Luật Thuế tài sản nếu được ban hành tại thời điểm hiện nay sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường bất động sản và người mua nhà. Trong đó, người mua nhà sẽ nộp thuế chồng thuế, tức là vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản.

Phản biện về đề xuất đánh thuế nhà ở trên 700 triệu của Bộ Tài chính: Thuế chồng thuế

Phan Diệu | 16/04/2018, 05:38

Luật Thuế tài sản nếu được ban hành tại thời điểm hiện nay sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường bất động sản và người mua nhà. Trong đó, người mua nhà sẽ nộp thuế chồng thuế, tức là vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản.

Bộ Tài chính đang kiến nghị xây dựng Luật Thuế tài sản với đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Theo đó, với nhà ở, Bộ xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỉ đồng trở lên. Mức thuế được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng định là 0,4%. Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Tài chính vừa đưa ra đã gây nhiều tranh cãi.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Luật Thuế tài sản nếu được ban hành tại thời điểm hiện nay sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường bất động sản và người mua nhà.

Cụ thể, bên cạnh mặt tích cực như tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh thì sẽ xảy ra tình trạng thuế chồng thuế. Người mua nhà sẽ vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản.

Chưa kể, Luật Thuế này cũng tác động đến mặt bằng giá cả nói chung mà trực tiếp là giá cả trên thị trường bất động sản. Đồng thời, làm giảm phần nào hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp dẫn tới khả năng sụt giảm giao dịch trên thị trường bất động sản.

Ông Châu nói rằng, Luật Thuế tài sản được áp dụng ở đa số các nước trên thế giới là nguồn thu quan trọng, ổn định và bền vững của ngân sách nhà nước tại địa phương, góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Ở nước ta, hiện nay, chưa thu thuế nhà ở mà chỉ có thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010. Mức thuế phải nộp nhìn chung là thấp vì được tính theo bảng giá đất của cấp tỉnh nên cần thiết xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó có thuế đất ở, nhà ở, nhất là trong giai đoạn sau năm 2020.

Mặc dù vậy, có điểm khác biệt cơ bản là ở các nước khác, đất đai thuộc sở hữu tư nhân, không có khoản thu ngân sách tiền sử dụng đất như ở nước ta. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở Việt Nam, tiền sử dụng đất đang là ẩn số, vì không thể tiên lượng trước bao nhiêu để tính toán khi làm dự án. Đây cũng là gánh nặng cho doanh nghiệp vì tiền sử dụng đất phải nộp tương đương với 70% tiền làm dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng thì coi như doanh nghiệp mua đất lần thứ 2.

“Tiền sử dụng đất đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nhà ở như chiếm khoảng trên dưới 10% trong giá thành căn hộ chung cư, trên dưới 30% trong giá thành nhà phố; trên dưới 50% trong giá thành biệt thự. Gánh nặng này đương nhiên được chuyển sang vai người mua nhà và chính họ là người chịu thiệt cuối cùng”, ông Châu nhận định.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cũng cho rằng, việc đề xuất áp dụng mức thuế suất 0,4% đối với đất ở, đất xây dựng nhà chung cư, nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng có thể chấp nhận được. Thế nhưng, việc này phải đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính tiền sử dụng đất theo hướng quy định tiền sử dụng đất là một sắc thuế đánh trên hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở. Thuế suất của chính sách này nên khoảng 10 - 15% tính trên bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, được điều chỉnh hàng năm phù hợp với giá thị trường. Điều này sẽ đảm bảo tính minh bạch, loại trừ cơ chế "xin - cho", để giảm mức thu tiền sử dụng đất rất nặng hiện nay về mức hợp lý hơn.

Cạnh đó, ông Châu đề nghị áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỉ đồng trở xuống để hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp trong xã hội.

“Đánh thuế tài sản là hết sức bình thường, nhưng tôi nghĩ sau 2020 là hợp lý, khi Luật Đất đai sửa đổi, đề án cấp thẻ định danh cũng kiện toàn sẽ hỗ trợ sắc thuế này thực hiện hiệu quả và đúng trọng tâm hơn. Điều quan trọng nhất là sắc thuế không đẩy gánh nặng lên người dân”, ông Lê Hoàng Châu nói thêm.

Luật sư Nguyễn Xuân Anh: 'Quy định đi ngược tinh thần Hiến pháp'

Luật sư Nguyễn Xuân Anh (Hà Nội) cho rằng Bộ Tài chính thiếu cơ sở pháp lý khi đề xuất việc đóng thuế như trên, mặt khác khi không đủ cơ sở pháp lý thì cũng phải có cơ sở thực tiễn. "Nhưng cơ sở thực tiễn mà Bộ Tài chính chỉ căn cứ vào việc đem về nguồn thu cho nhà nước mà quên quyền lợi của người dân", luật sư nói.

Theo ông Xuân Anh, đề xuất này nếu được thông qua sẽ làm triệt tiêu hoặc phương hại tới quyền lợi của đại đa số người dân sở hữu nhà. "Đây là quy định đi ngược lại tinh thần Hiến pháp, bởi mọi người dân đều có quyền có nơi ở", ông nêu quan điểm.

Đánh giá việc giải thích học hỏi kinh nghiệm từ các nước, luật sư Xuân Anh cho rằng "lý giải" này chưa chặt chẽ bởi các quốc gia văn minh thường áp dụng đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi.

theo VNExpress

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phản biện về đề xuất đánh thuế nhà ở trên 700 triệu của Bộ Tài chính: Thuế chồng thuế