Sau khi Nga đưa quân vào Kazakhstan thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể thì Trung Quốc cũng muốn giúp đỡ Kazakhstan thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Các cuộc biểu tình trên khắp cả nước Kazakhstan, bắt đầu do giá năng lượng tăng trong tuần này nhưng nhanh chóng chuyển sang phản đối tình trạng xã hội bất bình đẳng và nạn tham nhũng. Tình hình bạo động mất kiểm soát đã khiến Tổng thống Tokayev phải kêu gọi sự hỗ trợ của quân đội Nga thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể CSTO.
Kazakhstan từ lâu đã tự hào về việc duy trì quan hệ nồng ấm với cả Nga và Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ theo dõi xem liệu việc triển khai CSTO có ảnh hưởng gì đến chính quyền Nur-Sultan hay không.
Theo Interfax đưa tin ngày 7.1, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - một liên minh kinh tế và an ninh khu vực gồm Trung Quốc - cũng đề nghị giúp đỡ Kazakhstan thông qua Tổ chức Chống khủng bố Khu vực (RATS).
RATS cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng các biện pháp do chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan đặc biệt thực hiện sẽ dẫn đến việc vô hiệu hóa nhanh chóng các hành động bất hợp pháp của các băng nhóm và tổ chức khủng bố.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cùng ngày cho biết Bắc Kinh sẽ hỗ trợ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, khối an ninh gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan và 4 nước Trung Á khác, góp vai trò quan trọng trong giải quyết khủng hoảng Kazakhstan.
Đồng thởi, Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chúc mừng người đồng cấp Kazakhstan vì đã hạ gục tình trạng bất ổn trong tuần này, cam kết hữu nghị cũng như ủng hộ và thông cảm cho lời giải thích của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev rằng ông đang chiến đấu với những kẻ khủng bố nước ngoài.
Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 7.1 cho biết Trung Quốc phản đối một “cuộc cách mạng màu” ở Kazakhstan, ca ngợi ông Tokayev hết lời: “Vào thời điểm quan trọng, ngài đã kiên quyết thực hiện các biện pháp hiệu quả, nhanh chóng khôi phục sự thanh bình”, đồng thời cam kết: "Trung Quốc sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết để giúp Kazakhstan vượt qua khó khăn. Bất chấp rủi ro và thách thức có thể gặp phải, Trung Quốc vẫn là bạn, đối tác tin cậy của Kazakhstan”.
Ông Tập chắc chắn đã theo dõi sát sao các sự kiện trên lãnh thổ nước láng giềng giàu năng lượng. Trung Quốc và Kazakhstan có quan hệ đối tác kinh tế đáng kể. Trung Quốc nhập khẩu khoảng 1/5 lượng khí đốt từ Kazakhstan hoặc từ đường ống qua quốc gia Trung Á này. Kazakhstan cũng là một phần trong chính sách đối ngoại đặc trưng của ông Tập, đặc biệt là Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trung Quốc đã đầu tư hàng chục tỉ USD vào Kazakhstan kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập cách đây 3 thập niên và là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Kazakhstan với các mặt hàng như dầu, khí đốt, đồng và nguồn cung nông sản. Những liên kết thương mại đó có thể bị đe dọa bởi tình hình bất ổn.
Hoàn cầu thời báo, phụ san của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã bác bỏ những lo ngại rằng các dòng khí đốt có thể bị ảnh hưởng. Tờ báo này viết: “Mặc dù Kazakhstan là quốc gia trung chuyển cho Đường ống dẫn khí đốt Trung Quốc - Trung Á, việc cung cấp khí đốt tự nhiên vẫn được đảm bảo vì những đường ống này được lắp đặt ở những vùng hẻo lánh. cách xa các thành phố của Kazakhstan – vốn là nơi các cuộc biểu tình đã xảy ra”.
Có thể như vậy, nhưng các công ty năng lượng phương Tây đang có mặt tại Kazakhstan đã gặp khó khăn trong hoạt động trong tuần qua và điều này có thể dẫn đến việc sụt giảm sản lượng.
Chevron, công ty sở hữu 50% mỏ dầu khổng lồ Tengiz, cho biết họ đã buộc phải cắt giảm sản lượng. Tờ Wall Street Journal dẫn lời một phát ngôn viên của Chevron cho biết: “Hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục, tuy nhiên đã có sự điều chỉnh tạm thời đối với sản lượng do vấn đề hậu cần. Một số nhân viên của nhà thầu đang đình công để ủng hộ các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp Kazakhstan”.
Wall Street Journal cũng đưa tin rằng Cameco có trụ sở tại Canada đã phải vật lộn để trao đổi thông tin với các nhân viên của mình tại một liên doanh uranium lớn. Lý do là trong thời gian qua, internet tại Kazakhstan liên tục bị ngắt. Kazakhstan sản xuất khoảng 40% nguồn cung cấp uranium trên thế giới.
Đại sứ quán của Trung Quốc tại Kazakhstan khá kín tiếng, nhưng Đại sứ Zhang Xiao đã xuất hiện vào ngày 5.1 trong bối cảnh bạo lực leo thang. Ông Zhang đã đăng trên Facebook rằng lưu lượng hàng hóa Trung Quốc-Châu Âu đã tăng 22% vào năm 2021, lên 15.000 chuyến tàu. Phần lớn những chuyến tàu này chạy qua lãnh thổ Kazakhstan.
Hồi tháng 8.2020, Bộ Ngoại giao Kazakhstan đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối một bài báo nói rằng nước này mong muốn trở thành một phần của Trung Quốc.
Trong một tuyên bố, Bộ ngoại giao Kazakhstan cho biết bài báo có tiêu đề “Tại sao Kazakhstan háo hức quay trở lại Trung Quốc” và được xuất bản trên trang web sohu đã “đi ngược lại tinh thần của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vĩnh viễn” được tuyên bố chính thức giữa hai nước.
Bài báo kể lại ngắn gọn lịch sử của Kazakhstan, lưu ý rằng các thủ lĩnh của nhiều bộ lạc Kazakhstan đã cam kết trung thành với hoàng đế Trung Hoa. Bài báo còn nói rằng Kazakhstan trong lịch sử từng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và người Kazakhstan “không có quá nhiều phàn nàn” về việc bị Trung Quốc đô hộ.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết bài báo không phản ánh quan điểm của chính phủ Trung Quốc và tình hữu nghị của hai nước sẽ không bị lung lay bởi bất kỳ vấn đề nào.