Trên địa hạt văn hóa, mà cụ thể ở đây là văn chương và báo chí, nhà văn hóa Phạm Quỳnh để lại nhiều ấn tượng tốt cho bạn nghề cũng như độc giả. Thậm chí, giới trẻ Việt thời ấy rất ngưỡng mộ học giả họ Phạm vì tài năng của ông. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có những ý kiến chê trách, phẩm bình về ông.

Phạm Quỳnh trong con mắt các nhà trí thức Việt Nam

11/09/2016, 15:35

Trên địa hạt văn hóa, mà cụ thể ở đây là văn chương và báo chí, nhà văn hóa Phạm Quỳnh để lại nhiều ấn tượng tốt cho bạn nghề cũng như độc giả. Thậm chí, giới trẻ Việt thời ấy rất ngưỡng mộ học giả họ Phạm vì tài năng của ông. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có những ý kiến chê trách, phẩm bình về ông.

Phajm Quỳnh (giữa)

Các kỳ trước

Kỳ 1: Những chuyện ít biết về học giả Phạm Quỳnh

Kỳ 2: Phạm Quỳnh và Việt Nam trong giai đoạn thoát Hán ngữ

Với văn chương

Nguyễn Vỹ, cũng là một tay văn chương có tiếng trước năm 1975, khi viết về Phạm Quỳnh, dẫu có những chỗ không hài lòng về đời chính trị của ông, cũng phải tỏ sự ngưỡng mộ trong Văn thi sĩ tiền chiến “Không thể nào không nhìn nhận rằng thời bấy giờ, ai đọc văn của Phạm Quỳnh cũng đều thán phục văn tài của ông. Nhất là tụi thanh niên chúng tôi”.

Phạm Quỳnh dẫu có viết văn, dịch sách đấy, nhưng “ông ít khi tự nhận là nhà văn, mà chỉ thích người ta gọi là học giả - chính ông tự gán cho ông cái danh hiệu là Clerc”. Điểm qua những sáng tác, dịch thuật của ông, có những sách đã được in ấn, phát hành như: Văn minh luận; Ba tháng ở Paris; Văn học nước Pháp; Chính trị nước Pháp; Khảo về tiểu thuyết; Lịch sử thế giới; Phật giáo đại quan; Cái quan niệm của người quân tử trong đạo Khổng; Thượng Chi văn tập… Kể ra với một số tác phẩm sơ điểm như thế thôi, ông cũng đáng là văn nhân rồi.

Khi bàn về những trước tác của Phạm Quỳnh, nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu chia những tác phẩm ấy ra làm 3 loại, gồm: loại dịch thuật (Phương pháp luận; Đời đạo lý; Sách cách ngôn…), loại trứ tác (Mười ngày ở Huế; Pháp du hành trình nhật ký…), loại khảo cứu (Khảo về tiểu thuyết; Lịch sử thế giới; Phật giáo đại quan…). Tác phẩm Cận đại Việt sử diễn ca, có câu:

Nổi danh sáng lập báo Nam Phong,

Tự học tài hoa rạng núi sông

Cổ động dồi trau văn quốc ngữ,

Tuyên truyền dịch thuật sách Tây Đông.

Phong cách viết của Phạm Quỳnh, được Nguyễn Vỹ nhận xét là “một lối văn bóng bẩy văn hoa, vừa giản dị, khúc chiết, vừa dồi dào ý tưởng”. Đó là nói về Pháp văn. Còn Việt văn, thì “câu văn được săn sóc, điêu luyện như hành văn Pháp, rất thận trọng trong việc dùng chữ”. Nhận xét này, có sự đồng thuận lớn khi trong Nhà văn Việt Nam hiện đại (Vũ Ngọc Phan) chung nhận định “Nhưng một điều mà người đọc nhận thấy trước nhất trong những bài biên tập và trước thuật của ông là ông không cẩu thả; phần nhiều các bài của ông đều vững vàng, chắc chắn, làm cho người đọc có lòng tin cậy”.

Với báo chí

Dẫu gắn bó và làm nên tên tuổi với Nam Phong tạp chí, cũng như Nam Phong tạp chí phần nhiều nhờ ông mà có tiếng trong làng báo, thì trước đó, Phạm Quỳnh bắt đầu nghiệp báo trước khi Nam Phong có mặt trong làng báo. Theo Việt Nam văn học sử giản ước tân biên cho hay, Phạm Quỳnh cộng tác với Đông Dương tạp chí năm 1913 với những bài dịch thuật văn học và tư tưởng.

Về Nam Phong tạp chí, Vũ Ngọc Phan cho hay Phạm Quỳnh chính là người viết nhiều nhất, và ông là trụ cột, linh hồn của tờ báo này. Cái tài của Phạm Quỳnh, chỉ xét riêng với Nam Phong tạp chí, là ông viết hầu hết những bài về văn học, triết học, chính trị bằng Việt ngữ, Hoa ngữ và Pháp ngữ. Nam Phong tạp chí được ra đời năm 1917, tồn tại một khoảng thời gian dài 17 năm (1917 - 1934) và có ảnh hưởng lớn trong làng báo nước Nam dạo ấy, một phần nhờ những bài báo của Phạm Quỳnh cũng như ảnh hưởng của ông trên địa hạt văn hóa, chính trị. Thời gian cuối 1932 - 1934 khi Phạm Quỳnh tham gia chính trị sâu đậm, tờ tạp chí xuống dốc rõ rệt. Viết về Nam Phong, trong Việt sử mông học, khi viết về ông, đã ca ngợi là:

Chủ bút báo Nam Phong,

Có Phạm Quỳnh viết báo.

Tụ họp đám văn nhân,

Để sưu tầm tài liệu.

Chủ đích của Phạm Quỳnh khi cho ra đời tờ tạp chí này, được ông thổ lộ trong bài trả lời phỏng vấn của Đào Hùng đăng trên báo Phụ nữ tân văn ngày 18.6.1931: “Sở dĩ tôi nhận mở báo Nam Phong là vì chính phủ tự lòng cho phép chớ không phải tôi yêu cầu. Vả tôi cũng muốn lợi dụng làm một cơ quan bồi bổ quốc văn, cho thêm nhiều tiếng, cho đủ tài liệu để phiên dịch và truyền bá các tư tưởng Âu Tây”. Ấy, như lời ông chủ bút Nam Phong tâm sự, rõ là ông muốn truyền bá tư tưởng Âu Tây, cũng như bồi bổ quốc văn cho dân Việt. Những điều ấy trong 17 năm tồn tại, tờ báo này đã làm được nhiều như ông mong. Nhưng không thể phủ nhận rằng, Nam Phong được ra đời từ chủ đích của chính quyền bảo hộ khi ấy, và có những mặt trái của nó, mà trong Nghề viết báo, Tế Xuyên phê phán là “Ngoài những bài nghiên cứu học thuật, ông Phạm Quỳnh còn cổ xúy cho sự tôn quân đối với vua Khải Định và sự trung thành với nước Pháp”.

Với văn hóa Việt

Nhiều cuộc diễn thuyết của Phạm Quỳnh mang tính nghiên cứu văn hóa hẳn hoi, tỉ như “Người dân quê Bắc Việt, xét qua ca dao bình dân”. Nhà văn Nguyễn Vỹ, lớp hậu sinh Phạm Quỳnh, đã tâm sự về ảnh hưởng học vấn của Phạm Quỳnh đến lớp thanh niên dạo ấy là “chúng tôi đã noi theo gương của ông Phạm Quỳnh mà tìm cách tự học thêm các sách cổ kim Âu Á. Nhận thấy ông Phạm Quỳnh đã trở nên nhà học giả hiểu rộng biết nhiều, tư tưởng và học thuật uyên thâm, nên bọn trẻ sinh viên của thế hệ chúng tôi đã say mê văn hóa, và theo vết chân của bậc tiền bối mà lo tự học, để làm giàu cho trí óc”. Được cái, ông Quỳnh có tài diễn thuyết, nên cũng qua đó, ông cổ động nhiều cho văn hóa Việt. Theo Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Phạm Quỳnh từng diễn thuyết khắp nơi, thậm chí khi qua Pháp, ông từng diễn thuyết ở Viện Pháp quốc hải ngoại, Sinh ngữ Đông phương, Hội Nghiên cứu địa lý ở Paris, Hàn lâm viện Luân lý và xã hội…

Đối với Phạm Quỳnh, ông cũng có quan điểm rõ ràng trong “văn hóa đọc”, điều mà hiện nay dân Việt ta, thờ ơ và bàng quan hết biết: “Ông là người chủ trương cái thuyết: đọc sách Tây là để thâu thái lấy tư tưởng, lấy tinh thần văn hóa Âu Tây để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm khuyết, để chọn lấy cái hay của người mà dung hòa với cái hay của mình, ngõ hầu gìn giữ cho cái học của mình không mất bản sắc, mà vẫn có cơ tiến hóa được” (trích Nhà văn Việt Nam hiện đại). Cách đây ngót gần thế kỷ, tiền nhân đã nhìn thấy cái lợi của văn minh Âu Tây, nhưng cũng biết việc học cái tốt của người làm giàu cho văn hóa mình, tức là có sự chọn lọc cái tốt của người, ngăn ngừa cái xấu của người. Ấy những hậu nhân ngày nay, bản sắc văn hóa cứ bị bào mòn trong quá trình học hỏi là bởi làm sao? Câu hỏi ấy, đau đáu một nỗi buồn.

Để kết thúc bài viết này, xin trích ra đây vài nhận xét về Phạm Quỳnh ở địa hạt văn hóa, dĩ nhiên là không tiêu biểu cho tất cả bởi góc nhìn về con người Phạm Quỳnh xưa cũng như nay, vẫn chưa kết luận cho rốt ráo được. Văn thi sĩ tiền chiến ghi “nếu Phạm Quỳnh đem hết trí thông minh lớn lao và tài văn nghệ rất hoạt bát của ông để phụng sự hoàn toàn cho văn học Việt Nam, thì chắc là ông đã để lại một sự nghiệp văn hóa vĩ đại vô kể”. Trên tạp chí Văn học, số 98 ra ngày 1.1.1969, tác giả Trần Kim Bảng trong bài Bệnh tật và cái chết của Phạm Quỳnh (1890 - 1945) đã tiếc một tài năng văn chương, báo chí: “Phạm Quỳnh là một học giả uyên thâm. Mặc dầu bệnh tật ông vẫn trước tác một cách kiên trì nhờ đó mà ông đã tạo nên một văn nghiệp dồi dào và vững chắc. Người ta đã tiếc cho văn học Việt Nam khi ông xoay hướng”. Ấy là đôi lời khen dành cho họ Phạm, nhưng lời chê, thì đơn cử trên báo Thần chung số 228, năm 1967, bài Bài học Phạm Quỳnh có lời, đại ý, ông Quỳnh là người nịnh Tây, nhưng ông nịnh “một cách văn chương, tế nhị làm cho nhiều người vẫn mù quáng tin ông”.

Công luận phẩm bình là thế, chúng tôi chỉ dám gom góp mà ghi lại, không thêm thắt gì. Còn nhận định, xin để con mắt tinh tường của bạn đọc mặc xét vậy.

Trần Đình Ba

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phạm Quỳnh trong con mắt các nhà trí thức Việt Nam