Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp (HTX) trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) hiện rất chú trọng đến việc chuyển đổi số trong kinh doanh, quảng bá sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số

Trần Khải 28/12/2023 14:16

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp (HTX) trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) hiện rất chú trọng đến việc chuyển đổi số trong kinh doanh, quảng bá sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Khẳng định chất lượng

Là huyện ven biển của tỉnh Cà Mau nên Đầm Dơi có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các mặt hàng thủy-hải sản. Toàn huyện hiện có 42 sản phẩm OCOP (có 10 sản phẩm OCOP được phân hạng 4 sao), chiếm 1/3 tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh. Các sản phẩm OCOP đặc trưng, có nhiều tiềm năng của huyện Đầm Dơi đã khẳng định được chất lượng trên thị trường hiện nay như: ba khía muối, tôm khô, tôm khô xẻ lụi, chà bông tôm, tôm ép…

binh.jpg
Ông Nguyễn Phương Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi

Anh Nguyễn Văn Miên, Giám đốc HTX Ba khía Đầm Dơi chia sẻ: “Để có những sản phẩm OCOP được công nhận hạng sao là cả một quá trình dài phấn đấu, nỗ lực của HTX. Vì vậy, HTX rất coi trọng về chất lượng sản phẩm, luôn lắng nghe nhận xét của khách hàng để từng bước hoàn thiện sản phẩm của mình, luôn là địa chỉ tin cậy để khách hàng lựa chọn sản phẩm của Ba khía Đầm Dơi. HTX rất vui vì sản phẩm của mình luôn được khách hàng tin dùng, đánh giá cao về mẫu mã, cũng như chất lượng”.

2-anh-mien-gioi-thieu-san-pham-cua-gia-dinh.jpg
Anh Nguyễn Văn Miên, Giám đốc HTX Ba khía Đầm Dơi giới thiệu sản phẩm của HTX

Theo anh Miên, hiện HTX Ba khía Đầm Dơi đang tập trung nguyên liệu chế biến để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. “Năm nay, HTX Ba khía Đầm Dơi dự tính sẽ bán ra thị trường khoảng 10 tấn sản phẩm được chế biến từ ba khía, 4 tấn mắm tôm, và các mặt hàng khô khoảng 1 tấn. Số lượng hàng hóa sẽ tăng lên nếu đơn hàng tăng trong những ngày tới. Hiện nay, các sản phẩm của HTX Ba khía Đầm Dơi được bán trên nền tảng mạng xã hội như Zalo, Tiktok, Facebook và siêu thị”, anh Miên cho biết.

Cùng với đó, sản phẩm tôm khô của HTX Sông Đầm cũng đã khẳng định được vị thế trên thị trường. Nguyên liệu của sản phẩm được cơ sở lựa chọn, chế biến rất kỹ lưỡng, đạt chất lượng cao nên được khách hàng rất ưa chuộng, tin dùng. Ngoài ra, 2 sản phẩm hạng 4 sao là tôm khô và chà bông tôm của Công ty TNHH MTV Sản xuất và thương mại thủy-hải sản Ngọc Giàu cũng là một trong những sản phẩm tiềm năng của vùng ĐBSCL.

1-khau-dong-gop-san-pham-ba-khia-cua-gia-dinh-anh-mien.jpg
Chất lượng sản phẩm OCOP luôn được các chủ doanh nghiệp coi trọng

Theo ngành chức năng địa phương, từ khi công tác chuyển đổi số phát triển, nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP ở Đầm Dơi đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội, tăng cường quảng bá hình ảnh sản phẩm để giới thiệu tới khách hàng. Nhờ đó, số lượng hàng hoá được bán ra thị trường tăng từ 10 - 15% theo từng năm.

Ông Nguyễn Phương Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho hay Đầm Dơi là địa phương dẫn đầu tỉnh Cà Mau về số lượng sản phẩm OCOP. Tất cả, các sản phẩm OCOP được công nhận của địa phương đều đạt chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng. “Huyện có 2 sản phẩm OCOP 4 sao là tôm khô, chà bông tôm tham dự hội thi sản phẩm OCOP tiêu biểu tại diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2023. Kết quả có 1 chủ thể đạt giải nhất hội thi trưng bày, quảng bá sản phẩm dịch vụ; 1 chủ thể đạt giải 3; và 3 chủ thể đạt giải khuyến khích hội thi mẫu mã bao bì và câu chuyện sản phẩm OCOP. Huyện có 9 sản phẩm OCOP tham gia trưng bày, quảng bá tại không gian chung của tỉnh Cà Mau”, ông Bình thông tin.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, địa phương rất coi trọng việc tuyên truyền, vận động các chủ thể thực hiện đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo về chất lượng. “Mỗi sản phẩm OCOP khi đưa ra hội đồng xem xét, đánh giá phân hạng đều được thực hiện rất chặt chẽ, quy trình đánh giá phải trải qua 4 bước với sự tham gia của các sở ngành, đơn vị chuyên môn nên mỗi sản phẩm được công nhận đều rất khách quan, đáp ứng tiêu chí theo quy định”, ông Bình nói.

Xây dựng sàn thương mại điện tử

Huyện Đầm Dơi đang hướng tới xây dựng sàn thương mại điện tử chuyên biệt, dành riêng cho huyện. Khi đưa vào vận hành, đây được xem là kênh bán những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Người dân trên địa bàn có những sản phẩm, hàng hóa chỉ cần liên kết với sàn thương mại điện tử của huyện là có thể đăng bán sản phẩm của mình. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần vài thao tác là có thể đặt hàng và được người bán vận chuyển đến tận nơi với mức giá hợp lý mà vẫn mua được sản phẩm ưng ý.

4-san-pham-ba-khia-muoi-da-khang-dinh-duoc-thuong-hieu.jpg
Ba khía muối là sản phẩm đặc trưng của Cà Mau

“Sàn thương mại điện tử chuyên đăng bán các sản phẩm nông nghiệp của huyện, bà con có những sản phẩm gì thì đăng lên, ai muốn mua thì vào đó lựa chọn. Hiện chúng tôi đã làm việc với công ty công nghệ số, nói chung các bước thành lập sàn thương mại điện tử đều cơ bản đáp ứng yêu cầu. Hiện chỉ còn vướng mắc trong khâu vận chuyển, nếu làm tốt khâu vận chuyển thì việc mở sàn thương mại điện tử của địa phương sẽ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương, giảm chi phí qua các khâu trung gian.

Nếu làm tốt điều này người dân sẽ hưởng lợi rất lớn và người mua cũng nhận được sản phẩm vừa ý, với mức giá phù hợp. Huyện Đầm Dơi đang tập trung vào công nghệ số ở nhiều mặt chứ không riêng gì lĩnh vực nông nghiệp; hướng đến nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương”, ông Bình thông tin thêm.

Theo lãnh đạo huyện Đầm Dơi, mục tiêu của địa phương là nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, hướng sản phẩm OCOP vào ngành hàng chủ lực của huyện (chủ yếu là ngành hàng từ tôm, cua). Để tiêu thụ được sản phẩm càng nhiều thì mới nâng giá trị chung của địa phương lên cao. Huyện Đầm Dơi quyết tâm định hướng các chủ thể phải giữ vững và nâng cao chất lượng về sản phẩm và thương hiệu; quyết không vì lợi nhuận mà làm giảm chất lượng sản phẩm.

6-san-pham-ocop-dat-hang-3-sao.jpg
Các chủ thể không ngừng đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm

Đánh giá của lãnh đạo huyện Đầm Dơi, một khi sản phẩm OCOP phát triển khẳng định được giá trị thì lượng khách hàng rất nhiều, rất tiềm năng. Nếu các chủ thể không cẩn trọng làm giảm chất lượng sản phẩm thì sẽ tự làm khó mình.

Trong thời gian tới, huyện Đầm Dơi sẽ tăng cường liên kết với nhà đầu tư để tăng sức tiêu thụ sản phẩm; đồng thời tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ cấp trên để đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc cho các HTX có điều kiện, nhằm đẩy mạnh sản xuất đảm bảo về chất lượng, sản lượng cung ứng đều cho thị trường. Huyện hướng đến hình thành các HTX OCOP để nâng cao giá trị nông sản sau chế biến, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số