Đang khi đám cưới lớn nhất Sài Gòn  con gái Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu diễn ra thì điện thoại dinh Độc Lập reo nhiều lần bởi Tòa đại sứ Mỹ gọi tới. Thiệu biết không thể kéo dài thêm cơn giận của Tổng thống Mỹ. Ông thấy cần phải đáp ứng yêu cầu của Nixon vì an ninh và quyền lợi của chính bản thân ông cũng như giới quân phiệt Sài Gòn. Thời hạn “tối hậu thư" nêu ra là phải trả lời trước 12 giờ...

Phụ lục 3: 'Tối hậu thư' của Nixon và đám cưới lớn nhất Sài Gòn 1973

Một Thế Giới | 22/01/2015, 04:26

Đang khi đám cưới lớn nhất Sài Gòn  con gái Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu diễn ra thì điện thoại dinh Độc Lập reo nhiều lần bởi Tòa đại sứ Mỹ gọi tới. Thiệu biết không thể kéo dài thêm cơn giận của Tổng thống Mỹ. Ông thấy cần phải đáp ứng yêu cầu của Nixon vì an ninh và quyền lợi của chính bản thân ông cũng như giới quân phiệt Sài Gòn. Thời hạn “tối hậu thư" nêu ra là phải trả lời trước 12 giờ...

Phụ lục 2: Bà Mai Anh sau ngày ông Nguyễn Văn Thiệu mất đã nói gì với báo chí?
Phụ lục 1: Các thứ phi cựu hoàng Bảo Đại qua hồi ký Việt Nam Nhân Chứng

 1.Nixon và lời đe dọa bóng gió

Vào giai đoạn chót của cuộc thương lượng giữa Lê Đức Thọ và Kissinger tại Paris 1973, dư luận báo chí Sài Gòn rộ lên công khai về thái độ bực dọc của Tổng thống Mỹ Nixon trước việc Thiệu khăng khăng chưa chịu chấp nhận nội dung Hiệp định để ký kết theo ngày giờ Washington thỏa thuận. Thiệu lo lắng cho số phận của mình và giới quân phiệt Sài Gòn một khi Mỹ rút mà quân miền Bắc vẫn còn, Chính phủ Cách mạng lâm thời vẫn hiện hữu…Để trấn an và thúc Thiệu chấp thuận, tướng Haig nhận lệnh tức tốc bay sang Sài Gòn mang theo bức thư nóng bỏng của Nixon khẳng định Mỹ “dứt khoát sẽ ký tắt Hiệp định vào 23/1/1973” mặc kệ Thiệu có thuận hay không.
Nixon viết: “Nếu cần tôi sẽ đơn phương tiến hành việc ký kết. Trong trường hợp đó tôi sẽ phải giải thích công khai rằng chính phủ của ông cản trở hòa bình. Kết quả không tránh khỏi là chấm dứt ngay viện trợ kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ. Điều này dẫn đến sự thay đổi nhân sự trong nhóm chính phủ các ông…”.
Câu cuối đoạn thư vừa trích tác động mạnh đến Thiệu vì nó “bóng gió” cảnh cáo nếu Thiệu cứ nói “không” với Hiệp định thì có ngày bị Mỹ thay. Mà Thiệu lại đang rất sợ CIA ra tay. Ông ta liên tưỏng đến cái chết của Ngô Đình Diệm hồi 1963. Đúng hai tháng trước ngày hai anh em ông Diệm bị bắn trong xe bọc thép. Tổng thống Mỹ lúc đó là Kennedy khi trả lời phỏng vấn của Walter Cronkite vào tối 2/9 cũng đã nhắc đến mấy chữ “thay đổi nhân sự trong chính phủ" Sài Gòn. Nay Thiệu phải đọc cụm từ không mấy may mắn đó trong thư Tổng thống Mỹ viết và phái tướng Haig đích thân mang tới dinh Độc Lập sáng 16/1, yêu cầu Thiệu trả lời trước đêm 17 về việc chịu ký hiệp định hay không.
Ngay sáng hôm sau 17/1 (10 ngày trước lễ ký chính thức tại Paris), Thiệu trao Haig thư phúc đáp Nixon và cố tình niêm phong kỹ bì thư để “tỏ thái độ”, mặc Haig (và đại sứ Bunker) phật ý. Trong thư Thiệu nêu lại nhiều đòi hỏi cũ đã bị bác bỏ. Thiệu thất vọng không thấy ghi rõ điều khoản “rút quân miền Bắc”, về điểm đó, các cố vấn phân tích cho Thiệu biết tuy về nguyên tắc Nixon “không chấp nhận sự có mặt của quân Bắc Việt ở miền Nam" nhưng thực tế đã lơ đi, không đá động đến trong văn bản. Hiệp định chỉ buộc “rút hoàn toàn mọi quân đội của Hoa Kỳ” và “của các nước ngoài khác đồng minh của Hoa Kỳ” thôi (điều 5). Và, một cố vấn khác của Thiệu nói:
  • Đối với Hà Nội, quân Bắc Việt không phải là “nước ngoài” vì Hiệp định nêu rõ Việt Nam là một quốc gia (thống nhất) theo như điều 1 ghi; họ không phải rút đi đâu khỏi đất nước họ cả.
Mà như thế, dẫu Mỹ khôn khéo duy trì sự có mặt quân sự của mình ở miền Nam qua việc chuyển Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn MACVI trá hình thành Cơ quan tùy viên quốc phòng Mỹ DAO, vẫn không làm Thiệu yên tâm.

Khi nhận thư 17/1, Nixon thông cảm sâu sắc “nỗi buồn hòa bình” của Thiệu bao gồm cả tâm trạng phải đối mặt với các “sư đoàn sông Hồng” mai đây. Nên Nixon, một lần nữa, cùng tiến sĩ Kissinger thảo ngay thư gửi Thiệu trong ngày 17, vừa hứa hẹn, vừa tiếp tục đe dọa. Phần hứa hẹn viết: “Nền độc lập tự do của Việt Nam Cộng hòa (chế độ Sài Gòn) vẫn đang là mục tiêu tuyệt đối của chính sách ngoại giao Mỹ (...) Lần nữa, tôi xin nêu lại các cam kết:
  • Thứ nhất, chúng tôi công nhận chính phủ các ông là chính phủ hợp pháp duy nhất ở miền Nam Việt Nam.” (Về điểm này, 10 ngày sau 27/1/1973, khi ký Hiệp định Paris với điều 3: “Các lực lượng vũ trang của hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ở nguyên vị trí của mình” và “sẽ quy định vùng do mỗi bên kiểm soát” là Mỹ mặc nhiên công nhận có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, và chịu để Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký văn bản với đầy đủ chức vụ: Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - M.Ng):
  • Thứ hai, chúng tôi không công nhận sự có mặt của quân đội ngoại bang ở miền Nam Việt Nam (Không nói rõ miền Bắc rút quân như đòi hỏi của Thiệu - M.Ng).
  • Thứ ba, Hoa Kỳ sẽ trả đũa mạnh mọi vi phạm Hiệp định.
Để Thiệu vững bụng, từ tháng 10/1972, nghĩa là trước khi viết các lời cam kết trên 3 tháng, Nixon đã bắt tay tăng cường sức mạnh quân sự cho Sài Gòn bằng thiêt lập cầu hàng không trút hối hả vũ khí, dụng cụ chiến tranh vào miền Nam qua chiến dịch Enhance Plus (Tăng cường hơn nữa). Ít nhất có hơn 620 máy bay các loại, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, xe bọc thép, nhiều tàu chiến và 2 triệu tấn vật tư chiến cụ ồ ạt chuyển giao quân đội Sài Gòn. Được tiếp sức, Thiệu họp Hội đồng an ninh quốc gia ngầm vạch kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” mang tên “Hùng Vương” triển khai ngay sau ngày ký Hiệp định.

Nhưng trước ngày ký, Thiệu vẫn cố ý trì hoãn dây dưa, thư đi tin lại nhiều lần, khiến Nixon dằn bút, đe dọa: “Tôi hoàn toàn tin chắc rằng nếu các ông không ký Hiệp định thì toàn bộ ngân sách chúng tôi viện trợ cho các ông sẽ bị cắt giảm. Vì lý do đó, chúng tôi yêu cầu các ông tiến hành việc ký kết văn bản mà tướng Haig mang đến cho ông vào ngày 23 tháng Giêng năm 1973 và ông phải ký vào ngày 27 tháng Giêng năm 1973 (...). Nếu các ông từ chối không ký hiệp định thì các ông đừng trông mong gì vào khả năng giúp đỡ của chúng tôi. Ý kiến trong quốc hội và công luận không cho phép chúng tôi làm khác (...). Tôi thừa nhận đây không phải là một hiệp định lý tưởng nhưng đây là hiệp định duy nhất mà (chúng ta) có thể tiến hành trong tình hình hiện nay (...). Đối với tôi có hai lựa chọn cần thiết: một là tiếp tục né tránh ký hiệp định, điều này có hại và thiển cận, hai là dùng hiệp định làm phương tiện để thiết lập nền tảng mới cho quan hệ Mỹ - Nam Việt Nam (...). Tôi tha thiết hy vọng ông sẽ lựa chọn giải pháp duy nhất... Chân thành, Richard Nixon” (trích các thư của Nixon gửi Thiệu từ hồ sơ tối mật của TS Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, nhiều người dịch).

Cuối thư Nixon căng thẳng “Vì tính nghiêm trọng của tình hình và những hậu quả sắp tới, tôi đã phái tướng Haig trở lại Sài Gòn vào sáng thứ bảy 20 tháng Giêng năm 1973. Đây là cơ hội mới nhất... mọi kế hoạch vạch sẵn không thể thay đổi được”. Đọc xong, Thiệu chưa kịp trả lời, đại sứ Bunker tỏ ra sốt ruột gọi điện hỏi. Vào lúc đó, ngày 19/1, Thiệu vừa nghĩ đến kế hoạch “Hùng Vương” phá Hiệp định, vừa lo đám cưới cho con gái của mình: Nguyễn Thị Tuấn Anh 18 tuổi. Nhiều báo chí vẫn đánh giá là đám cưới lớn nhất Sài Gòn.

2. Cuộc hôn phối giữa quyền (Tổng thống) và lực (kim tiền)
Lực lượng cảnh sát đặc biệt được em út của Thiệu tung ra, lính bồng súng chào, làm tăng thêm vẻ “đình đám" của lễ cưới Tuấn Anh. Chú rể lớn hơn cô dâu 10 tuổi là: Nguyễn Tấn Triều, con trai của Giám đốc Hàng không Việt Nam Nguyễn Tấn Trung được xem là đám cưới lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ.
Dư luận thời đó gọi đám cưới này là cuộc “phối hợp nghệ thuật” giữa quyền và lực. Hai ông sui, một thì nắm quyền sinh sát dưới đất (dinh Độc Lập), một thì cai quản hoạt động trên trời (Hàng không VN)! Giám đốc Trung thuộc gia đình giàu có nức tiếng.

Ông Thiệu xuất hiện với áo gấm xanh hai tà phủ dài quá đầu gốì, chiếc quần thụng trắng, đầu đội khăn đóng, hai tay chắp lại trước bụng. Cạnh là vợ ông, bà Mai Anh, người Công giáo. Trước khi được chính đức Tổng giám mục làm phép hôn phối sáng 19/1, chú rể Triều cũng mặc áo gấm, đầu chít khăn, theo phía đàng trai mang lễ vật tới nhà ông bà gia. Ngoài chiếc micro và vài vật dụng trang trí nhỏ nhặt là có vẻ “tây”, còn cách ăn mặc của cả hai ông bà Thiệu, các bà cụ hai bên nội ngoại, nụm rượu, khay nữ trang đều mang vẻ cổ kính “ta về ta tắm ao ta”. Chú rể Triều xụp xuống lạy ông bà Thiệu tỏ lòng trở thành con rể từ phút đó. Hoan hỉ đáp lại, ông bà Thiệu trao chú rể một mớ nữ trang đáng giá. Trước giờ lên xe hoa, cô dâu Tuấn Anh đeo chuỗi hạt quanh cổ, mặc bộ áo cưới đỏ thắm, đầu chít khăn vành dây màu vàng.

Với tựa đề: “Đám cưới lớn nhất Việt Nam”, một tuần báo văn nghệ xuất bản tại Sài Gòn năm 1973 mô tả đám cưới lớn nhất Sài Gòn có đến 500 khách mời gồm các đại thương gia, chính khách, tướng tá... dự tiệc lớn tại nhà trai: “Sau đó lễ tại nhà thờ lớn (...) mau chóng trở thành một đám cưới theo nghi thức Tây phương. Cô dâu đã bỏ khăn vành dây, bộ áo cưới màu đỏ cổ truyền và chuỗi hột đeo cổ, để mang bộ áo cưới màu tuyết trắng và tấm voan trên đầu có cái đuôi thật dài và phải có cô phù dâu đỡ cho khỏi phủ xuống đất. Chú rể cũng đã bỏ áo gấm để mang bộ âu phục mới toanh và đúng mốt. Ghi thêm: bộ áo cô dâu bằng sa-tanh trắng thêu hoa bạc lóng lánh, voan trùm đầu dài 5 thước. Cô dâu, chú rể được kết hợp do Tổng giám mục Sài Gòn, dưới tên thánh là Bernadette và Martin. Chú rể đã theo về đạo cô dâu. Sau tuần trăng mật, cô dâu chú rể sang Mỹ cùng theo học Đại học Pittsburg”.
Đang khi chú rể Triều và cô dâu Tuấn Anh vui hợp hôn, điện thoại dinh Độc Lập reo nhiều lần bởi Tòa đại sứ Mỹ gọi tới, thúc giục Thiệu mau trả lời. Thiệu biết không thể kéo dài thêm cơn giận của Tổng thống Mỹ. Ông ta thấy cần phải đáp ứng yêu cầu của Nixon vì an ninh và quyền lợi của chính bản thân ông cũng như giới quân phiệt Sài Gòn. Gần hết thời hạn “tối hậu thư" nêu ra là phải trả lời Nixon trước 12 giờ, giờ Washington ngày 21 tháng Giêng, rằng có chịu ký hiệp định hay không, Thiệu đã cho mời đại sứ Bunker đến dinh Độc Lập để nói một lời “vâng!” (Còn nữa)

Mai Nguyễn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ lục 3: 'Tối hậu thư' của Nixon và đám cưới lớn nhất Sài Gòn 1973