Quy hoạch vùng ĐBSCL được tiến hành theo hướng biến thách thức thành cơ hội, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và xu hướng xâm nhập mặn.

Phát triển Vùng ĐBSCL: Biến thách thức thành cơ hội

Lam Thanh | 24/11/2020, 11:14

Quy hoạch vùng ĐBSCL được tiến hành theo hướng biến thách thức thành cơ hội, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và xu hướng xâm nhập mặn.

Tại cuộc họp báo chiều muộn ngày 23.11 về Hội nghị Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch.

hop-bao.jpg
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương

Qua quá trình tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, đa số ý kiến thống nhất với quan điểm phát triển vùng ĐBSCL trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng về nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng và lợi thế của các ngành kinh tế biển.

Cùng với đó là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chống chịu thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước theo phương châm “sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn”.

Trong thời gian gần đây, theo ông Phương, vùng ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng thấp so với các vùng khác, nguyên nhân do vùng dựa chủ yếu vào nông nghiệp trong khi lĩnh vực nông nghiệp có tỷ lệ đóng góp và tốc độ thấp hơn so với dịch vụ và công nghiệp.

Yêu cầu đặt ra đối với vùng này là phải trở thành vùng động lực phát triển của cả nước. Trong khi đó, qua đánh giá của các chuyên gia thì đây lại là vùng dễ bị tổn thương nhất, thách thức đầu tiên đối với vùng đó là vấn đề nguồn nước. Đó là yếu tố quan trọng bậc nhất để phát triển vùng, nước ngọt của sông về vùng ĐBSCL bị tác động rất lớn bởi nước đầu nguồn, hệ lụy xâm nhập mặn, những mô hình canh tác bị phá hủy.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cũng cho rằng thách thức của nội vùng đó là việc khai thác nguồn nước chưa bền vững. Vùng phụ thuộc nhiều vào lượng phù sa của các dòng sông, nhưng đến nay độ phù sa đã giảm đi. Việc sử dụng nhiều hóa chất đã làm xói mòn đất, tài nguyên đất bị cạn kiệt.

Thách thức nữa là về dân số. Vùng này đang phải đối mặt với thực trạng là việc di cư từ vùng sang các vùng khác. Qua đánh giá của các chuyên gia, có hai nguyên nhân là do sự hấp dẫn của các vùng khác và khó khăn tại vùng ĐBSCL.

Vì vậy, sinh kế tại Vùng ĐBSCL cần được nâng lên. Cùng với đó, trình độ năng lực, hạ tầng của vùng ĐBSCL thấp hơn so với các vùng khác, hạ tầng nhỏ bị phân tán do nguồn lực có hạn, sông ngòi chia cắt, muốn xây dựng hạ tầng đồng bộ thì tốn nhiều chi phí hơn các vùng khác, hạ tầng không đảm bảo thì không thể phát triển nhanh và bền vững.

Ông Phương cho biết Bộ KH-ĐT đã thể hiện được một quan điểm mới là nhìn nhận Vùng ĐBSCL không thuần túy là khó khăn mà cần biến thách thức thành cơ hội, phát triển tập trung và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Một trong những điểm mới trong dự thảo quy hoạch vùng ĐBSCL là phương án phân tiểu vùng sinh thái nông nghiệp. Thay cho việc phân tiểu vùng chỉ dựa trên 2 vùng chính là vùng ngọt và vùng mặn trong các quy hoạch trước đây, việc phân tiểu vùng theo dự thảo quy hoạch mới đã được điểu chỉnh theo hướng coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt.

Qua đó, biến thách thức thành cơ hội, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và xu hướng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng.

Qua quá trình tham vấn ý kiến bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, đa số ý kiến thống nhất với quan điểm phát triển vùng ĐBSCL trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng. Tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề chính, như việc xác định vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL trong tổng thể phát triển quốc gia, quốc tế và đặc biệt là mối quan hệ với các nước trong ASEAN, vùng Đông Nam Bộ và TP. HCM?

“Có nên xác định vùng ĐBSCL sẽ trở thành một vùng tương đối độc lập, có hạ tầng kết nối quốc gia, quốc tế riêng để đảm bảo tính tự chủ cao hơn từ sản xuất, chế biến cho đến phân phối, xuất khẩu; hay là xem vùng ĐBSCL như một vùng kinh tế mở, liên kết chặt chẽ với vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ để trở thành một khối thống nhất cho toàn bộ khu vực phía Nam?", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu vấn đề.

Về phát triển thủy sản, thuỷ sản gần đây được coi là trọng tâm mới của nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, nhưng rủi ro rất lớn do ô nhiễm và đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn nếu muốn đảm bảo kỹ thuật, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, khả năng cung cấp hạ tầng nước phục vụ thuỷ sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa khô. Thay cho việc đề cao thủy sản, định hướng phát vùng ĐBSCL thời kỳ tới chú trọng phát triển lĩnh vực rau, hoa, màu, trái cây và chăn nuôi, xem đây là những lĩnh vực có là tiềm năng lớn do đa dạng về sản phẩm, công nghệ, nuôi trồng, chế biến và ít phụ thuộc vào tài nguyên hơn, đặc biệt là tài nguyên đất và nước. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều địa phương trong vùng đang muốn phát triển thủy sản. Do đó, đây cũng là một nội dung được thảo luận làm rõ thêm.

Bài liên quan
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
41 phút trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển Vùng ĐBSCL: Biến thách thức thành cơ hội