Với một nền kinh tế có quy mô lớn thuộc loại hàng đầu thế giới nhưng lại đang bắt đầu bước vào giai đoạn giảm tốc và trì trệ như Trung Quốc thì hầu như sẽ luôn có chuyện để nói ở thời điểm hiện tại.

Phía sau câu chuyện cơn sốt thịt lợn ở Trung Quốc

13/05/2016, 12:22

Với một nền kinh tế có quy mô lớn thuộc loại hàng đầu thế giới nhưng lại đang bắt đầu bước vào giai đoạn giảm tốc và trì trệ như Trung Quốc thì hầu như sẽ luôn có chuyện để nói ở thời điểm hiện tại.

Sau câu chuyện giá thép, tăng nợ hay cơn sốt ở thị trường hàng hóa, thì câu chuyện mới nhất ở Trung Quốc khiến cả thế giới phải chú ý là cơn sốt đối với mặt hàng thịt lợn ở quốc gia này.

Những ngày này, thịt lợn trên khắp thế giới đều đang đổ dồn về thị trường Trung Quốc, nơi giá thành của loại thực phẩm này đã tăng 30% tính đến tháng Tư và gần 50% tính đến đầu tháng Năm. Đây không phải lần đầu tiên mà thịt lợn trở nên khan hiếm và đắt đỏ ở Trung Quốc trong vòng gần 10 năm trở lại đây, nhưng cuộc khủng hoảng thịt lợn lần này lại đang chỉ ra một vấn đề khác với Trung Quốc: an ninh lương thực.

Vào những ngày này, kinh doanh chăn nuôi lợn đang là ngành kiếm lời dễ nhất ở Trung Quốc thay vì những hãng sản xuất hàng công nghệ cao đang được ví với Apple hay Tesla của Mỹ. Lý do là vì đây đang là mặt hàng có mức tăng giá lớn nhất trong vòng gần 1 năm qua, cụ thể giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc đã tăng khoảng 30% trong vòng một năm qua nếu tính đến tháng Tư, và mức tăng đã là 50% nếu tính đến tháng Năm hiện tại.

Việc thịt lợn tăng giá khoảng 20% chỉ trong vòng một tháng trở lại đây đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc tăng vọt, cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm đã tăng 7,6% trong tháng Ba, còn CPI tổng hợp trong tháng Tư cũng đã lên tới 2,3%. Điều này đang khiến cho những lo ngại về lạm phát trong nền kinh tế Trung Quốc tăng lên vượt mức được dự báo.

Lý do chủ yếu của tình trạng này là việc mức độ sử dụng rộng rãi thịt lợn trong xã hội Trung Quốc, biến nó thành một trong những mặt hàng thiết yếu nhất và có mức tác động lớn nhất lên giá cả hàng hóa và cả lạm phát nữa. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang là quốc gia có mức tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Và để đối phó với cơn sốt thịt lợn hiện tại, chính phủ Trung Quốc đang phải khẩn cấp nhập khẩu mặt hàng này từ khắp nơi trên thế giới trước khi để mọi việc vượt tầm kiểm soát.

Trong tháng 2.2016 lượng thịt lợn nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, còn vào tháng 1.2016 thì mức tăng này cũng lên tới 56%. Hai đối tác xuất khẩu thịt lợn lớn nhất vào thị trường Trung Quốc là Mỹ và EU đều tăng vọt về số lượng kể từ đầu năm 2016, chỉ tính riêng trong tháng Hai lượng thịt lợn Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc đã tăng 38% lên mức 15.925 tấn, còn thịt lợn xuất khẩu từ EU vào Trung Quốc cũng đã tăng tới 78%.

Thậm chí, mức tăng nhanh chóng ấy có vẻ như vẫn còn chưa đủ để hạ nhiệt thị trường, khi mà chính phủ Trung Quốc vừa phải tuyên bố sẽ mở cửa kho thịt lợn dự trữ và sẽ bán ra khoảng 3.000 tấn trong hai tuần tới để hạ giá mặt hàng này.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc phải đối mặt với cơn sốt khủng hoảng thịt lợn này. Vào năm 2007, dịch lợn tai xanh nổ ra khiến giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng tới 87% chỉ trong một năm, và khiến lạm phát ở nước này tăng vọt. Từ đó chính phủ Trung Quốc bắt đầu dự trữ mặt hàng thực phẩm thiết yếu này trong trường hợp xảy ra tình trạng tương tự.

Nhờ có kho dự trữ thịt lợn đông lạnh đó mà cơn sốt thịt lợn hiện nay nhiều khả năng có thể sẽ được dập tắt trong thời gian tới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thịt lợn lần này lại đang chỉ ra một khía cạnh khác quan trọng hơn nhiều, đó là vấn đề an ninh lương thực và thực phẩm tại Trung Quốc, nơi đang có dân số lên đến 1,4 tỷ người.

Sở dĩ như thế, là vì nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cuộc khủng hoảng thịt lợn hiện nay. Nếu như vào năm 2007, nguyên nhân chính khiến thịt lợn tăng giá mạnh là do dịch tai xanh khiến ngành chăn nuôi Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề. Thì ở thời điểm hiện tại, vấn đề lại không phải thế. Nguyên nhân chủ yếu khiến thịt lợn tại Trung Quốc tăng giá mạnh trong thời gian qua là do những xáo trộn trong ngành chăn nuôi nước này vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ.

Cụ thể, số lượng các trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Trung Quốc đang có chiều hướng giảm đáng kể, chủ yếu là do nhu cầu của thị trường và yêu cầu từ phía chính phủ về thịt lợn đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh và an toàn. Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng lo ngại về vấn đề thực phẩm an toàn nên đã có sự thay đổi cách tiêu dùng, và hướng đến các cơ sở chăn nuôi an toàn và đảm bảo.

Điều này đang làm xáo trộn ngành chăn nuôi Trung Quốc, khi mà một phần lớn nguồn cung thịt lợn ra thị trường ở nước này là đến từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại quy mô nhỏ. Tuy nhiên chỉ có một số ít các trang trại lớn mới đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn và vệ sinh, khiến cho một loạt các trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ phải ngưng hoạt động.

Theo thống kê, số lượng các trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ ở Trung Quốc giảm đáng kể, từ 10.000 năm 2010 xuống còn 6.000 ở thời điểm hiện tại. Chính điều này dẫn đến việc nguồn cung thịt lợn ra thị trường giảm mạnh, gây ra đợt tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua.

Những xáo trộn và bất ổn trong vấn đề an ninh lương thực và thực phẩm ở Trung Quốc là điều đã được dự đoán từ lâu. Với dân số 1,4 tỷ người, sẽ rất khó để có thể đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm, nhất là khi nhu cầu thực phẩm của xã hội Trung Quốc không ổn định. Chỉ cần một sự thay đổi tưởng như rất nhỏ trong vấn đề tiêu dùng thịt lợn cũng đã đủ để tạo ra một cú sốc về giá cả.

Ở thời điểm hiện tại Trung Quốc vẫn chưa tự túc được vấn đề lương thực thực phẩm và vẫn đang phải nhập khẩu khá nhiều, từ lúa gạo cho đến thịt lợn. Sẽ không khó để dự đoán nếu như thiên tai xảy ra trên thế giới dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực, thì Trung Quốc sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Có lẽ chính vì vấn đề này mà chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư và thâu tóm các tập đoàn công nghệ và liên quan đến thực phẩm hàng đầu trên thế giới, từ thương vụ đình đám mua lại tập đoàn công nghệ Syngenta với giá hơn 40 tỷ USD cho đến những nỗ lực thâu tóm các trang trại chăn nuôi quy mô lớn nhất ở Australia. Những công nghệ đột phá trong lĩnh vực biến đổi gen các cây trồng lương thực của Syngenta được kỳ vọng là sẽ giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề thiếu lương thực, còn các trang trại chăn nuôi ở Australia sẽ giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến lương thực.

Nhưng, để triển khai được các dự định này vào trong thực tế lại là một câu chuyện khác, sẽ cần rất nhiều thời gian để Trung Quốc có thể xây dựng được một hệ thống cung cấp ổn định trong nông nghiệp cho 1,4 tỷ dân nước này, đó là chưa kể dân số Trung Quốc sẽ còn tăng lên trong thời gian tới khi chính phủ nước này đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm sinh quá một con vào năm ngoái.

Vì sao Trung Quốc dừng mua thịt heo từ Việt Nam?

Tối 12.5.2016, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: Từ chiều 12.5.2016, Trung Quốc đột ngột dừng toàn bộ việc mua lợn của Việt Nam do chính quyền nước này xả kho hàng đông lạnh để giải quyết khủng hoảng thiếu.... Ông Nguyễn Nam Hùng – Chi Cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết: Trong 2 ngày nay, tại cửa khẩu Chi Ma, không có bất kỳ xe chở lợn nào được “thông quan”. Theo một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết trên Thanh Niên, việc TQ ngừng thu mua heo ở biên giới Lạng Sơn khiến lượng heo nội địa ứ theo. Trong ngày 12.5, Bắc Giang chỉ có khoảng 800 con heo thịt và 600 heo sữa được chứng nhận kiểm dịch nhưng chuyển hàng đi qua các cửa khẩu ở Móng Cái (Quảng Ninh) và Tà Lủng (Cao Bằng). “Giá heo ở địa phương trong ngày đã giảm trên dưới 2.000 đồng/kg và nếu phía TQ vẫn ngừng mua thời gian kéo dài chắc chắn sẽ tác động xấu đến người chăn nuôi”, vị lãnh đạo này lo lắng.

Nhàn Đàm (theo Reuters/CafeF)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phía sau câu chuyện cơn sốt thịt lợn ở Trung Quốc