Luật sư cho rằng nếu lấy lý do đảm bảo hơn cho công dân Việt Nam ở nước ngoài để đưa ra "phí chia tay" khi xuất cảnh là cũng không phù hợp, vì hóa ra không có phí này thì công dân không được đảm bảo hay sao?

'Phí chia tay' khi xuất cảnh: Vừa bất hợp lý, vừa tạo thêm gánh nặng

20/06/2019, 10:44

Luật sư cho rằng nếu lấy lý do đảm bảo hơn cho công dân Việt Nam ở nước ngoài để đưa ra "phí chia tay" khi xuất cảnh là cũng không phù hợp, vì hóa ra không có phí này thì công dân không được đảm bảo hay sao?

ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng đề xuất phí chia tay khi xuất cảnh - Ảnh: VPQH

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, đề xuất “phí chia tay” khi xuất cảnh do Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Quốc Hưng đề xuất mới đây không hợp lý và tạo ra gánh nặng về tài chính cho người xuất cảnh.

Cụ thể, khi thảo luận về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam tại Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đề xuất, công dân Việt Nam khi xuất cảnh có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay, khoảng 3-5 USD/người.

Theo ông Hưng, số tiền này sẽ được trích một phần cho các cơ quan ngoại giao làm kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ khi công dân ra nước ngoài gặp khó khăn. Một phần khác được dùng để ngành xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư, nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như các việc khác để đảm bảo cho việc công dân xuất cảnh được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn; các chiến sĩ khi công dân xuất cảnh thì tươi cười vui vẻ, ân cần hơn đối với công dân. Ngoài ra, số thu được cũng dành một phần cho quỹ xúc tiến phát triển du lịch để đẩy mạnh du lịch nước nhà.

Đề xuất này nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư TP.HCM, Thông tư số 219/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và được áp dụng đối với người nộp, tổ chức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Bao gồm 6 loại lệ phí trong việc cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh, tem AB và 12 loại phí trong việc cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài.

“Đề xuất thu thêm “phí chia tay” với mức từ 3-5 USD đối với mỗi công dân xuất cảnh ra nước ngoài đối với thời điểm hiện tại là không hợp lý và tạo ra gánh nặng về tài chính cho người xuất cảnh; có thể làm giảm nhu cầu du lịch của người dân ra nước ngoài”, ông Hòa nêu.

Cũng theo ông Hòa, lập luận số tiền thu được sẽ giúp công tác xuất cảnh của cơ quan chức năng được tốt hơn, thúc đẩy du lịch nước nhà là không hợp lý. Lý do là các cơ quan nhà nước đều nhận lương từ tiền thuế của nhân dân, lập luận phải có phí đấy thì họ mới phục vụ tốt hơn được thì không phù hợp.

Hơn nữa, lý do dùng phí đấy để hỗ trợ phát triển du lịch trong nước cũng không đúng vì muốn phát triển du lịch, phát triển hạ tầng trong nước để hút khách du lịch thì phải thu phí người đến tham quan chứ sao lại thu của người xuất cảnh?

Theo luật sư này, lấy lý do đảm bảo hơn cho công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng không phù hợp, vì hóa ra không có phí này thì công dân không được đảm bảo hay sao? Việc đảm bảo an toàn cho công dân là trách nhiệm của nhà nước, bất kể quốc gia giàu hay nghèo. Không có phí này, nhà nước vẫn phải bảo hộ công dân của mình.

“Trong bối cảnh đời sống của người dân còn khó khăn, mức lương thấp mà phải đóng nhiều thuế và phí sẽ ảnh hưởng tới an sinh xã hội”, ông Hòa nêu.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự: “Về nguyên tắc, một đại biểu quốc hội là đại diện của người dân nên không có cả tư cách và quyền để đề xuất bất cứ điều gì được coi là chất gánh nặng lên người dân hay gây tổn hại đến lợi ích của họ. Anh được bầu để bảo vệ quyền và lợi ích của họ kia mà?”.

“Chính phủ là bộ máy hành pháp, nếu thấy thiếu tiền hay cần tiền để chi tiêu thì có quyền xin Quốc hội để xem xét theo hướng phê chuẩn hay bác bỏ, còn đại biểu thì tuyệt nhiên không thể tự ý làm điều này”, ông Lập nói.

Cũng theo ông Lập, ông Hưng lại cho rằng 3-5 USD chỉ là tiền bữa sáng thôi, tức việc nhỏ. Với đại đa số người dân Việt Nam đang còn rất nghèo và lam lũ thì đó là khoản tiền nhỏ ư?

Một số nước đã triển khai thu "phí chia tay"?

Nói rõ hơn đề xuất của mình bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Quốc Hưng cho hay, khi làm các thủ tục ở cửa xuất, nhập cảnh, chúng ta cần phải có sự hỗ trợ từ khoa học công nghệ để công dân xuất, nhập cảnh thuận lợi, văn minh, nhanh chóng. Hiện các nước phải huy động nguồn lực xã hội hóa cho việc này.

"Thực tế, một số nước đã triển khai thu một khoản phí, như là sự đóng góp của công dân, quan trọng nhất để giúp cho vấn đề bảo hộ, đảm bảo quyền lợi của công dân khi ở nước ngoài", đại biểu nguyên là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ.

Theo ông, công dân Việt Nam khi ra nước ngoài, nhiều trường hợp vì lý do này lý do khác gặp vấn đề nhưng cơ quan ngoại giao và đại diện Việt Nam ở đó không có nguồn lực để hỗ trợ. Ví dụ, công dân đánh bắt hải sản bị nước ngoài bắt, làm sao thương lượng để đưa họ về nước? Hoặc trường hợp vi phạm an ninh ở nước ngoài cũng cần có sự bảo trợ.

Trước ý kiến trái chiều về nhiều loại phí cũng như tính khả thi trong thực tiễn khi đặt thêm "phí chia tay", ông Hưng cho rằng nếu đóng thì không nhiều, "chỉ bằng bữa ăn sáng" của một người.

"Đó là mong muốn của tôi và tôi đề xuất ý tưởng như vậy. Còn câu từ hay cách thức thế nào thì cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, làm sao cho thuận tiện nhất. Mục đích cao nhất là làm sao công dân Việt Nam khi xuất, nhập cảnh được thuận lợi, khi ra nước ngoài được bảo vệ", ông Hưng chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Hưng, hiện Nhà nước chỉ dành được khoảng 2 triệu USD cho chương trình xúc tiến du lịch quốc gia. Vì thế, khoản phí, nếu có, là sự đóng góp để chung tay quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

"Khi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được nâng lên thì công dân chúng ta đi ra nước ngoài cũng sẽ được người nước ngoài tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xuất, nhập cảnh tốt hơn", ông Hưng nói.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Phí chia tay' khi xuất cảnh: Vừa bất hợp lý, vừa tạo thêm gánh nặng