Tàu đổ bộ không gian không người lái Curiosity của NASA đã bất ngờ phát hiện một lượng lớn khí methane trên sao Hỏa.
Đã từ lâu những dấu vết cho thấy tiềm năng về sự sống trên sao Hỏa đã liên tục được khám phá ra, nhưng khám phá mới nhất của NASA cho thấy Hành tinh Đỏ rất có thể đã từng có sự sống, hoặc thậm chí là đang có sự sống tồn tại.
Theo New York Times, tàu đổ bộ không gian không người lái Curiosity của NASA vừa qua đã phát hiện nồng độ khí methane "cao đến mức đáng kinh ngạc". Đây là loại khí thường được tạo ra bởi sự sống như chúng ta biết.
Tỉ khối của methane trên sao Hỏa hiện vẫn khá ít, khi chỉ đạt mức 21/1.000.000.000 nhưng lại gấp ba lần số lượng mà chính Curiosity phát hiện trong một đợt tăng mạnh vào năm 2013.
NASA đã vô cùng ngạc nhiên trước khám phá mới này và quyết định tạm dừng các nghiên cứu theo lịch trình thường xuyên để có được dữ liệu theo dõi về vụ tăng lượng khí methane này. Những phát hiện bổ sung sẽ được truyền về Trái đất trong ngày 24.6 tới đây.
Theo Engadget thì nguyên nhân tạo ra số khí methane nói trên là không rõ ràng. Có thể số khí này phát ra do những sinh vật sống gần đây, thậm chí là những vi sinh vật nhiều khả năng đang sống bên dưới lòng đất của sao Hỏa. Tuy nhiên, cũng có thể khí methane này hình thành do phản ứng địa nhiệt.
Nhưng gì thì gì, điều chắc chắn là số lượng khí methane này có niên đại rất gần đây, do loại khí này khi phản ứng với ánh sáng mặt trời và hóa chất sẽ phân tách các phân tử khí trong vài thế kỷ mà thôi.
Thiên Hà (theo Engadget)