Cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai
Cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai
Cuộc chiến khốc liệt nhất trong 3 kỳ chống quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần

Ngoại giao ăn miếng trả miếng sòng phẳng giữa vua Trần Thánh Tông và Hốt Tất Liệt

06/09/2016, 11:20

Vua Trần Thánh Tông tức giận trước thái độ đó, lệnh cho quân cấm vệ tuốt gươm vây quanh sứ thần để thị uy, còn vua chẳng thèm để ý đến hắn nữa. Trương Đình Trân bị giam lỏng, quân lính lo việc ăn uống hằng ngày, lấy nước sông cho uống. Hốt Lung Hải Nha cũng bị cô lập, không cho làm việc gì ở Đại Việt.

Triều đình Hốt Tất Liệt

Các kỳ trước

Kỳ 1: Đại Việt đêm trước cơn bão kháng Nguyên Mông lần thứ 2

Kỳ 2: Đất Trung Quốc máu chảy thành sông, Đại Việt tọa sơn quan hổ đấu

Kỳ 3: Vua Trần dùng kế hoãn binh, nhà Nguyên không dám manh động

Trong những năm đầu sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, quan hệ ngoại giao Đại Việt - Nguyên Mông bình thường trở lại. Tất nhiên sự êm đẹp trong quan hệ này chỉ là tạm thời bởi tham vọng của Nguyên Mông rất lớn, chẳng qua vì họ đang có nội chiến mà phải mềm mỏng với những nước bên ngoài. Năm 1264, Hốt Tất Liệt giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc tranh ngôi hãn, đẩy mạnh trở lại cuộc xâm lược Nam Tống. Cùng với đó là thái độ hạch sách, hung hăng tăng dần đối với Đại Việt. Đầu năm 1266 nhân việc sứ Mông Cổ sang trao chiếu đổi niên hiệu của Hốt Tất Liệt và tặng lịch, vua Trần sai Dương An Dưỡng đi sứ, vừa lấy cớ đáp lễ vừa trao thư với các đề nghị sau :

1. Định lại những sản vật địa phương trong danh sách cống phẩm.

2. Xin bãi bỏ việc cống người.

3. Xin cho Nạp Thích Đinh làm Đạt Lỗ Hoa Xích dài hạn.

Ban đầu, triều đình Nguyên Mông đồng ý với những đề nghị này. Nhưng chẳng lâu sau đó, khi nhận thấy tình hình đã thuận lợi hơn cho việc nam tiến, họ lại sai sứ sang đưa ra 6 yêu sách ngang ngược. Chiếu thư của Hốt Tất Liệt gửi cho vua Đại Việt:

"Theo thánh chế của đức hoàng đế Thái Tổ (tức Thành Cát Tư Hãn) thì phàm những nước quy phụ:

Quân trưởng phải thân vào chầu,

Con em phải làm con tin,

Lại phải kê dân số,

Chịu quân dịch,

Nộp thuế má,

Mà vẫn đặt quan Đạt Lỗ Hoa Xích để thống trị.

Mấy việc ấy là để tỏ lòng thành thực thần phục. Khanh sai tiến cống không trái kỳ hạn ba năm, đủ tỏ lòng thành, cho nên ta lấy điển lệ của tổ tông ta đã định mà nhắc bảo, cũng là lấy lòng thành thực mà hiểu dụ. Vả lại quân trưởng sang chầu, con em làm con tin, lập sổ dân, định ngạch thuế, xuất quân giúp nhau, từ xưa cũng có, nào phải bây giờ mối đặt ra lệ ấy đâu” (theo Nguyên sử).

Tình hình ngoại giao Đại Việt - Nguyên Mông căng thẳng hơn rõ rệt kể từ việc yêu sách này. Nếu làm theo những yêu sách ấy, chẳng khác nào Đại Việt tự trở thành nước phụ thuộc. Vua Trần Thánh Tông đã lờ đi những đòi hỏi ngang ngược của Nguyên Mông, càng đốc thúc cho cả nước tăng cường binh bị. Năm 1266, Dương An Dưỡng đi sứ trở về báo cáo tình hình, mang theo các tặng phẩm của Hốt Tất Liệt đáp lễ Đại Việt. Trong khi đó, thủy quân Đại Việt đi tuần biên giới trở về đã báo cáo lại kế hoạch xâm lược Đại Việt của quân Mông Cổ, đồng thời tiên liệu thời hạn mà quân xâm lược sẽ kéo sang. Đại Việt do vậy càng đề phòng. Vua Trần sai các đạo quân mạnh lên biên giới phòng giữ, định lại đội ngũ, kén chọn thêm tướng lĩnh cầm quân.

Nạp Thích Đinh giữ chức Đạt Lỗ Hoa Xích ở Đại Việt lâu ngày với nhiệm vụ giám sát cai trị và thám thính tình hình nước ta. Nhưng triều đình Đại Việt đã mua chuộc được viên quan này, y ở Đại Việt chẳng khác gì một sứ giả bình thường, không làm gì ảnh hưởng đến sự tự chủ của Đại Việt. Chính vì vậy Nạp Thích Đinh dần bị triều đình Nguyên Mông nghi ngờ. Năm 1269, nhà Nguyên phái Hốt Lung Hải Nha (Qurung Qaya) sang giữ chức Đạt Lỗ Hoa Xích thay cho Nạp Thích Đinh, còn Trương Đình Trân làm phó, hòng biến nước ta thành nước phụ thuộc.

Vừa đến nơi, hai viên quan nói trên đã tỏ thái độ vô cùng hống hách, mang cả khí giới vào nội điện, hạch hỏi vua Trần Thánh Tông tại sao không lạy để nhận chiếu của vua Nguyên Mông. Vua Trần Thánh Tông đáp: "Các ngài làm quan một triều, tôi đây là vua một nước, lẽ nào các ngài làm lễ ngang hàng với tôi được".

Trương Đình Trân nói: "Sứ thần của thiên vương dầu nhỏ, nhưng theo thứ tự, được đứng trên hàng các vua chư hầu".

Vua Trần Thánh Tông tức giận trước thái độ đó, lệnh cho quân cấm vệ tuốt gươm vây quanh sứ thần để thị uy, còn vua chẳng thèm để ý đến hắn nữa. Trương Đình Trân bị giam lỏng, quân lính lo việc ăn uống hằng ngày, lấy nước sông cho uống. Hốt Lung Hải Nha cũng bị cô lập, không cho làm việc gì ở Đại Việt. Biết tin, triều đình Nguyên Mông cho người đưa thư trách móc việc đối đãi với sứ giả không tốt, dẫn cả kinh Xuân Thu để trách việc vua Trần không lạy nhận chiếu.

Vua Trần gửi thư trả lời: "Sứ thần không nên làm lễ ngang hàng với vua một nước. Vả lại, trước đây thiên triều đã có dụ cho mọi việc trong nước tôi cứ được theo tục cũ của bản quốc. Thế thì việc nhận chiếu chỉ của thiên triều đem kính để tại chính điện, còn vua thì lui xuống ở nhà riêng, đấy là điển lệ cũ của nước tôi đấy".

Nhà Nguyên lại gửi thư: “Sứ thần của triều đình dầu chức nhỏ, nhưng phải coi mệnh lệnh của thiên tử là trọng hơn cả. Trước kia vì triều đình nhận thấy nước nào cũng đều có tập tục riêng, không bắt phải thay đổi vội, nên hạ chiếu cho được theo tục nước ấy, chứ có lẽ nào lấy việc không lạy chiếu chỉ của triều đình mà bảo là theo tục cũ được hay sao?".

Lời qua tiếng lại, vua Trần cũng không thèm trả lời thư nữa mà sai hai sứ giả Lê Trọng Đà, Đinh Củng Viên sang Nguyên triều để biện bạch cho có lệ. Về sau cứ thế, vua Trần đều kiên quyết không lạy để nhận chiếu mà chỉ bái chào sứ giả. Khi tiếp sứ đều phân biệt ngôi thứ, vua ngồi trên, sứ ngồi dưới như bề tôi trong nước. Lệ tiếp sứ này là lẽ thường giữa các nước nhưng đối với Mông Cổ luôn muốn đứng trên các nước, rất không hài lòng về việc này và nhiều lần gửi thư trách móc.

Hốt Tất Liệt còn đưa thư yêu cầu Đại Việt giao nộp các thương nhân người Hồi Hột (Uyghur), thực chất là muốn thông qua những người này để dò xét tình hình Đại Việt. Vua Trần liền hạ lệnh cấm người trong nước buôn bán với người Hồi Hột, và biên thư trả lời: “Lái buôn Hồi Hột một người tên là I Ôn đã chết lâu ngày, một người tên Bà Bà vừa bị bệnh chết”.

Nhà Nguyên Mông một mặt sai sứ hạch sách, mặt khác sửa soạn binh lực để xâm lược nước ta ngay cả khi chúng còn đang bận chiếm trọn lãnh thổ Nam Tống. Biết được việc người Mông Cổ cư xử gian trá, vua Trần cũng dần nhạt việc triều cống mà chuyên tâm sửa sang binh bị. Riêng việc cống voi mà phía Nguyên Mông yêu cầu, Đại Việt đã nhiều lần thoái thác. Đợt triều cống năm 1269, vua Trần gửi thư viện lý do: "Theo lời Đạt Lỗ Hoa Xích, bệ hạ muốn đòi mấy con voi lớn. Loài thú ấy thân thể to lắm, bước đi rất chậm chạp, không như ngựa của thượng quốc. Xin tuân sắc chỉ, đợi đến năm tiến cống sau sẽ đem dâng”.

Đến đợt cống năm 1272, vua Trần lại thoái thác, kèm theo từ chối việc cống người: Sứ đến nói việc đòi voi, trước vì sợ trái chỉ nên không dám nói thẳng là theo hay không theo chứ thật ra vì tượng nô không chịu rời nhà, khó sai họ đi. Còn việc đòi nho sĩ, thầy thuốc và thợ thì khi bồi thần nước tôi là bọn Lê Trọng Đà vào bệ kiến, gần uy quang trong gang tấc cũng không nghe chiếu dụ gì đến việc ấy. Huống chi từ năm Trung Thống thứ 4 (1263) đã được đội ơn tha cho, nay lại nhắc đến, xiết nỗi kinh ngạc...”.

Năm 1271, Hốt Tất Liệt đổi tên nước là Đại Nguyên, lại gửi chiếu thư đòi vua Trần Thánh Tông phải đích thân sang chầu. Vua Trần cáo bệnh để từ chối việc này. Cuộc đấu tranh ngoại giao của triều đình Đại Việt lại bước sang thời kỳ mới, với mức độ căng thẳng cao hơn nữa.

Kỳ tới: Không thể khoan nhượng

Quốc Huy

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngoại giao ăn miếng trả miếng sòng phẳng giữa vua Trần Thánh Tông và Hốt Tất Liệt