Phố Hoài là một bảo tàng ngôn ngữ về thời bao cấp, về thời dại dột, về thời lãng mạn và điên rồ, về thời đau khổ đầy hãnh diện nhưng cũng nhiều oán hận, vừa đáng ghi nhớ vừa muốn quên đi thật nhanh. Ở đó con người sống, yêu và làm việc như chạy trốn, một cuộc chạy trốn tuyệt vọng để cuối cùng chỉ tìm thấy một lối thoát duy nhất là phải tiếp tục dấn thân mạnh mẽ hơn vào chính cái cuộc đời đáng sợ ấy''.
Ở tuổi 70, nữ nhà văn Trần Thị Trường vừa cho ra đời tác phẩm Phố Hoài, cuốn sách được viết 10 năm với nhiều thời gian đứt đoạn vì “ngại viết ra không được in”. Phố Hoài cũng chính là ký ức của bà về đời sống, số phận của giới trí thức đô thị trong nhiều thập niên về trước. Với lối viết cổ điển về hình thức, mẫu mực về ngôn ngữ, Trần Thị Trường đã kể một câu chuyện có độ dài 70 năm theo từng nhịp biến thiên của thời cuộc, nói như nhà văn Tạ Duy Anh cuốn sách “chứa đầy nước mắt, dẫn đưa tôi vào cái đường hầm có thể đi xuyên cả một thời kỳ lịch sử bi đát và tăm tối của nó”.
Nhận xét về Phố Hoài, nhà văn Nguyễn Thành Phong viết: “Trong lịch sử Hà Nội hiện đại, có nhiều hạng người. Có công dân hạng một, hạng hai, hạng ba… cho đến lớp người bần hàn. Họ đi qua lịch sử với nhiều tư thế: “Chân ta bước, lòng ung dung tự hào”, “vừa đi vừa cúi đầu ngẫm nghĩ”, “sấp mặt xuống để tồn tại”, cho đến cả tư thế “bò người ra để mà sống”… “Dù là hạng người nào, tư thế tồn tại thế nào, thì mỗi con người Hà Nội đã góp vào Hà Nội, làm thành Hà Nội, từ trước đây cho đến bây giờ.
Nhà văn Trần Thị Trường - Ảnh: N.M.Hà
Sách, báo đã viết chán ra rồi về những con người “Hà Nội hạng một” với tư thế ung dung, tự hào… “Phố Hoài”, gần 400 trang khổ lớn, đầy chữ, tác phẩm văn xuôi mới nhất của nữ nhà văn Trần Thị Trường với những nhân vật chủ yếu là “Hà Nội hạng hai” trở xuống, là câu chuyện chính .
Phố Hoài - nơi ngổn ngang, bề bộn những hờn, giận, yêu, thương, những mảnh đời – những con người chung tiếng nói và khác tiếng nói – va vào nhau. Những con người trong Phố Hoài của Trần Thị Trường gắn kết với nhau bởi cơm áo gạo tiền, khát khao nhục cảm, đam mê nghệ thuật, thiện lương, và hơn hết là tình yêu thương…Có người đi gần hết cuộc đời mới tìm được hạnh phúc. Có những người nắm hạnh phúc trong tay nhưng lại vô tình buông rơi. Và có những con người đi hoài trong bóng tối, chưa kịp chạm tới ánh sáng thì đã trút hơi thở cuối cùng… Người ta đi qua Phố Hoài với bao ngậm ngùi, xót xa...
“Trần Thị Trường nhắc nhớ mọi người đừng dửng dưng với một loạt những điều đã chết. Những bức tượng lồng lộng cao mà tao nhã ở Phố Hoài đã chết thật rồi. Những ký ức về những điều có thật ở phố Hoài bị con người làm cho chết thật rồi, chết ngay trong phố Hoài. Còn lo những điều tươi tốt sắp nảy sinh cũng phải chết. Làm cho chết, vì quên và vì muốn quên.
Bảy mươi năm, ba thế hệ nối nhau, ai nhớ hết mà chẳng quên. Lại còn muốn quên hết, và làm cho chết, vì chán nản, không muốn nhớ nữa. Làm cho chết, vì vẫn còn sợ hãi. Làm cho chết, vì những tình cờ đã làm cho đời người thay đổi buộc con người phải quên, nhớ hoài mà chi…”, nhà giáo Phạm Toàn viết trong lời tựa của cuốn sách.
Phố Hoài - NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 2.2020
Nói về tác phẩm của mình, nhà văn Trần Thị Trường bộc bạch: ““Phố” gợi ra những gì là tinh hoa, tri thức. Một thành phố thiếu vắng trí thức tôi không hình dung được. Tôi mô tả có thể chính là Hà Nội thời tôi sống hoặc một thành phố nào đó của Việt Nam nhưng nó là thành phố của trí thức, của tinh hoa một thời. Tôi hoài niệm cái phố đấy, bao gồm những con người nói như nhạc sĩ Dương Thụ là sống nặng về tinh thần. Có thể nghèo hơn bây giờ rất nhiều nhưng người ta có một đời sống tinh thần rất phong phú. Những chiều cuối tuần, người ta đến điểm khiêu vũ, đến các CLB, đi xem phim hay bàn thảo những câu chuyện về xã hội, về con người có tính nhân văn. Tôi thấm đẫm tinh thần sống đó”.
Phố Hoài của Trần Thị Trường dù được viết với lời văn nhẹ nhàng mơ mộng nhưng sự thật bên trong là một thái độ dũng cảm thẳng thắn dám nhìn vào sự thật, dám phê phán những sai lầm những hiện thực mà nhà văn đã chứng kiến trong quá khứ.
“Không có gì quá đáng khi bảo rằng, Phố Hoài là một bảo tàng ngôn ngữ về thời bao cấp, về thời dại dột, về thời lãng mạn và điên rồ, về thời đau khổ đầy hãnh diện nhưng cũng nhiều oán hận, vừa đáng ghi nhớ vừa muốn quên đi thật nhanh. Ở đó con người sống, yêu và làm việc như chạy trốn, một cuộc chạy trốn tuyệt vọng để cuối cùng chỉ tìm thấy một lối thoát duy nhất là phải tiếp tục dấn thân mạnh mẽ hơn vào chính cái cuộc đời đáng sợ ấy”, nhà văn Tạ Duy Anh nhận xét.
Trần Thị Trường (sinh 1950 tại Tuyên Quang) là một nhà văn nữ hiện đại Việt Nam tiêu biểu. Bà còn được biết tới với vai trò nhà báo, họa sĩ. Sau khi học Báo chí, Mỹ thuật, bà từng có thời gian sống ở Bulgaria (1981 - 1985).
Nhà văn Trần Thị Trường được xem là một trong những người say mê viết về thân phận phụ nữ. Các trang viết của bà xuất phát từ thực tế cuộc sống và sự trải nghiệm từ các chuyến đi nhiều nước trên thế giới.
Các bút danh đã dùng là Thu Thủy, Hưng Quang.
Tiểu Vũ