Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Quốc hội đặt ra mục tiêu đến năm 2020 ít nhất 50% số người có hợp đồng lao động được đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng hiện mới đạt 24,1%.
Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH)tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng năm 2017, kết quả điều tra tình hình lao động, tiền lương năm 2016 tại 200 doanh nghiệp cho thấy, thu nhập bình quân/tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đạt 6,03 triệu đồng, tăng 5,4% so với năm 2015.
Trong đó doanh nghiệp nhà nước đạt 7,75 triệu đồng, tăng 2,78% so với năm 2015; doanh nghiệp FDI đạt 5,7 triệu đồng, tăng 6,74% do với năm 2015; doanh nghiệp dân doanh đạt 6,04 triệu đồng tăng 7,86% so với năm 2015.
Năm qua, ngành cũng tạo việc làm cho khoảng 1.641 nghìn người, đạt 102,5% kế hoạch; trong đó, tạo việc làm trong nước cho 1.515 nghìn người, đạt 101% kế hoạch. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị là 3,18 %.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Hồng Lan nhấn mạnh, nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao cho Bộ đã hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu.
“Năm 2016, mức độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội tăng lên, ngành LĐ-TB-XH đã cơ bản đảm bảo các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Khoảng 81% người cao tuổi, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng. Bộ đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về đối tượng bảo trợ xã hội trên phạm vi cả nước…”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị tổng kết, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những thành tựu của ngành đồng thời nêu một số vấn đề cần khắc phục.
Phó thủ tướng cho biết, việc tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, nhưng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, Bộ LĐTB-XH phải nắm cụ thể, chính xác và chủ động được những số liệu về nhu cầu việc làm, số việc làm mới tạo ra… thay vì lấy qua nguồn của Tổng cục Thống kê.
Về công tácxuất khẩu lao động, Phó thủ tướng cho rằng Bộ cần phải chấn chỉnh nghiêm các đơn vị đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài:“Nếu chúng ta làm không nghiêm thì thị trường lao động sẽ không bền vững.Mới đây, tôi phải làm một việc rất không vui là phải ký hai văn bản gửi cho hai đồng chí Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH, yêu cầu phải rà soát lại tất cả các đơn vị cử du học sinh kể cả du học sinh học đại học, thực tập sinh đi học tập và lao động tại nước ngoài”, Phó thủ tướng nói.
Tương tự, Phó thủ tướng cũng chỉ rõ, những số liệu về kết quả hoạt động giới thiệu việc làm hay phát triển BHXH, bảo hiểm thất nghiệp hiện mới chỉ được thống kê từ nguồn BHXH Việt Nam mà gần như bỏ qua những DN, đơn vị bên ngoài.
“Quốc hội đặt ra mục tiêu đến năm 2020 ít nhất 50% số người có hợp đồng lao động được đóng BHXH nhưng hiện chúng ta mới đạt 24,1%. Đây là khoảng cách rất lớn và ngành LĐTB-XH phải có trách nhiệm xem xét, tiếp cận hệ thống bảo hiểm của chúng ta theo đúng quốc tế gồm phần từ ngân sách nhà nước và cả bảo hiểm thương mại”, Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng: "Trong số những người đã có hợp đồng lao động theo quy định của luật thì chủ DN phải đóng bảo hiểm. Chúng ta còn 2 triệu người chưa đóng, trách nhiệm thuộc về ai, tuân thủ pháp luật thế nào. Tôi đề nghị việc này Bộ phải rà soát, có những thứ đã chỉ đạo rồi thì địa phương phải vào cuộc. Vừa rồi bảo hiểm y tế (BHYT) làm được vì Thủ tướng ký quyết định giao chỉ tiêu cho từng tỉnh, tới đây BHXH cũng phải làm như vậy”.
“Trong lĩnh vực bảo hiểm, có 82% người dân tham gia BHYT còn các DN bảo hiểm bên ngoài đang quản lý trên 16 triệu hợp đồng bảo hiểm thương mại. Chúng ta không thể thống kê trong số đó bao nhiêu người đã mua BHYT từ BHXH Việt Nam. Tương tự chúng ta mới chỉ nắm được số liệu chính thức từ BHXH Việt Nam là có 24,1% người lao động được đóng BHXH mà không có số liệu từ các DN bảo hiểm bên ngoài. Việc này tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại là thách đố rất lớn” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc quản lý đào tạo nghề tập trung về Bộ LĐ-TB-XH được kỳ vọng tạo chuyển biến rất tích cực đối với công tác này nhưng đi cùng với đó là trách nhiệm không nhỏ.
“Tỉ lệ đào tạo cao đẳng ít hơn so với đại học mà thất nghiệp lại cao hơn. Bây giờ trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Bộ LĐ-TB-XH. Sắp tới chúng ta sẽ có một hội nghị toàn quốc bàn về đào tạo nghề và chắc chắn đổi mới trong lĩnh vực này phải thực sự có tính cách mạng, triệt để. Nếu chúng ta chỉ đổi mới từng chút một thì tình hình sẽ không chuyển”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh việc triển khai đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với tinh thần cố gắng hoàn thành sớm nhất có thể thay vì kéo dài 5 năm như kế hoạch. Triển khai đồng bộ việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với các trường hợp đề nghị công nhận là thương binh, liệt sĩ. Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ...
Đánh giá cao hiệu quả trong việc thuê dịch bưu điện, ngân hàng chi trả chế độ, trợ cấp cho người có công, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội… mà Bộ LĐ-TB-XH triển khai tại một số tỉnh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đây là việc cần làm, là xu thế không thể đi ngược. Bộ phải mở rộng ra toàn quốc.
“Không nên tiếp tục để bộ máy hành chính đi làm những việc hoàn toàn có thể thuê dịch vụ”, Phó thủ tướng nói.
Hoàng Long