Ngày 5.1, Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Theo dòng thời sự

Phó thủ tướng Lê Minh Khái: 'Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới'

Lam Thanh 05/01/2024 14:00

Ngày 5.1, Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Điểm sáng trong bức tranh thế giới không mấy sáng sủa

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, năm 2023 đi qua với thách thức nhiều hơn cơ hội. Tuy nhiên, tình hình KT-XH tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

“Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới”, Phó thủ tướng Khái nêu.

Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cả năm tăng 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỉ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022; khu vực nông nghiệp là điểm sáng, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế; bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn nhiều so với giới hạn và ngưỡng cảnh báo.

khai-2.jpeg
Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 683 tỉ USD; xuất siêu khoảng 28 tỉ USD (nhiều nhất từ trước đến nay), góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Đầu năm 2023 khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam, giữa năm khánh thành 9 dự án, cuối năm khánh thành đồng loạt 4 dự án ngành giao thông; đưa vào sử dụng trong năm 2023 là 475km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là khoảng 1.900km.

Điều tra gần 3.000 bị can phạm tội tham nhũng

Qua thanh tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, kiến nghị thu hồi tiền về cho ngân sách nhà nước tăng 7,6%, chuyển cơ quan điều tra tăng 12,5% số vụ so với năm 2022. Các cơ quan điều tra của Bộ Công an đã thụ lý điều tra trên 1.100 vụ án với gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng.

Chính trị - xã hội ổn định, tiềm lực quốc phòng - an ninh được nâng lên; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là về chiến lược.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng, bài bản, liên tục, thành công toàn diện. Đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chúng ta đã đón tiếp Tổng bí thư-Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Mỹ và nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo các nước.

Năm qua cũng đã có nghị quyết về chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém; triển khai đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo kết luận của Bộ Chính trị và đạt kết quả tích cực, nợ xấu và lỗ lũy kế giảm dần, đến cuối năm 2023 lỗ lũy kế giảm 12%.

Tiếp tục xử lý hiệu quả bước đầu 8/12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, nhất là 3 dự án nhà máy phân bón (năm 2023, cả 3 nhà máy đều duy trì hoạt động và có lãi, cung cấp phân bón ổn định cho trong nước và xuất khẩu).

Quyết liệt xử lý, tháo gỡ bất cập, khó khăn của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, đã đưa vào hoạt động sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…

Vẫn còn nhiều tồn tại

Tuy nhiên, báo cáo của chính phủ cũng chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực, thế giới song chưa đạt mục tiêu đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu là suy giảm tổng cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước là thị trường lớn, truyền thống của ta…

Sản xuất và cung ứng điện cơ bản đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu điện cục bộ trong tháng 5 - 6.2023 chủ yếu do khâu điều độ, truyền tải và phân phối còn bị động, lúng túng.

khai.jpeg
Phó thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ trong, ngoài nước suy giảm.

Tiếp cận tín dụng còn khó khăn. Thị trường bất động sản dù được cải thiện nhưng còn trầm lắng chủ yếu do bất cập về phân khúc và vướng mắc về pháp lý. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được tháo gỡ và tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhưng còn tiềm ẩn rủi ro.

Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, trong đó có việc đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.

Tốc độ tăng năng suất lao động chưa đạt yêu cầu chủ yếu là do tăng trưởng chưa cao và tỷ trọng lao động phi chính thức còn nhiều. Thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đầu tư còn rườm rà. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn còn diễn ra ở một số nơi, do còn tâm lý e ngại, sợ sai tại một số cơ quan, cơ sở y tế. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với KH-CN và đổi mới sáng tạo chưa chuyển biến rõ nét do cơ chế, chính sách còn chưa phù hợp với thực tiễn, đầu tư còn dàn trải, chưa hiệu quả…

An ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm mạng.

Công tác phòng chống cháy nổ còn để xảy ra một số vụ việc, tai nạn nghiêm trọng, như vụ cháy chung cư "mini". Thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề.

Bài liên quan
Kỹ thuật giúp lúa sống chung với nắng hạn của Việt Nam được ca ngợi
Trên Bưu điện Nam Hoa, Mohammad Yunus đã có bài viết về tình hình nắng nóng đe dọa cây lúa ở Đông Nam Á, đồng thời ca ngợi các sáng kiến chống khô hạn - trong đó có sáng kiến của nông dân Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thủ tướng Lê Minh Khái: 'Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới'