Tại phiên khai mạc quốc hội ngày 20.10, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Theo tính toán của Chính phủ, nguồn lực để thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 10.567.000 tỉ đồng theo giá thực tế.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Dứt khoát không nới trần nợ công

Theo SGGP | 22/10/2016, 13:37

Tại phiên khai mạc quốc hội ngày 20.10, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Theo tính toán của Chính phủ, nguồn lực để thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 10.567.000 tỉ đồng theo giá thực tế.

Hơn 10 triệu tỉđồng để thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới lấy ở đâu? Câu hỏi này được báo chí đặt ra với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ bên hành lang Quốc hội sáng 22-10, khi Quốc hội thảo luận về nội dung này.

Phóng viên:Thưa Phó thủ tướng, 10.567.000 tỉđồng là con số quá lớn, liệu có huy động có khả thi, nhất là trong bối cảnh GDP tăng trưởng thấp?

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Trong đầu tư công 5 năm tới, Chính phủ đã trình Quốc hội là khoảng 2 triệu tỉđồng, trong đó trung ương 1,2 triệu tỉcòn lại địa phương là 880.000 tỉđồng, Quốc hội đang thảo luận. Nguồn lực xã hội ít nhất phải là 5 lần của đầu tư công, tức là khoảng 10 triệu tỉđồng. Cho nên phải huy động nguồn lực càng nhiều càng tốt. Phải huy động nguồn lực trong dân, trong các thành phần kinh tế.

Nợ công đã sát trần, áp lực trả nợ lớn, chính sách tiền tệ chật hẹp lắm. Vì thế phải tập trung huy động xã hội. Chúng ta đề ra tổng mức huy động toàn xã hội khoảng 30% GDP, cứ nhân lên là ra. Mỗi năm 220 tỉUSD thì 5 năm được bao nhiêu, rồi tính 30% của số đó thì sẽ ra con số huy động nguồn lực. Tính toán thì chúng ra sẽ thấy ngay con số là hơn 10 triệu tỉđồng.

Trong kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015, Chính phủ không đưa ra con số cụ thể như lần này. Tại sao lần này lại định lượng được?

Tất cả định lượng lần này cũng là dự báo định hướng hết. Mình định hướng được là vì làm theo luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, tức là làm kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, từ đó có điều kiện để cân đối được tổng thể hơn. Trước đây làm theo từng năm nên khó định lượng.

Lâu nay hay xảy ra tình trạng các dự án đầu tư công hay bị đội vốn so với dự toán ban đầu. Vậy lần này Chính phủ có lường trước những tình huống này?

Sau khi có Chỉ thị về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ thì nhà nước, kể cả TƯ và địa phương chỉ chịu trách nhiệm về phần vốn đã được duyệt. Còn ai làm đội vốn thì người nào quyết định đầu tư người đó chịu trách nhiệm. Lần này Chính phủ sẽ thắt chặt hơn về kỷ luật ngân sách.

Có ý kiến cho rằng Chính phủ muốn nới trần nợ công để có dư địa mới cho đầu tư phát triển?

Vấn đề nới hay không nới trần nợ công đã được bàn thảo khá nhiều trong cả các nhà quản lý cũng như giới chuyên gia theo nguyên lý chung: nhà đang nghèo, đất nước đang khó khăn chưa có của ăn của để phải đi vay để phát triển. Nhiều người cũng nói rằng tại sao các nước phát triển nợ công hơn 100%, thậm chí 200% mà mình lại cứ chốt trần nợ công là 65%. Cái này Chính phủ cũng đã tính toán kỹ. Đúng, trần nợ công quan trọng nhưng không phải là tất cả. Khả năng trả nợ mới là quan trọng.

Trên thế giới, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trên tổng thu ngân sách 25% là rất khó khăn. Thực tế, năm 2015 thì mình là 27%, kể cả phần trực tiếp chi trả nợ, phần vay để đảo nợ vì năm 2016 -2017 là cực đỉnh của nợ. Vì vậy, nếu nới trần nợ công lên thì áp lực trả nợ sẽ lớn hơn rất nhiều. Do đó, để bảo đảm bền vững an toàn nợ công thì dứt khoát chúng ta phải khống chế trần nợ công là không vượt quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài của quốc gia là không quá 55% cho đến tận năm 2020. Đây cũng là quyết tâm của Chính phủ và đã trình với Quốc hội như vậy.

Vậy làm thế nào để tăng khả năng huy động nguồn lực xã hội?

Để bảo đảm được đất nước phát triển thì phải có thể chế để huy động được cao độ nguồn lực. Mọi người đều nói, kiều hối về cũng nhiều, ngoại tệ trong dân cũng nhiều, vàng trong dân cũng còn lắm thì bây giờ Chính phủ đang đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp thành lập nhiều lên thì đầu tư vào nhiều hơn. Môi trường kinh doanh tốt hơn thì người dân sẵn sàng bỏ vốn ra để đầu tư, kinh doanh. Vấn đề là làm sao để người dân bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh. Một đồng nhà nước bỏ ra đầu tư chỉ có tác dụng “mồi” thôi.

Tái cơ cấu đầu tư công thì phải nằm trong tái cơ cấu lại thu chi ngân sách và bảo đảm bền vững, an toàn nợ công. Muốn như thế thì NSNN chỉ đầu tư vào những cái thiết yếu, quan trọng, có tính chất là mồi và phấn đấu làm sao tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư của toàn xã hội giảm xuống. Mặt khác, hiệu quả đầu tư phải tăng lên. Đó là hai mục tiêu đặt ra trong tái cơ cấu đầu tư công thời gian tới.

Muốn như thế, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 phải làm bài bản khoa học. Kế hoạch 5 năm chốt như thế rồi, từng năm thì phải siết chặt kỷ luật tài khóa. Bên cạnh đó, phải coi tiết kiệm là quốc sách và siết chặt kỷ luật kỷ cương. Cố gắng tăng thu để tăng chi, mà chi tiêu là phải trong khả năng của nền kinh tế chứ không để lại cho đời sau. Vay nợ là phải trong khả năng trả nợ chứ dứt khoát không nới trần nợ công đâu.

Chi thì theo kịch bản tăng trưởng, nhưng dự báo kịch bản tăng trưởng hiện dưới mức kế hoạch đặt ra thì trần nợ công sẽ tăng lên. Vậy phải khắc phục điều này như thế nào thưa Phó thủ tướng?

Thực tế, bội chi như năm nay Chính phủ đã đưa xuống mức rất thấp là 3,5%, như vậy tổng nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản không được như mong muốn của các bộ, ngành, địa phương đâu.

Chính phủ quyết tâm kiểm soát tổng bội chi tuyệt đối theo đúng con số Quốc hội quyết định, tức là không vượt. Nhưng tăng trường kinh tế không đạt, hiện dự báo là 4,6 triệu tỉnhưng dưới mức này thì đúng vấn đề như bạn nêu. Cho nên sẽ có thêm nguyên tắc bổ sung là nếu như các địa phương giảm thu thì phải điều chỉnh các khoản chi. Thứ hai, trong thời gian tới đây phải phấn đấu để tăng thu ngân sách kể cả thu nội địa và thu thuế quan. Trong thu thuế quan thì bằng cách siết chặt cách tính thuế. Còn thu nội địa thì mở rộng cơ sở thuế bằng cách nâng dần tỷ trọng kinh tế phi chính thức đưa lên thành chính thức, cố gắng khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới, tăng cường thêm chế độ chứng từ, hóa đơn ngoài quốc doanh…

Phan Thảo - SGGP
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Dứt khoát không nới trần nợ công