Năm 2023 đánh dấu một năm tươi sáng của Việt Nam trong công nghiệp bán dẫn, khi hàng loạt tên tuổi hàng đầu thế giới liên tiếp rót vốn vào Việt Nam với những dự án lên đến cả tỉ USD.
Tính đến thời điểm hiện tại, những "đại bàng" trong ngành bán dẫn đã hiện diện ở Việt Nam không chỉ có Intel hay Samsung. Cụ thể, vào tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Amkor đã khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam (ATV) tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, Bắc Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư đến năm 2030 là 1,6 tỉ USD, trong đó giai đoạn 1 là 520 triệu USD.
Tập đoàn này cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2, 3 của nhà máy, đưa Bắc Ninh trở thành một trong những điểm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới.
Ngày 16.9, Hana Micron Vina (Hàn Quốc) đã khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Hana Micron Vina là doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác, có tổng vốn đăng ký đầu tư gần 600 triệu USD. Đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên trên 1 tỉ USD.
"Gã khổng lồ" sản xuất chip Hàn Quốc - Hanmi Semiconductor vào cuối tháng 5 cũng đã công bố đưa chi nhánh Hanmi Việt Nam tại Bắc Ninh vào hoạt động. Hanmi Semiconductor là một trong những nhà thiết kế, phát triển và sản xuất hàng đầu trong ngành thiết bị bán dẫn.
Cùng thời điểm này, Công ty Infineon Technologies AG (Đức) về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT đã thông báo việc mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Victory Giant Technology, tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện điện tử, chất bán dẫn của Trung Quốc đã quyết định lựa chọn để xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư 400 triệu USD tại Bắc Ninh.
Mới đây, Công ty Synopsys (trụ sở tại California) chuyên cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ký kết biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam.
Tập đoàn Samsung cũng có kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Trong đó, việc sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn của nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên được thực hiện vào cuối năm 2023.
Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM khẳng định: "Các công ty Mỹ thuộc nhiều lĩnh vực đang hướng tới thị trường Việt Nam, nhất là lĩnh vực đầu tư bán dẫn và khai khoáng. Chính phủ Mỹ đã xây dựng kế hoạch hành động chi tiết nhằm tăng khả năng phục hồi ngành, chất bán dẫn. Cụ thể, Mỹ đã rà soát lại khung pháp lý của Việt Nam và đã dành khoản đầu tư 240 triệu USD để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái chất bán dẫn. Trong đó có 40 triệu USD được dành riêng để đầu tư vào dự án mới liên quan đến lĩnh vực này".
Ông John Neuffer - Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Mỹ nhấn mạnh: "Đây chính là lúc Việt Nam gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới".
Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD. Điều này được nhận định là bước tiến mới của Việt Nam trên con đường thâm nhập ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỉ USD.
Bên cạnh các dự án nước ngoài, Việt Nam cũng có một số đơn vị, doanh nghiệp công nghệ đã nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip như FPT Semiconductor, Viettel... Đây sẽ là con đường để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành chip bán dẫn toàn cầu.
Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến có tiềm năng, cạnh tranh để tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó ngành công nghiệp bán dẫn điện tử sẽ là động lực của chuyển đổi số, giúp Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ, mô hình mới.
Chuyến thăm Mỹ từ ngày 17-23.9 của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thu hút sự chú ý của lãnh đạo các tập đoàn Mỹ. Thủ tướng đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Synopsys, Meta, Nvidia... bởi khoa học công nghệ là một trụ cột trong tuyên bố chung của hai nước. Mỹ ủng hộ Việt Nam phát triển ngành bán dẫn, trong đó tập trung vào các vấn đề như chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực tham gia vào khâu thiết kế chip,...