Các nhà khoa học đã phát hiện một hóa thạch được cho là tổ tiên sớm nhất của con người từng tồn tại trên Trái đất, với niên đại lên đến 13 triệu năm.

Phát hiện tổ tiên 13 triệu năm tuổi của con người

10/08/2017, 21:59

Các nhà khoa học đã phát hiện một hóa thạch được cho là tổ tiên sớm nhất của con người từng tồn tại trên Trái đất, với niên đại lên đến 13 triệu năm.

Hình ảnh đồ họa hộp sọ của Nyanzapithecus alesi

Sinh vật vừa được phát hiện là một động vật linh trưởng giống vượn cáo, hộp sọ có kích thước chỉ to hơn trái chanh và đến từ một giống loài được cho là sẽ phát triển thành các loại khỉ không đuôi cũng như con người hiện đại.

Các nhà khoa học tìm thấy hộp sọ đặc biệt nói trên ở Kenya hồi năm 2014. Hóa thạch này còn tồn tại đến ngày nay là vì tổ tiên xấu số của chúng ta đã bị chôn vùi trong một đợt phun trào núi lửa, khiến hộp sọ của sinh vật được bảo toàn hoàn hảo.

Theo các nhà khoa học, tất cả động vật linh trưởng tồn tại ngày nay đều xuất phát từ một tổ tiên chung, nhưng cho đến hiện nay các nhà sinh vật học chỉ theo dõi được dấu vết của tổ tiên chúng ta tới khoảng 10 triệu năm trước và chưa rõ rằng liệu tổ tiên của loài linh trưởng có tồn tại lâu hơn nữa hay không.

Mẫu vật mới được tìm thấy có tên là Nyanzapithecus alesi, một cái tên đặc biệt được lấy từ hồ Turkana gần nơi tìm ra hóa thạch. Khi bị chết, hóa thạch tổ tiên của các loài linh trưởng này chỉ mới 16 tháng tuổi mà thôi.

Kích thước hộp sọ của loài linh trưởng tổ tiên của chúng ta rất nhỏ

Các nhà sinh vật học từng tìm thấy xương và răng của loài Nyanzapithecus alesi trước đây, nhưng họ không chắc về hình dáng của loài sinh vật này cũng như thời kỳ sinh sống của nó.

Hộp sọ của Nyanzapithecus alesi cho thấy một cái mõm nhỏ, giống với loài vượn. Tuy nhiên, quét sâu vào bên trong cho thấy ống tai của loài này khá giống với cấu tạo của tinh tinh và người hiện đại.

"Con vượn thì nổi tiếng vì rất nhanh nhẹn và khả năng nhào lộn trên các tán cây. Nhưng cấu tạo tai của Alesi cho thấy rằng loài này sẽ thận trọng hơn rất nhiều trong cách di chuyển của nó", Fred Spoor, giáo sư về giải phẫu học tiến hóa tại Đại học College London cho biết.

Nyanzapithecus alesi là sọ vượn hoàn chỉnh nhất của một loài đã tuyệt chủng được tìm thấy cho đến nay. Theo các nhà khoa học, nhiều bằng chứng cho thấy con người và các loài khỉ đã chia tách về mặt sinh học vào khoảng 7 triệu năm trước.

"Nyanzapithecus alesi là một phần của một nhóm động vật linh trưởng đã tồn tại ở châu Phi trong suốt 10 triệu năm. Những phát hiện về Alesi cho thấy rằng nhóm này gần với nguồn gốc của loài khỉ và loài người hiện đại và nguồn gốc này là ở châu Phi", tiến sĩ Isaiah Nengo thuộc Đại học Stony Brook, nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu về Alesi nói.

"Khu vực Napudet cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về khung cảnh châu Phi cách đây 13 triệu năm. Một ngọn núi lửa gần đó đã chôn vùi hoàn toàn khu rừng mà loài vượn đang sinh sống, bảo quản tốt các hóa thạch và vô số cây cối cho chúng ta khám phá ngày nay", Craig Feibel, giáo sư địa chất và nhân chủng học tại Đại học Rutgers, New Brunswick, đồng tác giả nghiên cứu cho biết thêm.

Nhìn chung những nghiên cứu thời gian gần đây cho thấy tổ tiên của chúng ta đã trải qua một quá trình tiến hóa lâu dài hơn chúng ta từng nghĩ.

Ái Vi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện tổ tiên 13 triệu năm tuổi của con người