Với tư cách một thường dân, tôi nghĩ rằng từ khá lâu các giá trị “chân, thiện, mỹ” không còn được tôn trọng, không còn được bảo vệ trong môi trường giáo dục. Đúng ra lâu lâu cũng có vài hô hào, vài khẩu hiệu nhắc nhở, nhưng tôi cảm nhận chúng chỉ là những câu sáo rỗng vô hồn được nói ra từ quán tính!
Chuyện học sinh lớp hai Trần Chí Kiên bị xe đụng gãy chân trong giờ chơi, giữa sân trường, đã được các phương truyền thông loan tải chi tiết. Giờ ra chơi, em đang chơi trong sân trường cấm xe hơi thì bị đụng gãy chân bởi một chiếc xe hơi chở cô hiệu trưởng. Sự việc không chỉ nghiêm trọng vì độ nặng của tai nạn, mà còn nghiêm trọng hơn vì cách mà cô hiệu trưởng đối phó với nó, và một lần nữa cho thấy mức độ suy thoái cùng cực về nhân cách con người. Lại là một người trong môi trường giáo dục, một hiệu trưởng!
Trước sự việc gây chấn động dư luận và nhân tâm như vậy, tôi không thể không tự đặt một số câu hỏi và tìm cách trả lời. Xin trình ra đây cùng quý độc giả bàn luận…
Câu hỏi thứ nhất: Tư cách của cô hiệu trưởng như thế nào?
Người đi xe đúng luật, lỡ bấm còi khiến em bé giật mình té ngã, cũng nên xuống xe đỡ em dậy an ủi, vỗ về. Huống chi là đụng em té. Đụng nặng khiến em gãy lệch xương đùi. Em có lăn lộn không, có kêu khóc không? Cô hiệu trưởng của em ngồi trên xe có thể thản nhiên được sao? Cô có lòng nhân hậu không, có lòng thương trẻ không, có thương học trò mình không?
Thay vì lo lắng cho học trò, sau đó cô hiệu trưởng dùng thủ thuật dối trá để che mắt mọi người rằng không có chiếc xe nào vào sân trường lúc đó. Cô dùng uy thế hiệu trưởng ép hoặc gạt những người khác ký tên đồng ý với cô như vậy trong một bảng khảo sát lừa dối. Cô có lòng trung thực không? Có lòng tự trọng không? Chú ý thêm rằng cô đã vi phạm nội quy không được cho xe hơi vào sân trường, nơi cô đang làm hiệu trưởng!
Câu hỏi thứ hai: có phải một cô giáo, một hiệu trưởng như vậy là hiện tượng xấu cá biệt trong ngành giáo dục không?
Không phải. Ngành giáo dục đã cho thấy có quá nhiều tấm gương rất xấu, không chỉ xấu trong tư cách một nhà mô phạm, mà cũng rất xấu so với đạo đức thông thường.
Các thí dụ đã được đăng tải trên báo chí như vụ hiệu trưởng mua dâm các nữ sinh; vụ phó hiệu trưởng gian díu ngoại tình với cô giáo, ghi hình lại, rồi sau đó tung hình nóng tống tiền cô; các vụ mua bán bằng cấp, in và ký tên khống bằng cấp; các vụ “phao” trắng cả sân trường thi; các vụ thầy cô sát hại nhau… Việc đã xấu, nhưng cách mà ngành xử lý, theo tôi, cũng cho thấy không quan tâm đúng mức các giá trị cốt lõi, giá trị đạo đức của ngành.
Chắc có những nhà giáo cảm thấy bị xúc phạm khi nghe nói trong ngành mình có quá nhiều tấm gương xấu. Tôi vẫn biết còn nhiều nhà giáo thực có tấm lòng nhà giáo. Truyền thống dân tộc từ ngàn xưa vẫn còn để lại cho hậu sinh chúng ta một nền nếp đạo đức tốt đẹp. Tuy nhiên, mấy chục năm trở lại đây, nền nếp đó bị hư hại nặng, số người trong ngành giáo dục nêu gương xấu đã tăng rất nhanh.
Trong ngành giáo dục, lẽ ra số người xấu phải rất rất ít tới mức không có, và con số vài thí dụ được nêu trên phải được coi là đã quá nhiều rồi, là không thể chấp nhận được nữa. Một nồi canh có chục con sâu là nồi canh sâu nên bỏ đi, chứ không thể cho rằng chỉ vài con sâu nên nồi canh vẫn còn sạch. Tôi tin rằng các nhà giáo chân chính đang rất nhức nhối với hiện trạng này cần được nhìn thẳng, gọi thẳng bằng các từ bổ nghĩa chính xác. Nếu né tránh sẽ không thể ngăn cản tốc độ suy thoái đạo đức trong môi trường giáo dục, và từ đó trong toàn xã hội!
Ngoài các thí dụ trên, bản thân cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc cũng là một ví dụ rõ rệt. Cô đã là một cô giáo, một hiệu trưởng không lương thiện, đã phạm một lỗi rất xấu về đạo đức là đã “lập quỹ đen từ tiền cắt bớt khẩu phần ăn của 400 học sinh”. Một người phạm một lỗi như vậy tại một trường học mà vẫn không bị kỷ luật, lại được chuyển sang một trường khác làm hiệu trưởng thì rõ ràng cái tư cách, cái tác phong đó của cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc không chỉ là của riêng cô. Phải có nhiều người “đồng cảm” với cô, chống lưng cho cô thì cô mới có cái quyền tiếp tục ngồi cao gây ra cái sự kiện náo loạn nhân tâm tại trường tiểu học Nam Trung Yên! Cô mới có đủ thế lực để tiếp tuc tại vị cho tới ngày 21.2.2017, mấy tuần lễ sau sự kiện đó! Ngoài ra, cái tác phong đó của cô, trong đời thường không ai trong số các lãnh đạo của cô nhận ra sao? Tại sao cô vẫn được thăng tiến trong ngành? Phải chăng chính sách nhân sự của ngành, chính sách đề bạt của ngành không xem đạo đức đương sự là tiêu chuẩn quan trọng?
Câu hỏi thứ ba: Vì đâu mà một môi trường lẽ ra phải là căn cứ địa của “chân, thiện, mỹ” lại đầy rẫy các cá nhân như thế?
Câu hỏi này cần được trả lời bằng nhiều nghiên cứu sâu và rộng từ các nhà chuyên môn.
Với tư cách một thường dân, tôi nghĩ rằng bởi vì từ khá lâu các giá trị “chân, thiện, mỹ” không còn được tôn trọng, không còn được bảo vệ trong môi trường giáo dục nữa. Đúng ra lâu lâu cũng có vài hô hào, vài khẩu hiệu nhắc nhở, nhưng tôi cảm nhận chúng chỉ là những câu sáo rỗng vô hồn được nói ra từ quán tính! Trong nhiều nguyên nhân, phải chăng đây là một trong những nguyên nhân gốc?
Câu chuyện, tấm gương về bó đuốc sống Lê Văn Tám có xem trọng chữ “chân” không? Hiện tượng bằng giả, bằng mua đọc trên báo chí thấy khá tràn lan, việc các em không biết chữ mà vẫn lên lớp… là thể hiện kiểu gì của chữ “chân”?
Những bài toán cho các em tính xem một ngày anh chiến sĩ giết được mấy tên địch nếu buổi sáng giết 2 tên, buổi chiều giết thêm 3 tên nữa. Những bài đó thực là dạy những điều ngược với tính“thiện” ở các em!
Những cái đẹp, từ vật chất tới nội dung, từ hình thức bên ngoài tới tinh thần sâu xa bên trong, có được chú trọng trong môi trường giáo dục không? Cái đẹp của một bức họa, áng văn, bản nhạc truyền tải những giá trị nhân văn, cái đẹp của nếp sống truyền thống và văn minh như đi thưa về trình, kính trên nhường dưới, giúp già nâng trẻ, lễ phép, lịch sự, nhường đường cho người lớn tuổi, phụ nữ mang thai… những cái đẹp đó của cuộc sống có ai rèn luyện các em?
Nếu thực lòng trân quý các giá trị “chân, thiện, mỹ”, người ta không bao giờ thỏa hiệp, đánh đổi các giá trị đó với một cái gì khác. Qua những điều kể trên, dễ thấy người ta sẵn sàng bỏ đi các giá trị “chân, thiện, mỹ” để có được một cái gì khác rất nhỏ, rất ngắn hạn, nhiều khi vô giá trị hay thậm chí có hại cho xã hội! Nếu thực lòng trân quý các giá trị “chân, thiện, mỹ”, người ta sẽ có biện pháp kỷ luật ngay với người vi phạm các giá trị đó.
Tôi tin rằng ngành giáo dục cần phải xác lập lại rõ ràng các giá trị “chân, thiện, mỹ” như là các giá trị cốt lõi nhất của ngành. Muốn vậy, ngành cần phải có những người lãnh đạo thật lòng trân quý các giá trị đó, và do đó nhạy bén trong việc bảo vệ và xiển dương chúng. Nếu không được vậy thì e rằng dù bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, có rung lên ngàn tiếng chuông báo động (1), ngành giáo dục Việt Nam vẫn tiếp tục đà suy thoái đạo đức!
Lê Học Lãnh Vân
(1) Tài liệu tham khảo