Các doanh nghiệp chia sẻ hiện rất nhiều vướng mắc và bất cập đang phát sinh trong việc triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp (DN) xăng dầu chia sẻ hiện có rất nhiều khó khăn, vướng mắc và cả những bất cập đang phát sinh trong việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng của các DN, tổ chức kinh doanh xăng dầu tại các địa phương.
Một số DN cho rằng những vướng mắc này có thể khiến DN trong thời điểm này gặp những khó khăn nhất định. Theo đó, các DN xăng dầu cho rằng có một số tồn tại cần tháo gỡ xung quanh quyết định triển khai xuất hóa đơn sau mỗi lần bán lẻ xăng dầu.
Có DN đầu mối còn cho rằng, vướng mắc hiện nay là ngoài chi phí đầu tư trang thiết bị mới để thực hiện xuất hóa đơn thì chi phí mua HĐĐT hiện bị đánh giá là khá cao và ước tính sẽ bị đội chi phí trong khi các DN bán lẻ cũng chịu chi phí gia tăng lớn, có thể dẫn đến bị thua lỗ do mức chiết khấu hiện nay không đủ để cho DN trang trải chi phí.
"Hiện nhiều chi cục thuế địa phương chỉ chấp thuận hóa đơn của một vài DN phát hành HĐĐT. Các DN khác không được chấp thuận. Điều này sẽ dẫn đến những nghi vấn tiêu cực khi chỉ có một vài DN được chấp thuận bán hóa đơn cho các DN xăng dầu. Đây chỉ là phán đoán của chúng tôi và điều này thực tiễn có thể không xảy ra tình trạng như vậy, tuy nhiên, ngành Thuế cũng phải xem xét để tránh tình trạng trên xảy ra trong thực tiễn. Chúng tôi kiến nghị rất cần có lộ trình để triển khai…", đại diện một DN phân phối xăng dầu bày tỏ.
Theo đại diện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, việc xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng là yêu cầu bắt buộc của Nhà nước, vì vậy đơn vị đã triển khai khá đồng bộ và đến nay, việc triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu là giải pháp công nghệ được thực hiện tự động hóa, giảm thiểu tác động của con người, từ việc xuất hóa đơn đến phát hành HĐĐT và truyền dữ liệu HĐĐT về cơ quan thuế, giúp giảm thiểu gian lận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Hiện nay, nhiều tỉnh thành còn nhiều cửa hàng phát hành hóa đơn không đúng quy định bởi cuối ngày mới xuất hóa đơn tổng đối với các trường hợp bán lẻ hoặc định kỳ hằng tuần, hằng tháng mới xuất một hóa đơn cho khách hàng với số lượng lớn.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn khẳng định, việc Thủ tướng Chính phủ 2 lần liên tiếp có Công điện cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ trong đẩy mạnh các hoạt động triển khai liên quan đến tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Theo ông Mai Sơn, lợi ích của việc áp dụng HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã được thực tiễn chứng minh thông qua việc triển khai HĐĐT tại một số công ty xăng dầu đầu mối. Đối với các DN bán lẻ xăng dầu sẽ phải đáp ứng các quy định trong thời gian tới.
Theo đó, đối với DN (người bán), cần đẩy mạnh việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của mình, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh và uy tín của DN trên thị trường.
Đối với người tiêu dùng, việc thực hiện HĐĐT sau từng lần bán hàng đảm bảo về nguồn gốc, số lượng hàng hóa, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.
Trong khi đó, đối với cơ quan quản lý Nhà nước, việc triển khai HĐĐT sẽ là cơ sở xây dựng nền tảng dữ liệu về hoạt động kinh doanh xăng dầu đầy đủ, tập trung, liên tục, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, góp phần hạn chế những rủi ro, gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Liên quan đến vấn đề xuất HĐĐT theo từng lần bán xăng dầu, trước thông tin một DN xăng dầu ở Thanh Hóa phản ảnh về thái độ phục vụ của nhân viên Chi cục thuế địa phương trong việc đôn đốc DN vì chậm triển khai HĐĐT, Phó tổng cục trưởng Mai Sơn ghi nhận ý kiến và sẽ cho xác minh đầy đủ, làm rõ thông tin (nếu có) từ phía DN cung cấp để chấn chỉnh kịp thời trong toàn hệ thống.