Thập niên 1960, giới trẻ Sài Gòn đón nhận phong trào nhạc trẻ và hippy. Không từ bỏ cơ hội, các phòng trà ca nhạc đưa nhạc trẻ vào chương trình hằng đêm để thay đổi khẩu vị âm nhạc.
>>Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Danh ca đất bắc thành danh ở phương nam
>>Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Bà bầu bất cần đời và phòng trà đại gia
Nhạc trẻ với Tuấn Ngọc - Đức Huy
Trước hết phải nói đến Trường Kỳ và Nam Lộc đã tổ chức chương trình Hippy à gogo diễn vào mỗi chiều chủ nhật tại phòng trà Queen Bee. Sau đó, một số chủ phòng trà “đánh hơi” được món ăn mới lạ nên đưa nhạc trẻ vào biểu diễn, đệm thêm trong chương trình ca nhạc, sau khi các ca sĩ nổi tiếng… đi về.
Ông Ngô Văn Cường - chủ phòng trà Tự Do - là người ủng hộ cho nhạc trẻ vào phòng trà. Ông đã mời ban The Strawbery Four với Tùng Giang, Tuấn Ngọc, Đức Huy và Billy Shane làm dàn nhạc bao cho chương trình ca nhạc tại đây. Ngoài phần trình diễn nhạc trẻ, các “trái dâu” còn đệm nhạc cho ca sĩ. Sau này, các “trái dâu” rã đám. Hai người còn lại là Tuấn Ngọc (guitar bass), Đức Huy (guitar lead) lập nên ban nhạc mới là The Revolution thêm Hiệp San (trống), Lê Đô (saxo) và Huỳnh Hóa (organ). Theo một bài viết trên báo Kịch Ảnh thì những chàng trai trong ban nhạc này dù chơi nhạc trẻ nhưng rất chững chạc trong những bộ veston. Tuấn Ngọc và Đức Huy không còn mặc những chiếc áo rộng trẻ trung màu vàng cam. Cũng không còn thấy những mái tóc dài và nụ cười trẻ trung tuổi dại. Chững chạc hơn, ít nói cười và không có những động tác kiểu “à la terre” - nhạc công quỳ hai gối xuống sàn, ưỡn người ra sau như khi tham gia các kỳ đại hội nhạc trẻ. Họ sử dụng nhạc cụ trong tư thế trang nghiêm trong khi trình diễn. Các nữ ca sĩ của ban The Revolution là Carol, Vi Vân, Ngọc Anh, Ngọc Hiếu…
Ngoài ban nhạc The Revolution còn có ban The Flowers với các ca sĩ Tuyết Loan, Tuyết Dung và Tuyết Hương. Trong ba cô Tuyết thì chỉ còn Tuyết Loan hát đến sau này. Và sau cùng là ban The Blue Jets với tam ca trong gia đình Bích Chiêu là Anh Tú, Khánh Hà và Bé Thúy. Đáng chú ý, trong dàn nhạc công người chơi guitar bass là Thanh Long về sau được chọn vào ban ca khúc chính trị Rạng Đông đi biểu diễn tại CHDC Đức rồi tiếp tục chơi đàn và trở thành ca sĩ tại TP.HCM.
Những đứa con kích động nhạc của “bố già” Phạm Duy
Ông bầu của ban The Dreamers chính là “bố già” của các nhạc công và ca sĩ trong ban nhạc: Duy Quang (guitar bass), Duy Minh (trống), Duy Hùng (guitar lead), Duy Cường (organ), Julie Quang - vợ Duy Quang và Vény (hát). Ông bầu quản lý, kiêm nhạc sĩ, chỉ đạo dàn dựng và kiêm luôn tài xế đêm đêm chở toàn ban đi diễn một số nơi và sau “đóng chốt” ở Ritz. Vì thế, những thành viên trong ban The Dreamers được báo chí gọi là “Những đứa con kích động nhạc của nhạc sĩ dân ca Phạm Duy”. Nhờ lối trình diễn có luyện tập thường xuyên, có bài bản dưới sự chỉ đạo của “bố bầu” nên The Dreamers giữ một vị trí vững vàng trong làng nhạc trẻ phòng trà. Trước đây ban The Dreamers chơi trong chương trình Hippy à gogo, sau đó ra Nha Trang biểu diễn cho các club Mỹ một thời rồi về lại Sài Gòn hát ở Long Bình và các club Mỹ, Queen Bee. Sau cùng, The Dreamers được Jo Marcel mời về chơi thường trực tại Ritz. Điều này chứng tỏ The Dreamers đã qua mặt được nhiều đàn anh khác.
Trong sự thành công của The Dreamers, ngoài Duy Quang, Julie Quang và Vény thì người nổi nhất là cậu em Duy Cường. Với mái tóc dài bom-bê như con gái, Duy Cường đã rất thành công khi hát bài Oh, Darling. Vào nghề năm 1969, tự tập đánh đàn organ năm 10 tuổi, Cường còn biết sử dụng guitar bass và trống, bắt đầu hoạt động ca hát từ chương trình Hippy à gogo ở Queen Bee với ông thầy Duy Quang.
Cộng vào tên tuổi những ca sĩ, nhạc công, ban nhạc The Dreamers được giới ái mộ tán thưởng qua những bản nhạc Việt như Mùa thu chết, Con quỳ lạy Chúa trên trời, Làm sao giết được người trong mộng với một lối hòa âm độc đáo, không giống con giáp nào!
Do thấy nhạc trẻ đang ăn khách trong một số phòng trà lớn nên các phòng trà “chú tiểu” cũng mời đủ thứ ban nhạc được gọi là nhạc trẻ biểu diễn. Hiện tượng này làm cho chương trình nghệ thuật trong một số phòng trà xuống cấp trầm trọng đến nỗi báo Kịch Ảnh phải kêu rống lên bằng bài viết Quái thai phòng trà: “Càng phát triển bao nhiêu thì nó (nhạc trẻ trong phòng trà) lại càng trở nên phi nghệ thuật bấy nhiêu. Muốn trở thành ca sĩ trình bày nhạc ngoại quốc chỉ cần có thân hình khêu gợi, ăn mặc quyến rũ, biết trơ trẽn. Chỉ việc sắm một cái máy quay đĩa, mua một ít đĩa nhạc ngoại quốc hợp thời, càng cuồng loạn càng tốt, đem về quay đi, quay lại nghe kỹ để học cho thuộc rồi cứ thế trình bày cộng thêm phần hò hét cho giật gân hơn… Hiện tượng trên đã làm nản lòng không ít những ca sĩ có căn bản ngoại ngữ và căn bản nhạc lý, đồng thời làm giới yêu nhạc, muốn tìm thú giải trí trong các phòng trà hết sức thất vọng. Trách nhiệm là từ các chủ phòng trà không biết chối bỏ những nguồn lợi nhất thời để giữ cho mình một giá trị lâu dài…” (số 151, ngày 6.3.1965).
Ngay cả Jo Marcel - người đã tạo môi trường hoạt động cho nhạc trẻ vào phòng trà - nhận xét trong một buổi thảo luận về nhạc trẻ do báo Kịch Ảnh tổ chức thời đó rằng, hiện tại nhạc trẻ không ăn khách ở phòng trà vì đã bị lạm dụng quá nhiều. Sự chọn lựa bài ca để trình diễn trong phòng trà rất cẩu thả.
Lê Văn Nghĩa / Thanh Niên