Khủng long chân thằn lằn (Sauropoda) là động vật lớn nhất từng tồn tại trên Trái đất. Chúng có thể dài bằng ba chiếc xe buýt và nặng đến nỗi mặt đất rung chuyển khi chúng bước đi.
Tuy nhiên, họ khủng long này không phải lúc nào cũng to lớn như vậy. Trong 50 triệu năm đầu tiên của lịch sử tiến hóa, loài Sauropod đa dạng hơn rất nhiều. Trong khi một số khá lớn với chiều dài khoảng 10 mét, nhánh bò sát này cũng gồm một số loài có kích thước từ trung bình đến nhỏ như một con dê. Một số Sauropoda còn có thể đi bằng hai chân.
Vậy làm thế nào mà những con khủng long với chiếc cổ dài đặc trưng này lại to lớn như vậy? Hóa thạch được tìm thấy từ khu vực Patagonia ở Nam Mỹ đã làm sáng tỏ bí ẩn này. Một nhóm các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện ra một trong những loài Sauropoda lớn nhất được biết đến từ rất sớm và đặt tên cho chúng là Bagualia alba. Các hóa thạch thực vật trong lớp đá xung quanh hóa thạch khủng long cung cấp bằng chứng về khí hậu và hệ sinh thái nơi loài này sinh sống.
Theo nghiên cứu mới đây, kích thước khổng lồ của loài Sauropoda này có thể là kết quả của biến đổi khí hậu cách đây 180 triệu năm trong đầu kỷ Jura. Những vụ phun trào núi lửa lớn ở Nam bán cầu đã làm thay đổi hệ thực vật, buộc những loài khủng long cổ dài phải tiến hóa và thay đổi chế độ ăn uống.
“Vào thời điểm đó, dung nham núi lửa bao phủ hơn một triệu dặm vuông, lớn hơn bất kỳ sự kiện phun trào nào diễn ra trong lịch sử loài người. Một lượng khí CO2 và mêtan khổng lồ thải vào khí quyển. Nhưng chúng ta không thực sự hiểu rõ về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu này đối với các hệ sinh thái trên cạn. Sự hiểu biết hạn chế là do có rất ít hóa thạch khủng long và thực vật được lưu giữ”, nhà nghiên cứu Diego Pol từ Bảo tàng Cổ sinh vật học Egidio Feruglio của Argentina nói với CNN.
Sự thay đổi của thảm thực vật đã khiến những loài khủng long Sauropoda cỡ nhỏ không thể thích ứng và đi đến tuyệt chủng, chỉ còn lại những loài lớn hơn thuộc nhóm Eusauropoda là Bagualia alba. Chúng nặng khoảng 10 tấn và lớn gấp đôi một con voi châu Phi ngày nay, nhưng vẫn nhỏ hơn đáng kể nếu so với những loài Sauropoda lớn nhất (có thể dài tới 40 mét và nặng 70 tấn).
Nhà nghiên cứu Diego Pol cho biết: “Khí hậu khắc nghiệt khiến thảm thực vật tươi tốt biến mất và được thay thế bởi những cây hạt trần cao lớn như thông. Hóa thạch từ môi trường cho thấy những thực vật có lá lớn hơn 1,8 mét. Eusauropoda là nhóm khủng long chân thằn lằn duy nhất sống sót sau sự kiện này”.
“Chúng từ lâu đã được coi là loài ăn thịt lớn, với răng và hàm có thể nhai nuốt tất cả các loại thực vật bao gồm cả cây lá kim. Hơn nữa, chúng tôi phát hiện ra rằng men răng của Bagualia alba dày hơn khoảng 7 lần so với những loài khủng long ăn cỏ khác đã tuyệt chủng”, Diego Pol nói thêm.
Trên thực tế, để tiêu hóa được nhiều loại thực vật, Eusauropoda cần có hệ tiêu hóa tốt. Điều đó cũng có thể là một lý do giải thích tại sao nhóm khủng long cổ dài này tiến hóa đến kích thước khổng lồ như vậy. “Cơ thể to lớn của Bagualia alba đòi hỏi chúng phải tiêu thụ một lượng lớn thức ăn để đáp ứng nhu cầu năng lượng”, ông Pol giải thích.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B vào hôm 17.11.