Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết luật quy định rất rõ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về các khâu của sách giáo khoa (SGK).

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Sai sót SGK thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Lam Thanh | 04/11/2020, 10:42

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết luật quy định rất rõ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về các khâu của sách giáo khoa (SGK).

Ngày 4.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.

pho-thu-tuong.jpg
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình), Đại biểu Quách Thế Tản (tỉnh Hòa Bình) cho rằng từ khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc phát triển đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mưới giáo dục còn khó khăn. Nhiều địa phương vẫn thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Cơ sở vật chất, trường lớp còn thiếu, xuống cấp, đặc biệt tại miền núi.

Công tác quản lý sách giáo khoa, sách tham khảo còn bất cập, một số nội dung chưa phù hợp. việc dạy đạo đức, lối sống cho học sinh chưa có chuyển biến căn bản.

Đại biểu đề nghị thời gian tới ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa để đến chất lượng thẩm định, phê duyệt các bộ SGK, có giải pháp khắc phục những nội dung chưa phù hợp trong các cuốn SGK đã được phát hành, sửa đổi, bổ sung các khâu giám sát, thẩm định, phê duyệt đối với các cuốn SGK tiếp theo.

ĐB Bùi Văn Phương cho rằng việc việc tranh luận giữa các đại biểu ở nghị trường là điều hết sức bình thường. Ông cho biết một số vấn đề cử tri phản ánh về SGK thì trước khi dự họp Quốc hội, ông đã tiếp xúc với cử tri ngành giáo dục, nghe các thầy cô vì sao chọn sách này hay sách kia.

“Nói đây không phải để bênh Bộ GD-ĐT mà là rất khách quan. Sách Tiếng Việt 1 có lỗi, có sạn nhưng không đến mức như các ý kiến vừa phát biểu. Theo đó, khi giảng dạy đến bài đó thì giáo viên sẽ thay đổi lại. ĐB Thảo đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc với một số lỗi của SGK là hơi quá mức”, ông Phương nói.

Trước đó, tại phiên thảo luận, ĐB Đặng Thị Phương Thảo cho rằng SGK cho học sinh lớp 1 có nhiều bất cập “cần phải nhìn nhận lại” như giá thành cao; một số nơi bắt học sinh mua sách tham khảo.

Ngoài ra, SGK ở một số bộ sách còn có sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic, chưa khai thác được kho tàng văn hóa của Việt Nam, dẫn tới giáo viên vừa dạy, vừa phải điều chỉnh.

“Đáng nói, những tồn tại này chỉ đến khi chính thức đưa vào sử dụng mới bộc lộ, mà không được phát hiện sớm hơn trong quá trình biên soạn, thẩm định”, bà Thảo nói và bày tỏ “đã sai thì bắt buộc phải sửa, không thể để thế một hệ học sinh trẻ phải học SGK sai sót như vậy”.

Bà Thảo đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm dừng thực hiện các bộ SGK lớp 1 đang lưu hành trên thị trường để khẩn trương rà soát chỉnh sửa.

Bà Thảo còn đề nghị, làm rõ mức độ sai sót ở từng khâu để tiến hành xử lý hay kỷ luật các cá nhân khi có dấu hiệu sai phạm. “Để tránh làm bức xúc trong nhân dân, cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra”, bà Thảo nói.

Liên quan đến vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết nhiều ĐBQH, các nhà văn hóa, giáo viên... cho đến người dân đều phải ánh về sách giáo khoa. “Chúng tôi nhận thấy đó đều là những ý kiến tâm huyết”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết hiện nay chúng ta đang thực hiện đổi mới giáo dục, kỳ họp nào cũng có vấn đề liên quan đến giáo dục mà cử tri quan tâm. Luật cũng quy định rất rõ ai phải chịu trách nhiệm về sách giáo khoa. Cụ thể là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về các khâu đó.

“Thủ tướng nhắc rất nhiều lần, Phó thủ tướng họp 2 lần với Bộ GD-ĐT và cá nhân tôi có nhiều lần trao đổi riêng. Sai đến đâu, sai thế nào thì phải cơ quan chuyên môn, ngay như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nói với tôi là Bộ trưởng không có chuyên môn dạy ngữ văn lớp 1, do đó tôi nghĩ vấn đề này cần cơ quan chuyên môn đánh giá”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Cũng theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã báo cáo rằng Bộ đã nhìn nhận là có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ GD-ĐT và theo luật thì cá nhân Bộ trưởng chịu trách nhiệm. Bộ trưởng cũng đã có những động thái vào cuộc như đã thay chủ tịch hội đồng thẩm định SGK.

“Trong các cuộc họp nội bộ chúng tôi dùng từ nghiêm túc và nghiêm khắc, để các năm sau không còn tình trạng như thế này nữa”, Phó thủ tướng nói.

Cũng theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, có rất nhiều việc Bộ GD-ĐT không thông tin kịp thời và trao đi đổi lại cần thiết. Trước đây là 1 chương trình 1 bộ SGK còn bây giờ là 1 chương trình nhiều bộ SGK.

“Các cô giáo cho biết có thể ví dụ là trước đây 1 chương trình 1 bộ SGK là áo dài, đồng phục 1 màu, 1 kiểu, bây giờ 1 chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là chỉ quy định mặc áo dài, còn màu sắc, chất liệu không quy định. Tuy nhiên, dù sao thì chất lượng áo dài phải tốt bằng hoặc tốt hơn ngày xưa, chứ không thể để kém hơn”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo Phó thủ tướng, việc này Bộ GD-ĐT không thể nào hoàn thành được nếu không có sự tham gia của đông đảo các giáo viên và người dân. Do đó, Bộ cần phải đưa các dự thảo lên sớm để đông đảo xã hội đóng góp.

Giải trình tại Quốc hội hôm qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã thẩm định, phê duyệt 46 bộ SGK thuộc 5 bộ sách của ba nhà xuất bản, trong đó, sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc Bộ sách Cánh Diều thời gian qua được cử tri và nhân dân góp ý.

phung-xuan-nha.png
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ đã kiểm tra nghiên cứu ý kiến góp ý của nhân dân, nhà khoa học… thấy nội dung sách Tiếng Việt lớp 1 (một trong 46 sách) có dữ liệu chưa được phù hợp. Từ đó, Bộ đã chỉ đạo tất cả các nhà xuất bản phải rà soát các bộ sách khác.

Cũng theo Bộ trưởng, một chủ trương lớn là đổi mới chương trình, đặc biệt là SGK phải có lộ trình. Theo Nghị quyết 51, việc thực hiện đổi mới SGK trong lộ trình 5 năm, năm nay là năm đầu tiên thực hiện, khối lượng nhiều (46 cuốn).

“Cả ngành Giáo dục đã cố gắng nhưng khó tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện tốt hơn”, Bộ trưởng Nhạ nói thêm.

Theo ông Nhạ, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 21 trong đó nói rõ không được ép học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

“Rất tiếc là thời gian qua, cá biệt có một số nhà trường chưa thực hiện tốt quy định này. Bộ đã chỉ đạo các địa phương và trực tiếp thanh tra, chấn chỉnh. Tới đây, chúng tôi sửa Thông tư 21 theo hướng tăng chế tài để quản lý chặt sách tham khảo…”, ông Nhạ cho biết.

Bài liên quan
TP.HCM dự kiến áp dụng bộ sách giáo khoa riêng vào năm sau
Bộ sách theo định hướng phát triển tư duy, tăng tính ứng dụng thực tiễn... dự kiến được áp dụng vào năm sau.

(2) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Sai sót SGK thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT