Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện một con rắn đuôi chuông đốm thoi miền đông không có hoa văn trên lưng được đánh giá là cực hiếm ở miền bắc Florida, Mỹ.

Phát hiện rắn đuôi chuông đột biến cực hiếm

27/09/2020, 11:30

Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện một con rắn đuôi chuông đốm thoi miền đông không có hoa văn trên lưng được đánh giá là cực hiếm ở miền bắc Florida, Mỹ.

Rắn đuôi chuông đốm thoi đột biến hiếm thấy ở Florida, Mỹ - Ảnh: Pierson Hill

Theo Ủy ban Bảo tồn cá và động vật hoang dã Florida (FWC), rắn đuôi chuông đốm thoi miền đông (Crotalus adamanteus) là một loài rắn độc lớn được tìm thấy trên khắp bang Florida. Những con trưởng thành có thể phát triển tới chiều dài 2,4m và nặng khoảng 4,5kg. Chúng có làn da màu nâu sẫm, đặc trưng bởi những hoa văn hình thoi màu đen có viền kem trên lưng.

Tuy nhiên, con rắn đuôi chuông mà nhà sinh vật học Pierson Hill của FWC bắt gặp là một dạng đột biến hiếm gặp. Con rắn có màu nâu vàng với một sọc đen chạy dài hết sống lưng nhưng không có bất kỳ hoa văn nào. Sau khi phát hiện ra con rắn, Hill đã gắn cho nó một bộ vi mạch để các nhà khoa học có thể xác định nó trong tương lai.

“Hình thái màu sắc này đặc biệt hiếm gặp, chỉ một số ít cá thể rắn đuôi chuông đốm thoi miền đông không có hoa văn trên lưng được ghi nhận bởi các nhà sinh vật học”, thông tin từ FWC cho hay.

Rắn đuôi chuông đốm thoi miền đông thông thường - Ảnh: Pierson Hill

Theo Pierson Hill, rất có thể đặc điểm bất thường này là di truyền vì nó đã được nhìn thấy vài lần trước đây mặc dù cực hiếm. Nhà sinh vật học nói rằng cả bố và mẹ của con rắn đều cần phải truyền lại một hoặc nhiều biến thể gen lặn cho rắn con.

Các gen lặn có thể được di truyền qua các thế hệ nhưng tác dụng của chúng bị che lấp bởi sự hiện diện của các gen trội. Nhưng khi kết hợp với nhau, chúng biểu hiện ra kiểu hình, tạo nên hình thái màu sắc bất thường mà chúng ta thấy.

Crotalus adamanteus là một trong sáu loài rắn độc cư trú ở bang Florida, cùng với rắn đuôi chuông lùn, rắn đuôi chông gỗ, rắn hổ mang nước, rắn san hô và rắn viper đầu đồng.

FWC cảnh báo mọi người nên thận trọng khi đối đầu với một con rắn đôi chuông đốm thoi miền đông vì nó có thể bất ngờ lao tới tấn công từ khoảng cách bằng 2/3 chiều dài cơ thể. Vết cắn của loài rắn này gây đau dữ dội, hạ huyết áp và có tỷ lệ tử vong từ 10 đến 30%.

Tuy nhiên, những con rắn này cũng đóng một vai trò sinh thái đáng kể khi kiểm soát quần thể động vật gặm nhấm do thức ăn của chúng là một số loài chuột, sóc và thỏ. Chúng có khả năng ăn con mồi nặng tới 85% trọng lượng cơ thể của mình.

Long Hải (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện rắn đuôi chuông đột biến cực hiếm