Philippines muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi và đánh giá cao việc Việt Nam sản xuất được vắc xin dịch tả lợn châu Phi.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Philippines muốn học hỏi Việt Nam ứng phó với dịch tả lợn châu Phi

Tuyết Nhung 29/01/2024 15:00

Philippines muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi và đánh giá cao việc Việt Nam sản xuất được vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 29.1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel. Hai bên đã bàn về các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.

z5116385925200_7a00d7ce3b917eea2aac14f05050a2ee.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel tại buổi làm việc - Ảnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam xác định rõ 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Việt Nam hướng tới việc tích hợp đa giá trị trong các sản phẩm nông nghiệp; vận dụng cách tiếp cận nhiều hơn từ ít hơn; tăng cường liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và các tổ chức nông dân; cùng với đó là phát triển kinh tế nông thôn, cộng đồng nông thôn, tạo việc làm và sinh kế mới cho cư dân nông thôn, phát triển môi trường đáng sống cho cư dân nông thôn.

Với chiến lược mới, Việt Nam đang hướng tới chuỗi giá trị nông nghiệp xanh, nông nghiệp phát thải thấp, nâng cao năng lực của hợp tác xã, nâng cao năng lực cộng đồng nông thôn gắn với cải thiện hạ tầng nông thôn ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã tuyên bố mong muốn trở thành nhà cung ứng lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Trong bối cảnh giá gạo liên tục tăng cao trong thời gian vừa qua, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì xuất khẩu gạo như các năm trước. Sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 6,1 tấn/ha; xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo với giá trị 4,8 tỉ USD năm 2023. Trong chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng nêu rõ việc tăng cường sản xuất lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tăng cường xuất khẩu chất lượng cao, xây dựng uy tín và thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

z5116385376440_66cbb3133b102d56fcb2a099a765e0be.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn cơ quan chuyên môn, đầu mối của hai bộ tích cực trao đổi thông tin, hợp tác chia sẻ ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản hai nước; tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh lương thực: chia sẻ thông tin thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, thúc đẩy cơ chế thương mại lúa gạo ổn định dài hạn, tiến tới thành lập quan hệ đối tác đầu tư trong ngành hàng lúa gạo để gắn kết chăt chẽ giữa nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp nhập khẩu gạo Philippines với người trồng lúa Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuẩn bị vùng nguyên liệu, giới thiệu doanh nghiệp cung cấp gạo theo yêu cầu của phía Philippines.

Bộ trưởng Hoan cũng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi, hợp tác nghiên cứu, phát triển các giống cây trồng (giống lúa chất lượng cao, giống ngô, sản xuất lúa gạo phát thải thấp...) thích nghi và chống chịu với các điệu kiện thời tiết bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, chống chịu sâu bệnh, giống ngắn ngày.

Với tiềm năng xuất khẩu của Philippines là chuối, sầu riêng, xoài và dừa, Việt Nam sẵn sàng hợp tác để xúc tiến, xuất khẩu các mặt hàng này sang các thị trường khác, đặc biệt là các sản phẩm gia tăng giá trị đối với các mặt hàng nông sản mà hai nước đều có thế mạnh. Đồng thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị giao cho cơ quan chuyên môn 2 bên trao đổi, xem xét các thủ tục mở cửa thị trường đối với các loại rau quả tươi phù hợp, trên tinh thần 2 bên cùng có lợi.

Đối với hợp tác trong lĩnh vực thủy sản, Bộ trưởng Hoan đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thủy sản (khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản) căn cứ Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác nghề cá, bao gồm việc chỉ đạo cơ quan chuyên môn có ý kiến phản hồi về việc ký Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng (hotline) về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hai bên hợp tác để phối hợp khai thác nguồn nguyên liệu cá ngừ cho các nhà máy chế biến cá ngừ của Việt Nam.

Đối với hợp tác trong lĩnh vực thú y, chăn nuôi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị hai bên phối hợp, hợp tác trong chăn nuôi và sản xuất chế biến thịt gà, công nhận lẫn nhau về hoạt động phân tích, thử nghiệm khi tiến hành xuất nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, hai bên tích cực hợp tác trong việc đào tạo, tập huấn các cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp thông minh với khí hậu. Hai bên sẽ cử chuyên gia về giống tham gia các chương trình nghiên cứu chung.

Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines - ông Francisco Tiu Laurel đánh giá cao sự chuyển mình của Việt Nam trong ngành hàng lúa gạo. Ông ghi nhận hai bên có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực như thủy sản, chăn nuôi, sản xuất lúa gạo. Ông cho biết Philippines muốn thúc đẩy quá trình cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất, sau thu hoạch, thực hiện số hóa ngành nông nghiệp. Ông bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Việt Nam nhằm cải tiến cách thức tổ chức sản xuất ngành hàng lúa gạo, quá trình sau thu hoạch.

z5116385471658_fd50e35ce7cc373a1a469198bbf4576a.jpg
Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel

Về công tác thú y, Philippines muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi và đánh giá cao việc Việt Nam sản xuất được vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Để mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đảm bảo an ninh lương thực và thực phẩm trên tinh thần hai bên cùng có lợi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Philippines.

Bài liên quan
Bắt quả tang 24 tấn nội tạng lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi sắp ra thị trường
Lực lượng quản lý thị trường vừa phát hiện 24 tấn nội tạng lợn bị nhiễm vi khuẩn dịch tả lợn châu Phi và gần 2 tấn sản phẩm gia súc đông lạnh không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Philippines muốn học hỏi Việt Nam ứng phó với dịch tả lợn châu Phi