“Tôi không biết nói gì hơn và tha thiết đề nghị Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trong thời điểm này, nhường một phần vắc xin để TP.HCM tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Mong các tỉnh nhường vắc xin cho TP.HCM
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ giao Bộ Y tế phân bổ vắc xin phòng COVID-19 cho các địa phương nhưng trong lúc này, tình hình tại khu vực TP.HCM đã khác.
Theo đó, chiến lược hiệu quả nhất lúc này đối với khu vực TP.HCM là phải tập trung tiêm vắc xin hết cho người dân trong thời gian sớm nhất có thể để tạo miễn dịch cộng đồng. Sau đó, sẽ khoanh gọn khu vực này, không để dịch lây lan ra khu vực khác. Điều này rất quan trọng bởi vì vắc xin chỉ có đầy đủ tác dụng bảo vệ sau khoảng 1,5 tháng.
Theo Phó thủ tướng, người tiêm vắc xin rồi vẫn có thể bị nhiễm và lây cho người khác nhưng tỷ lệ diễn biến bệnh nặng sẽ ít đi. Nếu không, số người bị bệnh nặng và tử vong sẽ rất nhiều, khi toàn bộ hệ thống điều trị, dù có tăng cường chi viện thêm, nhưng sau thời gian dài sẽ vô cùng mệt mỏi, để lây nhiễm trong đội ngũ y tế.
Hiện nay, lô vắc xin nào về Bộ Y tế cũng đứng trước sức ép ký phân bổ ngay cho các địa phương, dù có ưu tiên cho Hà Nội, TP.HCM nhưng sẽ không đủ thực hiện chiến lược có miễn dịch cộng đồng sớm nhất cho khu vực TP.HCM.
“Tôi trực tiếp chứng kiến tận mắt những vất vả của nhân dân và lực lượng chống dịch TP.HCM. Tôi nhận thức sâu sắc nguy cơ tỷ lệ tử vong rất cao nếu chúng ta chậm tiêm vắc xin cho người dân TP.HCM để đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể.
Tôi không biết nói gì hơn và tha thiết đề nghị Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trong thời điểm này, nhường một phần vắc xin để TP.HCM tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây là tinh thần cả nước hướng về TP.HCM. Thời điểm này từng liều vắc xin cực kỳ quý giá sẽ giúp được TP.HCM chống dịch và cứu được nhiều người hơn”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng nhấn mạnh nếu đạt được sự thống nhất như vậy, TP.HCM sẽ tuyên truyền cho người lao động ngoại tỉnh ở lại tiêm vắc xin. Ông đã bàn với lãnh đạo thành phố, sau khi tiêm xong vắc xin sẽ tổ chức cho công nhân đi làm tiếp, hoặc làm các công việc công ích vừa có thu nhập, giảm bớt cứu trợ, vừa giúp mọi người được lao động trong trạng thái bình thường mới.
Mặc dù quy định, kế hoạch về tiêm vắc xin của Bộ Y tế rất tốt, khoa học nhưng với điều kiện hiện nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị giao cho TP.HCM lập kế hoạch tiêm vắc xin nhanh nhất có thể. Ông sẽ bàn rất kỹ với lãnh đạo TP.HCM về phương án tiêm vắc xin theo cụm thay vì theo đối tượng.
“Nếu lượng vắc xin hiện tại chưa tiêm hết thì những lô vắc xin tới đây sẽ tập trung cho TP.HCM. Còn chung cả nước, chúng ta phải vẫn phải thực hiện nghiêm các văn bản phòng, chống dịch từ trước đến nay, cố gắng khống chế, không để dịch bệnh lan như TPHCM và một số nơi”, Phó thủ tướng nói.
Phải rất cảnh giác, luôn luôn trong tình trạng có dịch
Phó thủ tướng cho biết dịch bệnh sẽ còn căng thẳng cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin hoặc có thuốc đặc trị, còn nếu không, ngay cả khi dập được dịch, các nơi cũng không thể trở lại trạng thái bình thường mà chỉ có thể là bình thường mới. Vì vậy, các địa phương phải rất cảnh giác, luôn luôn trong tình trạng có dịch.
“Chính thức từ ngày 1.4.2020, Thủ tướng Chính phủ công bố toàn quốc có dịch. Đến giờ, vẫn chưa có bất kỳ văn bản nào nói toàn quốc không có dịch. Tất cả các lực lượng y tế, quân đội, công an đều trong tình trạng chống dịch trực chiến”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng yêu cầu phải áp dụng các biện pháp chống dịch sớm hơn một bước, cao hơn một mức.
“Chúng ta phải áp dụng các biện pháp sớm hơn, cao hơn, nhất định không được muộn hơn, thấp hơn”, Phó thủ tướng nêu rõ và lấy ví dụ trong 19 tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện Chỉ thị 16 thì các tỉnh phía nam sông Hậu và Bình Phước chưa đến mức phải làm như vậy nhưng vẫn phải thực hiện. Hoặc đối với TP. Hà Nội, khi hệ thống cảnh báo mức đỏ, Phó thủ tướng đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo thành phố để báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng Chỉ thị 16.
“Chúng ta quyết định giãn cách cả 19 tỉnh với mục đích là để tập trung cao độ thực hiện nghiêm việc giãn cách, củng cố và mở rộng vùng an toàn, từ đó hình thành vành đai an toàn xung quanh khu vực TP.HCM, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh ra, vì phải hàng tháng nữa mới kiểm soát được tình hình ở khu vực này”, Phó Thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cho biết chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên trì chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị. Cụ thể, vẫn phải truy vết, cách ly F0, F1 trừ những nơi thí điểm dần dần cách ly F0 ở nhà an toàn, còn những nơi có ít ca nhiễm thì phải truy vết đến cùng, thậm chí là F2, F3.
Ngoài ra, các địa phương quán triệt tinh thần khoanh hẹp nhỏ nhất có thể. “Khoanh hẹp thì các đồng chí mới có lực lượng để quán triệt, làm nghiêm. Khoanh rộng mà để lỏng thì cực kỳ nguy hiểm. Giống như một khu rừng đang cháy, bao rộng xung quanh nhưng bên trong không làm gì thì sẽ cháy hết”, Phó thủ tướng nói.
Giá bộ xét nghiệm đắt hơn vắc xin mà nhiều nơi dùng quá… thoải mái
Nhấn mạnh công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế gần đây, một số địa phương bắt đầu có xu hướng xét nghiệm quá thoải mái. Trong khi giá thành một bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh còn đắt hơn một liều vắc xin mà nhiều nơi xin hỗ trợ mua hàng trăm nghìn, hàng triệu bộ.
Phó thủ tướng nhắc nhở: “Chúng ta phải tiết kiệm. Dàn hàng ngang xét nghiệm, ngoài việc tốn kém chi phí thì còn rất nguy hiểm vì gây tâm lý chủ quan cho người dân, khi kết quả xét nghiệm nhanh âm tính thì không tuân thủ đầy đủ 5K”.
Phó thủ tướng yêu cầu chính quyền đoàn thể và các tổ chức làm thiện nguyện cùng tham gia chăm lo đời sống hằng ngày cho người dân. Lực lượng làm thiện nguyện giống như lực lượng xung kích chống dịch, phải được tổ chức, phát phù hiệu, tiêm vắc xin vì họ sẽ là người len lỏi tới tận mọi ngóc ngách để đưa nhu yếu phẩm cũng như các trợ giúp khác đối với người dân đang trong khu cách ly, phong tỏa.
Ngoài ra, cần phải xây dựng hệ thống giám sát y tế tại cộng đồng. “Hệ thống giám sát y tế cộng đồng gồm 2 lớp. Một lớp là mạng lưới hàng ngàn thầy thuốc hỗ trợ từ xa qua mạng cho người dân ở trong khu vực cách ly y tế, phong tỏa. Lớp thứ hai, quan trọng và quyết định là phải tổ chức lại lực lượng y tế trên địa bàn TP.HCM, giám sát đến từng khu dân cư.
Đối với điều trị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải rất sáng tạo và thực tiễn. Từ mô hình điều trị “tháp 3 tầng” của Bộ Y tế, TP.HCM đã phân chia thành 5 lớp.
Trong đó, lớp đầu tiên tiếp nhận người nhiễm COVID-19 không triệu chứng cần chăm lo, quan tâm đầy đủ cho bà con từ chế độ ăn uống, vận động đến hỗ trợ nhau trong sinh hoạt hằng ngày. Một số nơi như huyện Củ Chi (TP.HCM) hoặc Long An đã rất sáng tạo và thực hiện rất hiệu quả khi chỉ có 5% F0 không triệu chứng chuyển sang có triệu chứng, trong khi tỷ lệ trung bình là 20%.
Phó thủ tướng cho biết ông đã trực tiếp đến những khu thu dung có tỷ lệ 30% F0 không triệu chứng chuyển thành có triệu chứng ở TP.HCM. Những khu này chật chội hơn, coi F0 không triệu chứng là bệnh nhân nên gây sự gò bó, bức bách cả về tinh thần lẫn thể chất.
Trước tình trạng nhiều bệnh viện tư nhân, thậm chí một phần bệnh viện công không muốn tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 dù còn giường trống, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP.HCM và các tỉnh phải huy động tất cả lực lượng y tế tư nhân vào ngay từ đầu, từ điều trị cho đến tiêm vắc xin.