Bộ trưởng quốc phòng Philippines ngày 5.3 cho biết, các cuộc tuần tra hàng hải của Mỹ trên Biển Đông có thể biến thành xung đột quân sự và sẽ kéo Philippines vào cuộc chiến này.
Dù có Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines với nhau được ký từ năm 1951 nhưng Philippines lo ngại rằng Mỹ sẽ không tham chiến nếu nước này có xung đột quân sự trên Biển Đông với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines cần được kiểm tra lại để xóa bỏ sự mơ hồ có thể gây ra sự hỗn loạn và nhầm lẫn trong một cuộc khủng hoảng. Theo ông này, Trung Quốc hồi những năm 1990 đã chiếm một bãi san hô mà Philippines tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhưng Mỹ đã không "ngăn chặn" hành động này.
Việc đánh giá lại nội dung của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines là một trong những chủ đề quan trọng khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các quan chức khác trong chuyến thăm qua đêm tới Manila tuần trước.
Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines là một trong những hiệp ước an ninh lâu đời nhất ở châu Á, theo đó Mỹ và Philippines sẽ phải bảo vệ nhau nếu có một cuộc tấn công từ nước ngoài.
Philippines từng nhiều lần cố gắng làm rõ rằng hiệp ước này có được áp dụng nếu các lực lượng quân sự của họ bị tấn công trên khu vực tranh chấp trên Biển Đông hay không. Biển Đông hiện đang là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc, Philippines và 4 nước Đông Nam Á khác.
Ông Pompeo đã cam đoan với Philippines trong chuyến thăm của mình rằng Mỹ sẽ đến phòng thủ nếu các lực lượng, máy bay hoặc tàu của họ bị tấn công vũ trang ở Biển Đông, đây là lần đầu tiên Mỹ công khai tuyên bố như vậy.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đảm bảo rằng, Mỹ cam kết đảm bảo Biển Đông vẫn mở cho tất cả các loại hàng hải và "Trung Quốc không được đặt ra mối đe dọa đối với việc đóng các tuyến hàng hải đang tranh chấp".
Ông Lorenzana nói rằng các lực lượng Mỹ đang tăng cường hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang và Philippines sẽ phải tham chiến theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines.
"Mỹ với sự gia tăng và thường xuyên đưa tàu chiến đến Biển Tây Philippines, nhiều khả năng có thể tạo ra một cuộc xung đột vũ trang", ông Lorenzana nói, đề cập đến tên Biển Đông theo cách gọi của Philippines.
"Trong một trường hợp như vậy và trên cơ sở Hiệp ước phòng thủ chung, Philippines sẽ tự động tham gia cuộc chiến. Đây không phải là sự thiếu đảm bảo làm tôi lo lắng. Họ đang tham gia vào một cuộc chiến mà chúng tôi không tìm kiếm và không muốn", ông Lorenzana nhận định.
Căng thẳng trên Biển Đông là một vấn đề gây ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, khi Bắc Kinh tiến hành cải tạo một số đảo san hô mà họ chiếm đóng trái phép thành căn cứ không quân và hải quân. Mỹ đã tuyên bố rằng việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và tự do hàng hải và hàng không trong các khu vực tranh chấp là vì lợi ích quốc gia của Mỹ.
Trước tuyên bố của ông Lorenzana, Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Salvador Panelo nói rằng nước này đang kiểm tra thông tin về việc tàu chiến Trung Quốc đã chặn ngư dân nước này tiếp cận các bãi cát gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Philippines đang chiếm đóng trái phép. Các quan chức Philippines cho hay Trung Quốc đã triển khai các tàu giám sát và các đội tàu đánh cá ngoài khơi ba bãi cát mới nổi có tên Sandy Cay gần đảo Thị Tứ kể từ năm 2017 để chặn Philippines chiếm đóng chúng.
Ông Lorenzana cho biết rằng Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines sẽ được xem xét lại khi từ năm 1992 Mỹ đóng cửa các căn cứ quân sự khổng lồ tại nước này và Philippines mất chiếc ô an ninh.
"Vài năm sau khi các lực lượng Mỹ rời đi, người Trung Quốc bắt đầu hành động hung hăng tại Đá Vành Khăn - đó không phải là một cuộc tấn công vũ trang nhưng đó là sự xâm lược. Mỹ đã không ngăn chặn điều đó", ông Lorenzana nói.
Ông Lorenzana đề cập đến một đá san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng Philippines tuyên bố chủ quyền và bị Trung Quốc chiếm vào năm 1995.
Ái Vi (theo Japan Times)