Phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của vùng.
Nhịp đập khoa học

Phát triển đồng bằng sông Hồng: Phải thoát tư duy cũ, chú trọng đổi mới sáng tạo

Lam Thanh 08/05/2024 16:41

Phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của vùng.

Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Theo Bộ KH-ĐT, đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là địa bàn cốt lõi, có ý nghĩa chiến lược, quan trọng bậc nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại.

Tính đến năm 2023, vùng ĐBSH đóng góp gần 30,4% tổng GDP, khoảng 36% kim ngạch xuất khẩu và 38% thu ngân sách của cả nước. GRDP bình quân đầu người của vùng năm 2023 khoảng 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của vùng thời gian qua chưa thực sự ổn định và chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng. Cơ cấu ngành nghề chưa hiện đại, nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thiếu sự vững chắc; trình độ công nghệ còn thấp; hiệu suất phát triển chưa cao, doanh nghiệp chủ yếu là quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp.

hanoimoi-com-vn-uploads-images-p-1708742651061-17148223126551999346300.jpg
Tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSH chưa ổn định

Thêm nữa, việc tổ chức không gian, bố trí lãnh thổ còn bộc lộ nhiều bất hợp lý, đặc biệt sự quá tải tại các khu vực đô thị, nhất là ở nội đô Hà Nội, Hải Phòng. Ảnh hưởng khách quan của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường… cũng là những khó khăn thách thức mà vùng ĐBSH đang phải đối mặt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 4.5.2024 phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dựa vào KH-CN và đổi mới sáng tạo

Theo Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, bản quy hoạch vùng có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới nhằm tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ để phát huy nhanh, hiệu quả được các giá trị truyền thống kết hợp với khai thác các cơ hội mới.

Ông Dũng nhấn mạnh 6 chữ "truyền thống - liên kết - bứt phá" để thể hiện nội dung của Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Vùng ĐBSH có quá nhiều giá trị truyền thống về mọi mặt là lợi thế lớn, nhưng cũng là thách thức lớn trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đó, đặc biệt là thoát ra khỏi tư duy phát triển cũ có tính truyền thống, xác lập tư duy phát triển mới tạo ra động lực mới cho sự phát triển vùng”, ông Dũng nêu.

Theo Bộ trưởng Dũng, phát triển vùng phải phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các thế mạnh về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử; các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị.

dung-1.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu

Ngoài ra, phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của vùng.

“Phải phát huy hiệu quả các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, các trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu quốc gia để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, bảo đảm vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái dẫn đầu cả nước”, ông Dũng nói.

Hồi sinh sông Tô Lịch, sông Đáy

Về tính liên kết, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh cần phát triển hạ tầng kết nối vùng, bao gồm cả kết nối song phương giữa các tỉnh thành, ưu tiên gắn với các hành lang quan trọng của vùng, trong đó ưu tiên chuẩn bị và triển khai xây dựng mới các tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lạng Sơn - Hà Nội.

Ngoài ra, cần đồng bộ hóa từng bước các điểm đầu mối (hub) về giao thông như cụm cảng Hải Phòng - Quảng Ninh, các tuyến kết nối thủ đô Hà Nội với các địa phương (các tuyến vành đai và các trục kết nối với các địa phương); phát triển đồng bộ hạ tầng số để tạo nền tảng thực hiện chuyển đổi số…

Tiếp nữa, cần xử lý các vấn đề môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất và bảo đảm an ninh nguồn nước liên tỉnh; hồi sinh các dòng sông như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, kênh Bắc Hưng Hải...

chi-so-dmst2.png
Chú trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Thêm nữa, cần phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo, tăng cường phối hợp và liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực; chia sẻ, liên kết trong phát triển khoa học và công nghệ hướng vào giải quyết những vấn đề công nghệ đặt ra trong phát triển vùng; hình thành và tăng cường liên kết mạng lưới các trung tâm, cơ sở đổi mới sáng tạo.

Ông Dũng cũng nêu rằng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối trong việc sử dụng nguồn lực nhà nước (như cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương chủ động tham gia các hoạt động liên kết và đầu tư cho các dự án vùng, liên vùng…).

Bộ trưởng KH-ĐT cũng xác định trọng tâm và đột phá phát triển chủ yếu, bao gồm kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế, nhất là khai thác hiệu quả mạng lưới giao thông kết nối thủ đô Hà Nội và các cảng biển với các địa phương của vùng và liên vùng; hoàn thành dứt điểm các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, hạ tầng số, hạ tầng đô thị.

Theo đó, cần tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp; hình thành các cụm liên kết ngành về đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế ven biển, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu thương mại tự do với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có sức cạnh tranh quốc tế và khu vực.

“Phải tập trung bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa của nền văn minh sông Hồng, hình thành các trung tâm, trục di sản Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tăng cường liên kết và hình thành các chuỗi đô thị, trong đó, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ; chuỗi đô thị tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình gắn với phát triển kinh tế biển…", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Bài liên quan
Đồng Nai: Phát động Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh năm 2024
Sáng 17.5, Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan đã tổ chức Lễ phát động Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2024 (Techfest DongNai 2024).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng phát lệnh khởi công mở rộng nhà ga T2 sân bay Nội Bài
Thủ tướng nêu rõ, việc mở rộng nhà ga T2 để bảo đảm đáp ứng kịp thời tình trạng quá tải cảng hàng không quốc tế Nội Bài là rất cần thiết, không thể chậm trễ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển đồng bằng sông Hồng: Phải thoát tư duy cũ, chú trọng đổi mới sáng tạo