Chiều 20.4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đại diện các NXB về công tác xuất bản, phát hành SGK, đồ dùng dạy học cho năm học mới.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết việc đổi mới giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là việc thay đổi, biên soạn, thẩm định SGK.
"Chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm từ thực tế triển khai chương trình sách giáo khoa mới với lớp 1 và thống nhất tiếp tục trên tinh thần vì đổi mới nền giáo dục, đứng về phía lợi ích của học sinh và có trách nhiệm giải đáp đầy đủ, kịp thời những quan tâm của dư luận, đặc biệt của phụ huynh học sinh và đội ngũ giáo viên", Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, việc biên soạn, thẩm định SGK cũng được thực hiện trên tinh thần minh bạch, cầu thị. Bộ GD-ĐT đã tổ chức thẩm định và phê duyệt danh mục SGK lớp 1 (gồm 46 cuốn SGK, tương ứng với 5 bộ) áp dụng từ năm học 2020-2021; danh mục SGK lớp 2 (gồm 32 cuốn SGK của 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng SGK môn tự chọn Tiếng Anh) và danh mục SGK lớp 6 (gồm 40 cuốn SGK của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc) áp dụng từ năm học 2021-2022.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục đôn đốc các tỉnh, thành phố lựa chọn các bộ SGK mới, phù hợp để phụ huynh học sinh hiểu thêm nội dung, kịp chuẩn bị cho công tác in ấn. Cả hai Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính cần làm việc với nhau để đưa ra quyết định phù hợp nhất về khổ sách, chất lượng giấy, in ấn, đặc biệt về giá sách như các báo vừa nêu ra thời gian qua.
Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các khâu liên quan khuyến khích giữ gìn, sử dụng lại SGK để tiết kiệm cho xã hội. Bộ GD-ĐT nên ứng dụng công nghệ thông tin để chia sẻ SGK cũ cho những người có nhu cầu.
Bên cạnh vấn đề về SGK, sách tham khảo (STK) cũng là mối quan tâm lớn của phụ huynh học sinh, dư luận xã hội. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ đã tiến hành rà soát tình hình sử dụng sách tham khảo trong trường học và đã có chỉ đạo chính thức.
Trong quá trình đổi mới SGK theo hình thức “cuốn chiếu”, trong những năm tới đây, yêu cầu đặt ra đối với SGK gắn với phương thức giảng dạy mới thì nội dung trong SGK đã đảm bảo đầy đủ kiến thức cần thiết cho học sinh. Thông qua nhiều biện pháp tổng hợp, đặc biệt hướng dẫn công tác đánh giá (kiểm tra, thi cử) sử dụng kiến thức SGK, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định trong trường học chỉ sử dụng chính thức SGK, còn STK chỉ sử dụng rất hạn chế. Các trường học có thể mua STK để trong thư viện để giáo viên tham khảo, làm phong phú thêm kiến thức và một số rất ít học sinh có năng khiếu đặc biệt cần mua thêm để sử dụng.
"Bộ GD-ĐT cơ bản không khuyến khích học sinh dành quá nhiều thời gian cho sách tham khảo, ngoài một số em học sinh có năng khiếu đặc biệt. Nhất là các cháu ở bậc tiểu học thì đổi mới phương pháp dạy và học để giảm áp lực, để học mà chơi, chơi mà học", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nói.
Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo để có đầy đủ các tiết dạy minh họa; với các chủ đề khó, bài khó, tiếp tục có bài giảng minh họa chuyên sâu. Bộ GD-ĐT cũng đã phát động và sẽ đẩy mạnh việc khuyến khích các giáo viên cùng tham gia có bài giảng hay, tiết giảng hay và chia sẻ trên hệ thống công nghệ thông tin của ngành. Làm tốt việc này là giải pháp hữu hiệu để rút ngắn khoảng cách giảng dạy giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.