Trong khi tầng lớp trung lưu ở các thành phố lớn như Bắc Kinh có thể được tận hưởng bầu không khí đã bắt đầu sạch hơn, thì tại các vùng quê nghèo rộng lớn một bộ phận đông đảo cư dân nghèo đang bị tước mất phương án sưởi ấm gần như duy nhất của mình.

Phía sau chiến dịch làm sạch không khí của Trung Quốc

Nhàn Đàm | 30/12/2017, 07:17

Trong khi tầng lớp trung lưu ở các thành phố lớn như Bắc Kinh có thể được tận hưởng bầu không khí đã bắt đầu sạch hơn, thì tại các vùng quê nghèo rộng lớn một bộ phận đông đảo cư dân nghèo đang bị tước mất phương án sưởi ấm gần như duy nhất của mình.

Khi những đợt gió rét của mùa đông kéo về khu vực miền Bắc Trung Quốc bắt đầu tiến vào những cửa sổ trong ngôi nhà của Liu Yinguang, thì cũng là lúc người đàn ông 59 tuổi này nhận ra rằng chiếc lò sưởi hoạt động bằng khí đốt mới mua của mình không hoạt động, lý do là vì không có nguồn cung khí đốt.

Những gì xảy ra với Liu Yinguang cũng xảy ra với hàng trăm người dân Trung Quốc khác ở làng Lirangdian ở tỉnh Hà Bắc phía nam thủ đô Bắc Kinh. Họ là những người đang phải chờ đợi hàng tháng trời để có thể vận hành những lò sưởi bằng khí đốt mới mua sau khi Chính phủ Trung Quốc cấm đốt than để sưởi ấm nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí nổi tiếng ở khu vực này. Khi Liu Yinguang than phiền rằng đứa cháu nội 8 tuổi của mình đã không thể ngủ vào ban đêm do nhiệt độ quá lạnh (âm 9 độ C), thì một quan chức địa phương đã khuyên ông nên kiên nhẫn chờ đợi.

Mặc dù vậy, nhu cầu thúc bách của người dân trong mùa đông có vẻ như đã tạm thời chiến thắng những ý định thay đổi chậm chạp của các quan chức Trung Quốc. Các nhà chức trách địa phương ở Lirangdian đã nhượng bộ vào hồi đầu tháng 12 khi cho phép người dân đốt than để sưởi ấm trở lại. Nhưng điều đó có vẻ như không đủ để xoa dịu những người như Liu Yinguang, khi ông nói rằng“người nông dân và những người lao động ở dưới đáy xã hội luôn phải chịu nhiều thiệt thòi nhất, trong bất kể việc gì”.

Điều xảy ra với gia đình Liu Yinguang và ngôi làng Lirangdian ở Hà Bắclà một phần trong chiến dịch làm sạch không khí được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động và đẩy mạnh sau khi ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 vào tháng 10 vừa qua. Ông Tập đã tuyên bố sẽ tiến hành một chiến dịch bàn tay sắt nhằm chống lại ô nhiễm không khí vốn là một tệnạn hàng đầu ở Trung Quốc hiện nay. Trên toàn quốc, lệnh cấm và hạn chế bán than được thi hành một cách nghiêm chỉnh, trong khi lượng khí đốt tự nhiên thì đã tăng 19% do các cơ quan Trung Quốc tiến hành xây dựng một mạng lưới đường ống dẫn khí rộng khắp nhằm thay thế triệt để cho việc sử dụng than để sưởi ấm.

Những gì mà Bắc Kinh đạt được thông qua chiến dịch quy mô này là điều có thể dễ dàng nhận thấy, nhưng nó không đồng đều: trong khi tầng lớp trung lưu ở các thành phố lớn như Bắc Kinh có thể được tận hưởng bầu không khí đã bắt đầu sạch hơn, thì tại các vùng quê nghèo rộng lớn một bộ phận đông đảo cư dân nghèo đang bị tước mất phương án sưởi ấm gần như duy nhất của mình. Chiến dịch của ông Tập vì thế đang bị đánh giá là duy ý chí và thiếu hợp lý, khi tiến hành trên quy mô quá lớn và thiếu đánh giá cẩn trọng. Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China ở Bắc Kinh, cho biết: “Hầu hết mọi người dân đều đồng tình với việc cải thiện môi trường không khí, nhưng vấn đề là quy trình thực hiện như thế nào cho phù hợp.”

Mối lo ngại về vấn đề sưởi ấm của người dân Trung Quốc hiện lại đang trở nên trầm trọng hơn bởi một sắc lệnh của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia vào tháng 7 vừa qua, trong đó áp đặt việc tính thành tích cho các quan chức ở địa phương trong việc thay thế sử dụng than bằng khí đốt. Một quan chức của tỉnh Hà Bắc nơi Liu Yinguang đang sống, đã trả lời phỏng vấn tờ China Youth Daily vào ngày 12.12 vừa qua rằng chính quyền địa phương đã vượt mục tiêu trong việc loại bỏ lò sưởi than trong khoảng 1,8 triệu hộ gia đình ở tỉnh này, cao hơn khoảng 700 ngàn hộ so với mục tiêu được ấn định.

Chiến dịch làm sạch không khí ồ ạt này đang được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và hệ quả khó lường. Theo thống kê của BP Plc, vào thời điểm năm 2015 Trung Quốc vẫn là quốc gia có mức độ sử dụng khí tự nhiên thấp, chỉ đạt khoảng 6%, trong khi đó sử dụng năng lượng từ than đá của nước này lên tới 64%. Trung Quốc hiện nay không chỉ thiếu nguồn cung khí đốt, hệ thống đường ống dẫn mà còn cả từ thói quen sử dụng cũng như chi phí mà người dân có thể chấp nhận. Ông Tian Miao, chuyên gia năng lượng của Everbright Sun Hung Kai, một công ty quản lý tài sản có trụ sở ở Bắc Kinh, cho biết: “Chính phủ Trung Quốc đã không xem xét đến sự phức tạp của việc thiết lập và lắp đặt hệ thống vận chuyển khí đốt cũng như khả năng mua nhiên liệu của người dân. Ai cũng muốn thấy bầu trời xanh ở Bắc Kinh, nhưng nó không thể đạt được bằng cách ép buộc người dân có thu nhập thấp ở các vùng lân cận”.

Bất chấp tất cả những vấn đề đó, hiện tại Chính phủ Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch cắt giảm sử dụng than ở 14 tỉnh phía bắc nước này khoảng 9% vào thời điểm cuối năm 2019.

Ở thời điểm hiện tại, đại bộ phận người dân Trung Quốc có thể tiếp cận với nguồn nhiên liệu sưởi ấm mới sạch hơn này chỉ tập trung xung quanh khu vực các thành phố lớn, điển hình như Bắc Kinh. Tuy vậy, hóa đơn năng lượng của họ đã tăng lên gấp đôi so với trước đây. Ông Zhang Lianyin 52 tuổi ở huyện Thông Châu (Bắc Kinh)cho biết ông vẫn lo lắng về sự thiếu nguồn cung trong tương lai. Tình hình trở nên trầm trọng hơn ở các khu vực càng xa trung tâm hơn: ngôi làng Lugezhuang cách Bắc Kinh khoảng 140km về phía nam đang gặp vấn đề nghiêm trọng về lắp đặt hệ thống ống dẫn khí đốt do mặt đất bị đóng băng. Ông Zhang Shufang 67 tuổi đã lại bắt đầu sử dụng than để sưởi ấm mặc dù trước đó đã trả khoảng 4.000 nhân dân tệ (khoảng 600 USD) để lắp đặt hệ thống dẫn khí đốt. Trong khi đó, tại làng Lirangdian, gia đình ông Liu Yinguang vẫn chưa biết khi nào việc lắp đặt hệ thống khí đốt được hoàn tất dù đã trả khoảng 1.200 nhân dân tệ từ hồi đầu năm, trong khi đó chính quyền địa phương lại đang tái khởi động việc phạt tiền nếu sử dụng than, khoảng 2.000 nhân dân tệ nếu bị phát hiện.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội
15 giờ trước Theo dòng thời sự
Với 475/475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, thông qua Nghị quyết, Quốc hội đã bầu ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, làm Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phía sau chiến dịch làm sạch không khí của Trung Quốc