Viện Tư vấn và Tình báo thị trường (MIC) của Đài Loan nhận định đến năm 2030, Đông Nam Á sẽ sản xuất đến một nửa số máy tính xách tay trên thế giới, trong đó Việt Nam và Thái Lan là hai trung tâm sản xuất chính.
Chi phí lao động tại Trung Quốc ngày càng tăng cùng mong muốn giảm phụ thuộc vào một vùng sản xuất đơn lẻ đã thúc đẩy làn sóng chuyển dịch, theo MIC.
Thị trường máy tính xách tay toàn cầu đạt mốc 160 triệu chiếc vào năm ngoái. Trung Quốc chiếm đến 90% sản lượng - với phần lớn nhà xưởng thuộc sở hữu công ty Đài Loan, Đông Nam Á chỉ chiếm một phần nhỏ.
Tiến hành phỏng vấn các đơn vị sản xuất, MIC tính toán tỷ lệ sản lượng mà Trung Quốc nắm giữ 10 năm nữa sẽ giảm từ 90% xuống còn 40%. Ví dụ như công ty nhận gia công lắp ráp Wistron chuẩn bị sản xuất máy tính xách tay của vài thương hiệu Mỹ tại Việt Nam.
Compal Electronics cũng dự định tăng năng lực sản xuất tại Việt Nam. Công ty gia công lắp ráp lớn thứ ba thế giới Quanta Computer lựa chọn Thái Lan. Doanh nghiệp gia công hàng điện tử lớn nhất thế giới Foxconn có thể bắt đầu sản xuất máy tính xách tay tại Việt Nam.
Doanh số máy tính xách tay dự báo đạt 170 triệu chiếc (tăng 6%) trong năm nay do đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu học tập và làm việc từ xa, cũng như do sự xuất hiện của máy tính chạy hệ điều hành Chrome phát triển bởi Google (chromebook).
Hai hãng Lenovo và HP của Trung Quốc cùng hãng Asustek của Đài Loan đều đã tung ra chromebook riêng với giá khoảng vài trăm USD. Hầu hết sản phẩm được sản xuất bởi công ty Đài Loan.
Cẩm Bình (theo Nikkei Asian Review)