Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng thiệt hại do lãng phí không kém tham nhũng, thậm chí có nhiều lĩnh vực lãng phí nguồn lực còn rất trầm trọng.

Phó chủ tịch Quốc hội: Thiệt hại do lãng phí không kém tham nhũng

Lam Thanh | 26/07/2021, 16:20

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng thiệt hại do lãng phí không kém tham nhũng, thậm chí có nhiều lĩnh vực lãng phí nguồn lực còn rất trầm trọng.

Ngày 26.7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

duc-hai.jpg
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Thiệt hại do lãng phí không kém tham nhũng

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết nhiều ý kiến cho rằng kỷ luật kỷ cương tài chính ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm như: giao dự toán thu chi không sát; phân bổ giải ngân vốn đầu tư công chậm; thu từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán, nợ đọng thuế lớn; chi thường xuyên cao hơn mục tiêu phấn đấu.

Ngoài ra, còn nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán; vẫn còn tình trạng chi sai chế độ, định mức; khả năng trả nợ chưa được cải thiện; kết quả thực hiện kết luận kiểm toán chưa cao, thấp hơn so với năm 2018…

Các đại biểu quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý điều hành ngân sách, thực thi chính sách tài khóa, tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, cơ cấu lại ngân sách, nợ công theo hướng bền vững; quản lý chặt chẽ các khoản chuyển nguồn, tạm ứng, nợ đọng, kết dư ngân sách; kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép và tính đến khả năng vay, khả năng trả nợ để giữ gìn tín nhiệm quốc gia và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Về thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020, ông Hải cho biết các đại biểu cơ bản thống nhất rằng năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ cần chỉ đạo khắc phục việc chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nâng cao chất lượng báo cáo; khắc phục tình trạng báo cáo có một số mặt còn chung chung không cụ thể số liệu, không đánh giá so sánh với các số liệu, chỉ tiêu đề ra năm trước.

Đề cập đến việc thu hồi tài sản do tham nhũng thất thoát lãng phí, ông Hải cho hay các vị đại biểu quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến nút thắt, điểm nghẽn trong công tác quy hoạch, đầu tư, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng cơ bản.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quyết liệt đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp; siết chặt kỷ cương kỷ luật tài chính, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Các đại biểu quốc hội cho rằng việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện phải quyết tâm và quyết liệt hơn nữa; tiết kiệm thực hành chống lãng phí phải trở thành quốc sách, ý thức của cả dân tộc, lối sống văn hóa đạo đức của mỗi con người và toàn xã hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh đây là vấn đề lớn cần đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, không để trở thành vấn đề cản trở sự phát triển, gây bức xúc cho nhân dân, thiệt hại do lãng phí không kém tham nhũng, thậm chí có nhiều lĩnh vực lãng phí nguồn lực còn rất trầm trọng.

Sẽ giảm 30/52 quỹ ngoài ngân sách

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về nội dung tiết kiệm, chống lãng phí, đây là phạm trù rộng lớn bao gồm cả lãng phí về vật chất và lãng phí phi vật chất.

Về lãng phí vật chất như sử dụng lãng phí về ngân sách, quỹ ngoài ngân sách, các nguồn lực nhà nước, các vấn đề liên quan đến công trình, dự án chậm tiến độ, sai mục tiêu…; lãng phí phi vật chất như bỏ lỡ thời cơ hoặc các cam kết quốc tế, không sử dụng nguồn nhân lực, người tài…

Bộ Tài chính cho biết luôn coi đây là vấn đề cốt lõi nếu người lãnh đạo không kiểm tra thì xem như không lãnh đạo. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát và chấp hành kỷ luật, kỷ cương về tài chính ngân sách, quản lý nguồn lực luôn luôn được nâng cao và luôn được quan tâm một cách sát sao.

duc-hai-2.jpg
Quốc hội thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Bộ trưởng Phớc dẫn chứng số liệu cụ thể, năm 2020, thanh tra cả nước đã tiến hành 6.199 cuộc thanh tra hành chính, 181.227 cuộc thanh tra chuyên ngành và đã phát hiện nhiều sai phạm.

Từ đó, đã thu hồi nhiều tỉ đồng; thu hồi đất sai phạm; kiến nghị xử lý nhiều tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 97 vụ việc sai phạm.

Về sửa đổi văn bản pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, năm 2020 đã sửa đổi 15 luật, 157 nghị định, 323 thông tư, 39 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, có nhiều nghị định có thể nói là đã giải phóng được nguồn lực và bịt các lỗ hổng thất thoát lãng phí.

Về hiệu quả tiết kiệm, đối với bộ máy, giảm 6 đơn vị cấp huyện, 546 đơn vị cấp xã và giảm hàng chục ngàn các đơn vị khác. Riêng Bộ Tài chính đã giảm được 2.076 đầu mối; Bộ Nội vụ đã giảm được 18 đơn vị; TP.Cần Thơ giảm 32 phòng; tỉnh Cao Bằng giảm 158 đơn vị sự nghiệp công lập…

Về công tác thanh tra thực hành tiết kiệm, Bộ trưởng Phớc cho biết riêng ngành tài chính đã tổ chức thanh tra 6 tháng đầu năm 2021 là 32.000 cuộc thanh tra và xử lý 23.000 tỉ đồng, cắt giảm tiết kiệm chi 55 tỉ đồng bằng 5% dự toán Quốc hội giao.

Về ý kiến của đại biểu định mức chi cho miền núi còn thấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết về vấn đề định mức chi thường xuyên, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các địa phương, các ban ngành và trình với Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành định mức, trên cơ sở đó để lập dự toán.

Do đó, các định mức này là một chỉ tiêu bình quân nên trong quá trình thực hiện những địa phương nào hụt thu thì được ngân sách trung ương hỗ trợ, đảm bảo hoạt động bộ máy một cách bình thường, hiệu quả.

Về quỹ ngoài ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ bộ đang đề nghị với Chính phủ, Quốc hội sẽ giảm đi khoảng 30 quỹ trong tổng số 52 quỹ ngoài ngân sách hiện nay. Theo Bộ trưởng, các quỹ ngoài ngân sách phát sinh nhiều, tuy nhiên nhiều quỹ hoạt động không hiệu quả.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó chủ tịch Quốc hội: Thiệt hại do lãng phí không kém tham nhũng