Việc ra quân dọn dẹp vỉa hè đang được mở rộng trong cả nước thành một phong trào rất có khí thế. Dù được sự ủng hộ của người dân và sự hậu thuẫn của các phương tiện truyền thông, nhưng vẫn còn nhiều lý do để lo ngại và sự lo ngại không chỉ ở chuyện vỉa hè.

Pháp trị nhìn từ câu chuyện vỉa hè - Kỳ 3: Phần nổi và phần chìm

23/03/2017, 06:30

Việc ra quân dọn dẹp vỉa hè đang được mở rộng trong cả nước thành một phong trào rất có khí thế. Dù được sự ủng hộ của người dân và sự hậu thuẫn của các phương tiện truyền thông, nhưng vẫn còn nhiều lý do để lo ngại và sự lo ngại không chỉ ở chuyện vỉa hè.

Dọn dẹp vỉa hè đang là vấn đề người dân quan tâm nhất

Pháp trị nhìn từ câu chuyện vỉa hè -Kỳ 1: Đàn gảy tai… điếc

Pháp trị nhìn từ câu chuyện vỉa hè- Kỳ 2: Lỗi hệ thống của chính quyền địa phương

Trước hết, những đợt ra quân như thế này chỉ để giải quyết một hậu quả, không phải để giải quyết nguyên nhân. Hơn nữa, “ra quân” hay “chiến dịch” là ngôn ngữ chiến tranh, được báo chí dùng để chỉ các đợt dọn dẹp này và chính quyền cũng gọi như vậy. Sử dụng ngôn ngữ chiến tranh trong rất nhiều tình huống trong một xã hội không có chiến tranh chỉ là quán tính (sẽ bàn trong một dịp khác), nhưng ở đây lại có hơi hướng… chiến sự. Những hành vi chiếm dụng vỉa hè và lòng đường đều có các quy định xử lý theo Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ và các Nghị định 180/2007/NĐ-CP, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP…, thậm chí có thể bị xử lý theo điều 203 Bộ luật hình sự với mức phạt tù có thể lên tới 10 năm nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Việc các đội công tác “ra quân” đồng loạt đập bỏ, tháo dỡ các công trình lấn chiếm, rồi cẩu ô tô ra khỏi nơi vi phạm, v.v… chứng tỏ lâu nay các điều luật nói trên không hề được đem ra áp dụng một cách nghiêm túc, thực chất ở những nơi này không có chính quyền, dù bộ máy rất to vẫn tồn tại, vẫn tiêu tốn không ít tiền thuế của dân, vẫn hô hào “tăng cường”, “đẩy mạnh”, “củng cố”, “siết chặt”, xuân thu nhị kỳ vẫn tổng kết, vẫn khen thưởng. Đùng một cái, chính quyền xuất hiện và… “ra quân”, hệt như người vừa ngủ dậy phát hiện ra đám cháy.

Và biện pháp của các đợt “ra quân” vừa qua không khác mấy với biện pháp chữa cháy. Cháy nổ cũng như địch họa, thiên tai hay dịch bệnh là những rủi ro bất thường,vì vậy cần những biện pháp bất thường. Thời chiến có luật pháp của thời chiến, còn thiên tai, cháy nổ hay dịch bệnh thì luật pháp cho phép áp dụng những biện pháp đặc biệt mang tính khẩn cấp. Nhưng trật tự đường phố không nằm trong những rủi ro bất thường. Trước và trong những đợt ra quân vừa rồi, chính quyền đã phạm 3 cái sai:

Không xử lý nghiêm theo luật pháp việc lấn chiếm vỉa hè để cho người dân lấn chiếm tràn lan trên diện rộng, khiến cho rất nhiều điều luật biến thành giấy lộn, đó là cái sai thứ nhất.

Rượt đuổi, thu gom đồ đạc của những người bán hàng rong (người nghèo) nhưng không xử lý việc lấn chiếm vỉa hè của nhiều tổ chức hoặc cơ sở kinh doanh lớn (người giàu) khiến cho dân chúng mất niềm tin vào sự bình đẳng của luật pháp trong chế độ ta, đó là cái sai thứ hai.

Lập lại trật tự trên vỉa hè, về bản chất là để sửa hai cái sai nói trên, là cần thiết, áp dụng các biện pháp mạnh cũng cần thiết, nhưng việc “ra quân” lại không tuân theo trình tự của luật pháp, đó là cái sai thứ ba.

Đối với xây công trình lấn chiếm vỉa hè, theo trình tự thì phải lập biên bản, vừa xử phạt hành chính và yêu cầu người xây tự tháo dỡ trong thời hạn quy định, nếu người vi phạm không chấp hành thì chính quyền mới cưỡng chế tháo dỡ và người vi phạm phải chịu tất cả mọi chi phí. Nếu việc lấn chiếm gây cản trở giao thông thì xử lý theo điều 203 Bộ luật Hình sự. Lẽ ra phải làm như vậy, nhưng chính quyền đã không làm (cho nên mới phải “ra quân” giải quyết hậu quả), khi “ra quân” vẫn không làm như vậy. Duy trì luật pháp nhất thiết phải áp dụng đúng các quy định của luật pháp, không như vậy thì luật pháp khó mà duy trì bền vững.

Ở Trung Quốc ngày xưa, chức quan đầu tiên mà Tào Tháo nắm giữ là Bắc bộ Hiệu úy của kinh thành Lạc Dương, một chức ngang với Phó Chủ tịch quận phụ trách trị an ngày nay. Việc đầu tiên ông làm là… duy trì trật tự đường phố. Lệnh cấm đi chơi đêm ban ra kèm theo biện pháp chế tài, dù nói rõ luật pháp không phân biệt sang hèn, không phân biệt thường dân hay quý tộc, nhưng chẳng ai tin. Cho đến khi ông áp dụng lệnh này đối với Kiển Thúc, là chú ruột Kiển Thạc, người có quyền lực khuynh loát triều đình nhà Hán lúc bấy giờ, thì thiên hạ mới tin trên đời này có cái gọi là pháp trị. Sau này làm đến Thừa tướng, có lần cầm quân ra trận, Tào Tháo ban lệnh cấm quân sĩ không được dẫm lúa của dân, ai vi phạm sẽ bị chém; bất ngờ con ngựa của Tào Tháo rơi xuống ruộng, Tào Tháo yêu cầu chấp pháp, các tướng phải van xin, ông cầm đao cắt búi tóc của mình rồi nói, luật pháp không loại trừ một ai, nhưng ta đang cầm quân nên tạm giữ cái đầu lại để lấy công chuộc tội, nay cắt búi tóc để thay đầu.

Thời Chiến quốc, Thương Ưởng giúp vua Tần Hiếu công thực hiện biến pháp (thực hiện pháp trị). Thái tử phạm pháp ông cũng không tha, công tử Kiền (anh ruột vua, thầy dạy thái tử) phải chịu hình phạt thay. Có người cảnh cáo ông rằng thái tử sẽ nối ngôi vua và ông sẽ phải trả giá, ông bảo ông biết chứ, nhưng đó là chuyện sau này, còn bây giờ ông phải thực thi pháp luật. Thương Ưởng đã phải trả giá bằng hình phạt phanh thây, một hình phạt mà ông biết trước.

Ở nước ta Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung có đại công gây dựng nhà Trần. Có lần bà sơ ý ngồi kiệu đi vào vùng cấm trong cung, bị một người lính ngăn lại. Bà tủi thân kể lại với Trần Thủ Độ rằng bà bị một tên lính xem thường. Trần Thủ Độ gọi người lính ấy lên hỏi, sau khi nghe trình bày, ông nói: “Ngươi chức thấp mà biết giữ gìn luật pháp, ta còn trách gì được nữa”. Liền ban thưởng cho người lính ấy.

Những câu chuyện “vỉa hè” của lịch sử trên đây nói lên tinh thần pháp trị của người xưa. Cái khó của pháp trị là người chấp pháp phải đương đầu với những người quyền thế muốn đứng trên pháp luật. Nên ngày xưa phải có minh quân hoặc người có quyền thế lớn đứng ra hộ pháp. Minh quân hoặc người hộ pháp mất đi mà không có minh quân hoặc người hộ pháp khác thay thế thì nền pháp trị khó mà duy trì bền vững.

Trong thời đại dân chủ và kinh tế thị trường, nhân loại đã mày mò tìm đủ các mô hình đảm bảo quyền lực được kiểm soát, sao cho không những không để cho bất cứ một thứ quyền thế nào đứng trên hay đứng ngoài pháp luật mà còn không để cho lợi ích chính đáng của bất cứ người dân nào bị chính pháp luật xâm hại. Bởi vậy, luật pháp áp dụng bình đẳng vẫn chưa đủ, bản thân luật pháp cũng không được ban hành tùy tiện nhằm phục vụ lợi ích cho nhóm người này mà gây thiệt hại cho nhóm người kia. Đó là tinh thần pháp trị của thời đại mới. Nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng đang theo đuổi tinh thần đó.

Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo toàn xã hội xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đó chính là nền dân chủ pháp trị. Đảng đồng thời cũng là người “hộ pháp”. “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” là khẩu hiệu do Đảng khởi xướng. Sự nỗ lực của Đảng không những bị các thế lực thù địch xuyên tạc mà còn bị không ít các đồng chí trong Đảng, trong các cơ quan công quyền tìm cách vô hiệu hóa.

Khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hay Thủ tướng yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra làm rõ và xử lý nghiêm những sai phạm về một số vụ việc liên quan đến cán bộ có chức có quyền, đó là hành vi “hộ pháp”. Nhưng một cán bộ cấp cao của Đảng mà tuyên bố “bắt nhốt” người này người kia, một cơ quan điều tra mà phải xin ý kiến anh Y hay cụ X có khởi tố hay không khởi tố một vụ án đều là những lời nói hoặc hành vi vô pháp, đi ngược lại sự lãnh đạo của Đảng.

Khi ông Võ Văn Kiệt phải tuyên bố “thế chấp chức thủ tướng” khi chỉ đạo bắt Năm Cam lần thứ nhất trong hàng rào bảo kê dày đặc, đó là hành vi hộ pháp. Khi tướng Nguyễn Việt Thành ra lệnh bắt Năm Cam lần thứ hai, bất chấp bị một ông tướng cấp trên gọi điện chửi tơi bời đến “nóng máy điện thoại”, đó là sự kiên cường chấp pháp. Khi Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế “phá một cái lệ” cho đăng loạt bài vạch trần sai phạm của 2 vị Ủy viên Trung ương Đảng bảo kê cho Năm Cam, chấp nhận “nghỉ việc về nhà”, đó là bản lĩnh hộ pháp của một nhà báo.

Ngày nay, nền dân chủ pháp trị mà Đảng kiên trì xây dựng đang liên tục bị các nhóm lợi ích làm cho tổn thương, làm cho cong vênh xiêu vẹo. Đảng lại phải tiến hành chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết Trung ương 4. Sự chỉnh đốn này suy cho cùng cũng là để hộ pháp. Tình trạng vô pháp trên hè phố chỉ phản ánh một phần nhỏ bề nổi của sự cong vênh xiêu vẹo nói trên, tất nhiên là như vậy. Nói đúng hơn là tình trạng vô pháp trong xã hội đang tràn một phần ra hè phố.

Chuyện trên vỉa hè tưởng là nhỏ nhưng không hề nhỏ. Bởi vỉa hè là nơi dễ nhìn thấy nhất. Không chấn chỉnh được những thứ dễ thấy thì ai tin sẽ chấn chỉnh được những thứ mà “mắt thường” của người dân chưa thấy? Nhưng việc chấn chỉnh vỉa hè không phải bằng những đợt “ra quân”, những “phong trào” tiền hô hậu ủng mà bằng việc thực thi pháp luật của một chính quyền công vụ.

Hoàng Hải Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Pháp trị nhìn từ câu chuyện vỉa hè - Kỳ 3: Phần nổi và phần chìm