Phó thủ tướng Trung Quốc - Tôn Xuân Lan cảnh báo các bệnh viện không nên từ chối bệnh nhân sau khi một phụ nữ bị sẩy thai trong vụ phong tỏa thành phố Tây An, gây nên làn sóng phẫn nộ.
Hôm 7.1.2022, Trung Quốc ghi nhận ít ca mắc COVID-19 hơn vì một số thành phố đã hạn chế các hoạt động di chuyển.
Trung Quốc đã báo cáo 116 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng có triệu chứng, chủ yếu ở Tây An và tỉnh Hà Nam, giảm so với 132 trường hợp một ngày trước đó.
Tây An, thành phố 13 triệu dân ở phía tây bắc Trung Quốc, bước vào ngày phong tỏa thứ 16, dù các quan chức cho biết đợt bùng phát dịch đã được kiểm soát. Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây giáp với Hà Nam.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời Li Qun, quan chức kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Trung Quốc, cho biết: “Nguy cơ bùng phát dịch trở lại trên quy mô lớn ở Tây An đã phần lớn được kiềm chế”.
Trong thời gian phong tỏa Tây An, người dân phàn nàn về việc tiếp cận thực phẩm và chăm sóc y tế bị hạn chế. Câu chuyện về một người phụ nữ bị sẩy thai khi chờ đợi bên ngoài bệnh viện địa phương 2 giờ đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc và dẫn đến sự trừng phạt của các quan chức thành phố.
Phó thủ tướng Trung Quốc - Tôn Xuân Lan cho biết bà "rất đau đớn và xấu hổ" về những khó khăn của người dân trong việc đảm bảo nhận được các dịch vụ từ bệnh viện ở Tây An, theo Tân Hoa xã.
"Các cơ sở y tế không được đơn giản từ chối bệnh nhân vì bất kỳ lý do gì trong quá trình kiểm soát COVID-19", bà Tôn Xuân Lan tuyên bố.
Hôm 7.1.2022, chính quyền Tây An nói rằng những người không có bằng chứng về kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ không nên bị cấm rời khỏi khu dân cư của họ để đến bệnh viện, đảo ngược yêu cầu trước đó.
Các đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Trung Quốc vẫn nhỏ so với nhiều nơi ở nước ngoài. Biến thể Omicron vẫn chưa được công bố trong số ca COVID-19 cộng đồng ở Hà Nam hoặc Tây An, nhưng chính quyền địa phương duy trì cảnh giác cao độ.
Chính sách ngăn chặn bất kỳ ổ dịch COVID-19 nào của Trung Quốc lan rộng ra càng trở nên cấp thiết hơn trong thời gian chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông, sẽ được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc lân cận bắt đầu từ ngày 4.2 đến 20.2.2022, và khi mùa du lịch Tết Nguyên đán sắp đến gần.
Không có ca tử vong do COVID-19 nào được ghi nhận hôm 7.1.2022, giữ nguyên số người chết là 4.636. Đến nay Trung Quốc báo cáo tổng cộng 103.295 ca mắc COVID-19 có triệu chứng, bao gồm cả trường hợp trong nước và nhập cảnh.
Các quán bar, nhà hàng ở Hồng Kông có thể thiệt hại hàng trăm triệu USD vì hạn chế mới
Các quán bar, nhà hàng và nhà cung cấp dịch vụ ăn uống ở Hồng Kông cho biết những hạn chế chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn làn sóng nhiễm COVID-19 mới có thể gây thiệt hại hàng trăm triệu USD, đe dọa việc làm và thậm chí là sự sống còn với một số người.
Hồng Kông, trung tâm tài chính toàn cầu, là một trong những nơi cuối cùng duy trì chính sách Zero COVID-19 (đưa số ca COVID-19 về 0, quét sạch dịch bệnh trong cộng đồng), triển khai các biện pháp kiểm dịch hà khắc, tốn kém và phần lớn cách ly với thế giới.
Chuỗi 3 tháng không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở Hồng Kông đã kết thúc vào ngày 31.12.2021 với trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại địa phương và con số tăng lên kể từ đó, khiến các nhà chức trách khôi phục một loạt các biện pháp hạn chế với cuộc sống hàng ngày.
Từ 7.1.2022, 15 loại địa điểm, bao gồm cả quán bar, câu lạc bộ, phòng tập thể dục và thẩm mỹ viện, phải đóng cửa trong ít nhất hai tuần. Các nhà hàng có thể mở cửa đến 18 giờ nhưng chỉ được phép cung cấp dịch vụ mang đi sau đó.
Một người quản lý tại nhà hàng Sun Kong, nơi phục vụ món dim sum trong khu dân cư dành cho tầng lớp lao động, cho biết nhân viên thường được nhận lương gấp đôi vào tháng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (bắt đầu từ ngày 1.2.2022) nhưng không phải năm nay.
“Chúng tôi sẽ rất vui khi nhận được bất kỳ khoản lương nào trong tháng này”, người quản lý họ Chan nói.
Tommy Cheung, nhà lập pháp đại diện cho ngành nhà hàng và dịch vụ ăn uống, ước tính các doanh nghiệp sẽ lỗ tới 6 tỉ đô la Hồng Kông (770 triệu USD) trong hai tuần tới.
Nếu các biện pháp hạn chế được kéo dài vào thời gian nghỉ lễ, khi các nhà hàng và người phục vụ ăn uống thường bận rộn nhất, thiệt hại của họ sẽ lớn hơn nhiều, ông nói. Với một số người, sự không chắc chắn là không thể chịu đựng được.
"Nếu họ không thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, các nhà hàng sẽ đóng cửa", Tommy Cheung nói.
Ben Leung, Chủ tịch Hiệp hội quán bar và câu lạc bộ được cấp phép Hồng Kông, đại diện cho khoảng một nửa trong số 1.400 quán bar, câu lạc bộ và địa điểm karaoke của thành phố, ước tính thiệt hại khoảng 400 triệu đô la Hồng Kông trong hai tuần tới.
Dù không nói trước việc đóng cửa, trừ khi các hạn chế kéo dài lâu hơn nữa, Ben Leung cho rằng một số trong 20.000 công việc toàn thời gian trong ngành có thể gặp rủi ro.
Các nhà kinh tế tại ngân hàng BofA Securities ước tính các biện pháp hạn chế có thể cắt giảm 0,1 - 0,2 điểm % so với dự báo tăng trưởng kinh tế 2,4% trong quý đầu tiên của họ nếu các biện pháp này kéo dài đến Tết Nguyên đán.
Jason Hui, chủ nhà hàng mì Yuet Nam Mak Min, dự kiến sẽ mất tới 40% việc kinh doanh nhưng nghi ngờ sự hy sinh này sẽ tạo ra nhiều khác biệt.
"Nó không có ích gì. Có phải vi rút chỉ xuất hiện vào ban đêm không?", Jason Hui nói.