cung cấp, Sở GD-ĐT TP HCM sẽ yêu cầu các trường tiến hành kỷ luật, xử lý nghiêm, viết kiểm điểm, yêu cầu HS và phụ huynh viết cam kết nhưng không áp dụng hình thức đuổi học.
Sở GD-ĐT TP HCM cũng áp dụng Thông tư 58 của Bộ GD-ĐT về ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và THPT. Theo đó, HS sẽ bị xếp hạnh kiểm yếu nếu mắc lỗi vi phạm ATGT.
Đ.Trinh - T.Hoàng
Yến Anh - Người lao động
Bài liên quan
Công bố kết quả thi học sinh giỏi quốc gia THPT
Ngày 18.1, Bộ GD-ĐT thông tin về kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia bậc trung học phổ thông (THPT) năm học 2024-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mặt các chiêu trò lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) mới đây đã thông tin, cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phạm luật giao thông bị thôi học 1 tuần: Hai quan điểm trái chiều