Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số; đầu tư phát triển 6 cơ quan báo chí chủ lực thành tập đoàn báo chí đa phương tiện lớn mạnh.

Phát triển 6 cơ quan báo chí chủ lực thành tập đoàn báo chí đa phương tiện vào năm 2030

Lam Thanh | 15/09/2021, 21:15

Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số; đầu tư phát triển 6 cơ quan báo chí chủ lực thành tập đoàn báo chí đa phương tiện lớn mạnh.

Đây là mục tiêu được nêu tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số, đổi mới toàn diện hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Ngoài ra, tiếp tục đầu tư, phát triển 6 cơ quan báo chí chủ lực thành tập đoàn báo chí đa phương tiện lớn mạnh, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin của độc giả, dẫn dắt toàn ngành về lĩnh vực báo chí.

bao-chi.jpg
Mục tiêu 100% cơ quan báo chí hoàn thành chuyển đổi số vào 2030

Đối với phát thanh, truyền hình (PTTH), phấn đấu đến năm 2030 số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đạt 26 triệu; doanh thu quảng cáo của các đài PTTH đạt 13.000 tỉ đồng; doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đạt 26.500 tỉ đồng. Tối thiểu 90% các đài PTTH chuyển đổi số, hoạt động theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Đối với thông tin điện tử, dự thảo nêu rõ, thúc đẩy phát triển mạng xã hội (MXH) Việt Nam trở thành nền tảng số có số lượng người dùng Việt Nam chiếm đa số so với nền tảng MXH xuyên biên giới; trở thành một trong các kênh truyền tải thông tin tuyên truyền chủ lực trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội.

Dự thảo nêu rõ sẽ đổi mới tổ chức và vận hành của các cơ quan báo chí, sắp xếp lại nhân sự, vị trí phù hợp với xu hướng chuyển đổi số báo chí; xây dựng quy trình xuất bản và phân phối nội dung số.

Đài Truyền hình Việt Nam là đài truyền hình quốc gia. Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia. Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, tự xây dựng nền tảng phân phối nội dung riêng, làm chủ quyền kiểm soát và phân phối nội dung trên không gian mạng. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Quốc hội có kênh truyền hình.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 đài phát thanh và truyền hình. Mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Riêng TP.HCM có 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình. Thành phố Hà Nội, TP.HCM, mỗi đài có tối đa 2 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

Đối với thông tin điện tử, chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “gỡ bỏ các rào cản” đối với phát triển nội dung số (bao gồm các nền tảng phân phối nội dung, nền tảng tìm kiếm; thông tin điện tử, MXH, trò chơi trực tuyến). Xây dựng các MXH của Việt Nam cạnh tranh được với các MXH xuyên biên giới. Kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý thông tin ở trung ương và địa phương.

Dự thảo cũng nêu, phát triển báo chí cách mạng, nâng cao giá trị cốt lõi của báo chí, thể hiện trung thực dòng chảy của xã hội cung cấp thông tin giá trị, chính xác và kịp thời tới độc giả. Đảm bảo báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, giải quyết triệt để tình trạng nhũng nhiễu, báo hóa tạp chí, chấn chỉnh hoạt động liên kết báo chí.

Về nhân lực, đầu tư bồi dưỡng đào tạo, đặc biệt là đạo đức nhà báo, nâng cao nghiệp vụ nguồn nhân lực làm báo đáp ứng xu thế chuyển đổi số trong ngành báo chí. Sắp xếp lại nhân lực với các vị trí chuyên môn phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số (nhân lực quản lý, nhân lực nội dung, nhân lực công nghệ, nhân lực kinh tế, nhân lực marketing số, quan hệ khách hàng, nhân lực phân tích dữ liệu, nhân lực kiểm chứng nguồn tin…).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển 6 cơ quan báo chí chủ lực thành tập đoàn báo chí đa phương tiện vào năm 2030