Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp (DN) vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cắt giảm ngay thủ tục không cần thiết

Lam Thanh | 26/11/2020, 12:41

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp (DN) vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết.

Sáng 26.11, phiên toàn thể của Diễn đàn logistics Việt Nam 2020 với chủ đề "Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế" đã diễn ra.

hoi-nghi.jpg
Toàn cảnh diễn đàn

Khuyến khích đầu tư cho R&D

Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng ngành logistics Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á, với quy mô 40-42 tỉ USD.

Tuy nhiên, chi phí logistics hiện nay còn cao. Đối với Hà Nội, hiện nay, các DN logistics mới đáp ứng 25% nhu cầu của thành phố.

Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn về giao thương của cả nước và khu vực, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, trong đó có hạ tầng logistics.

Theo đó, ông Huệ cho rằng cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực logistics, trong đó khuyến khích DN logistics đầu tư cho hoạt động R&D thành lập các trung tâm nghiên cứu riêng.

Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 trong các dịch vụ logistics như ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa, ứng dụng công nghệ in 3D nhằm giảm thiểu thời gian lưu kho và sản xuất.

Đồng thời, sử dụng hệ thống quản lý vận tải, kết hợp công nghệ điện toán đám mây và định vị vệ tinh cho phép DN truy xuất vị trí hàng hóa, quản lý phương tiện vận chuyển tại các khu vực hẻo lánh hoặc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường giúp nhận diện nhanh chóng thông tin lô hàng, từ đó đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới liên kết các DN logistics bảo đảm sự kết nối giữa các chủ thể tham gia, chú trọng và phát triển nâng cao chất lượng nhân lực logistics 4.0.

Ông Vương Đình Huệ cho rằng, cần phát triển các giải pháp logistics mới nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm như sử dụng năng lượng tái tạo tại các khu cảng, kho vận và phương tiện vận chuyển, tính toán và cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong hoạt động logistics, sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường khi vận chuyển trong thành phố.

ha-noi.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu

“Qua chủ đề của diễn đàn logistics năm nay, chúng ta có thể thấy mục tiêu quan trọng nhất của diễn đàn chính là sự gắn kết và chủ động thích ứng cùng nhau vượt qua ‘điểm nút’ chi phí logistics đã tồn tại lâu nay để có thể chuyển hóa thành ‘bước nhảy’ về dịch vụ logistics của Việt Nam vượt qua dịch bệnh COVID-19 phát triển trong giai đoạn tới.

Đồng thời, diễn đàn cũng là dịp để các doanh nhân, các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế và trong nước trao đổi, thảo luận về phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại, ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu.

Theo ông Trần Tuấn Anh, trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 439 tỉ USD, tăng 2,62%; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 229,7 tỉ USD, tăng 4,7%. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hàng loạt quốc gia trên thế giới đều tăng trưởng âm kim ngạch xuất nhập khẩu thì kết quả trên cho thấy sức sống, sức bền của nền kinh tế Việt Nam.

Theo người đứng đầu ngành công thương, tính chung trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bưu chính, chuyển phát, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng trên 30.000 DN.

Trong đó, chủ yếu là DN vận tải đường sắt, đường bộ và đường ống (59,02%). Tiếp đó là DN kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%). Còn lại là DN vận tải đường thủy (5,27%), vận tải hàng không (0,02%) và DN bưu chính chuyển phát (2,34%).

Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, trị giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, trong thời gian vừa qua dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 12-14%. Tỷ lệ DN thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, điểm sáng trong hoạt động thương mại thời gian vừa qua là xu hướng chuyển đổi thói quen mua sắm của người dân, ứng dụng mua sắm trực tuyến nhiều hơn.

Điều này sẽ kéo theo việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hóa trong lĩnh vực thương mại và logistics, qua đó đem lại nhiều lợi ích to lớn cho DN thương mại điện tử, cho hộ kinh doanh cá thể, cá nhân... nhờ việc giảm chi phí thuê cửa hàng, chi phí bán hàng, trong khi lại mở rộng được thị trường trên môi trường mạng internet.

Về lĩnh vực logistics, Bộ trưởng cho rằng, các cam kết mở cửa thị trường lĩnh vực dịch vụ logistics trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới không quá xa so với các cam kết của Việt Nam trong WTO và cơ bản là phù hợp với các quy định pháp luật và chính sách hiện hành.

Theo đó, các hiệp định này có thể tác động tới việc cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải, cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ.

“Trong cả hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh DN logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao”, Bộ trưởng đánh giá.

Tại diễn đàn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, thời gian tới, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%. Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

“Để thực hiện định hướng và mục tiêu nêu trên, tôi yêu cầu các bộ, ngành và địa phương theo chức năng và nhiện vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các DN vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết”, Phó thủ tướng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cắt giảm ngay thủ tục không cần thiết