Khẳng định bộ sách giáo khoa (SGK) sẽ phải được dùng lại để tránh lãng phí, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ GD-ĐT phải có văn bản quy định chặt chẽ về việc này.
Mới đây, văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 346/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên họp Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực. Theo đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD-ĐT cần ra văn bản quy định chặt chẽ việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo, xử lý nghiêm các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo. Chỉ đạo các khâu liên quan khuyến khích giữ gìn, sử dụng lại sách giáo khoa để tiết kiệm cho xã hội. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ phát triển học liệu điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối, tạo kênh phân phối để sách giáo khoa đến tận tay học sinh, đảm bảo không thiếu sách giáo khoa, tiết kiệm và chống sách lậu. Phó Thủ tướng khẳng định: “Sẽ không có chuyện SGKdùng một năm rồi bỏ đi. Bộ GD-ĐT phải tiếp tục quán triệt điều này”.
Ủng hộ quan điểm SGK cần được sử dụng lại tránh gây lãng phí, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết nước ta nền kinh tế vẫn còn nghèo, thu nhập của người dân còn thấp nên việc biên soạn, sử dụng SGK cũng sẽ khác. "Chúng ta chưa giàu nếu không muốn nói vẫn là quốc gia nghèo nên việc tham khảo kinh nghiệm của các nước giàu để áp dụng nguyên xi vào Việt Nam là không phù hợp. Việc thay đổi, chỉnh lý cũng tùy thuộc vào các môn học. Trong đó, các môn khoa học tự nhiên thường ít thay đổi hơn so với các môn khoa học xã hội - nhân văn, đặc biệt là địa lý, lịch sử. Việc cập nhật nội dung thay đổi là cần thiết nhưng cập nhật như thế nào là câu chuyện cần bàn. Chẳng hạn, việc bỏ đi hoàn toàn, thay sách cũ bằng sách mới khác cũng là một cách cập nhật nhưng với điều kiện của một quốc gia còn nghèo như chúng ta hiện nay, cách làm này không phù hợp. Chúng ta hoàn toàn có thể chỉnh lý bằng cách thay một bài hoặc mộtđoạn bằng cách đính kèm".
Còn GS.TS Nguyễn Lân Dũng thì cho rằng Bộ GD-ĐT ngoài việc sử dụng lại các bộ SGK cho các em học sinh thì cần tách bạch, công khai sách tham khảo với SGK riêng. “Các nước có sách tham khảo nhưng không phải là bắt buộc mà ai muốn đọc gì thì đọc, nhất là các giáo viên để giảng dạy cho phong phú chứ không phải là học sinh buộc phải mua. SGK thì cần đưa đến tận tay học sinh chứ sách tham khảo thì không cần".
Đưa ra ý kiến của mình khi được hỏi bộ SGK sẽ được sử dụng lại trong nhà trường, bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Hiệu trưởng trường tiểu học Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội cho biết nếu các giáo viên không hướng dẫn cụ thể học sinh để học sinh viết vào sách sẽ gây lãng phí SGK vì vẫn có những môn các giáo viên thường để học sinh ghi luôn vào sách để giảm tải cho học sinh không cần mang quá nhiều sách đến trường. "Để tranh lãng phí và để sau còn có thể tái sử dụng được thì các giáo viên nên hướng dẫn học sinh dùng bút chì để ghi câu trả lời vào sách. Với cách làm này SGK sẽ được sử dụng lại một cách triệt để, không gây lãng phí",bà Mai chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, hiện nayBộ GD-ĐT đang yêu cầu Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam kiểm tra, rà soát đánh giá cụ thể việc in ấn và phát hành SGK để có đề xuất chỉnh sửa cụ thể thiết kế nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK, gây lãng phí. Bộ GD-ĐT đã quán triệt với các nhà xuất bản tham gia biên soạn SGK và các hội đồng thẩm định quốc gia về vấn đề này để khắc phục tình trạng học sinh viết vào SGK, tránh lãng phí như hiện nay.
Bài, ảnh: Dạ Thảo