Câu chuyện của tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ sẽ mở đầu loạt bài Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại mà báo điện tử Một Thế Giới giới thiệu để đem đến cho độc giả những góc nhìn rõ hơn về bối cảnh lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ. Loạt bài này được thực hiện bởi tác giả Mai Nguyễn, là bút danh khác của nhà báo, nhà khảo cứu Giao Hưởng. Ông cũng là tác giả của loạt bài "Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay"đang được nhiều độc giả quan tâm trên báo Một Thế Giới. 

Kỳ 1: Nguyễn Cao Kỳ một mình chống lại Ngô Đình Diệm?

Một Thế Giới | 28/08/2015, 08:46

Câu chuyện của tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ sẽ mở đầu loạt bài Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại mà báo điện tử Một Thế Giới giới thiệu để đem đến cho độc giả những góc nhìn rõ hơn về bối cảnh lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ. Loạt bài này được thực hiện bởi tác giả Mai Nguyễn, là bút danh khác của nhà báo, nhà khảo cứu Giao Hưởng. Ông cũng là tác giả của loạt bài "Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay"đang được nhiều độc giả quan tâm trên báo Một Thế Giới. 

Đối với anh em ông Diệm, 1.11.1963 là ngày kết thúc giấc mơ quyền lực kéo dài 9 năm. Nhưng với nhiều người khác, mới chỉ là thời khắc phôi phai những “mộng ban đầu”. Nguyễn Cao Kỳ chẳng hạn, thừa nhận: “Đối với tôi mọi việc bắt đầu từ ngày hôm ấy”!
Lẽ ra, “mọi việc bắt đầu” sớm hơn một ngày. Vì theo dự tính, đảo chính nổ ra vào 31.10.1963 nhưng tướng Dương Văn Minh quyết định hoãn lại 24 tiếng đồng hồ. Thay đổi giờ chót đó do sơ suất không báo kịp đến Nguyễn Cao Kỳ nên Kỳ vẫn “độc diễn” phần việc được giao: Ông ta tập hợp khoảng gần 200 binh lính và sĩ quan dưới quyền vào một nhà kho lớn chứa máy bay trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất.
Theo kế hoạch, ông cầm chân họ tại lớp học tâm lý chiến mà mình chủ trì sao cho đến 1 giờ trưa để đợi tín hiệu là tiếng xe tăng tiến vào căn cứ quanh chỗ tập họp. Nhận tín hiệu, ông sẽ bất thần tuyên bố: “Đảo chính bắt đầu”, và phát lệnh hành động.
Nhưng, theo một VIP, K.K (sếp quân đội) kể lại, đến 1 giờ kém 5 phút, Kỳ “lắng tai nghe vẫn không thấy động tĩnh gì hết”; 1 giờ đúng: vẫn vậy!. VIP thuật: Năm phút sau “nghe tiếng động cơ hình như tiếng chiến xa vô (như tín hiệu đã báo), Kỳ lật đật xô ghế đứng dậy, chưa kịp tuyên bố thì một trung úy chạy vô cho biết đó là tiếng của một trực thăng Mỹ đang đáp” chứ chẳng phải xe tăng xe tiếc gì cả. May quá, Kỳ kịp ngậm miệng bước xuống, chưa hô “đảo chính” ai cả. Đợi thêm tới 1 giờ 30 trưa đó (31.10) đành giải tán, quay về gặp tướng Minh và trách: “Tại sao đình lại mà không cho biết, suýt một chút là chết hết cả đám!”. Ông Minh xin lỗi vì quên thông báo.
Thật là một cái quên chết người và rất “khó quên”!
Nguyen Cao Ky

Đúng 1 giờ 30 trưa hôm sau 1.11, không phải Nguyễn Cao Kỳ, mà Dương Văn Minh tuyên bố: “Đảo chính bắt đầu” và tước vũ khí các tướng tá phe Diệm. Lúc đó, Nguyễn Cao Kỳ đang…ăn trưa tại một nhà hàng Sài Gòn. Tài xế ông ta từ căn cứ phóng xe tới phanh rít trước cửa, chạy vào kêu: “Trung tá trở về căn cứ ngay. Có chuyện lạ đang xảy ra”. Lập tức, Kỳ vọt ra xe đích thân cầm lái phóng như bay về Tân Sơn Nhất. Đến cổng, Tham mưu trưởng không quân là đại tá M. chặn lại la lớn: “Trời! Có anh đây rồi! Đảo chính đã bắt đầu và chúng tôi muốn anh bắt đại tá Nguyễn Hữu Hiền!”.

Đại tá Hiền là tư lệnh không quân, vốn chơi thân với Ngô Đình Nhu. Kỳ chụp một cây súng tiểu liên, lái xe thằng đến văn phòng Bộ Tư lệnh Không quân, một mình gõ cửa bước vào. Đại tá Hiền dường như đoán trước việc phải xảy đến, ông ta ngồi yên trên bàn viết, Kỳ lễ phép: “Thưa đại tá tư lệnh, đại tá đã bị bắt giữ”.
Ông ta không mấy ngạc nhiên trước diễn biến bất lợi cho mình đó. Hồi ký Nguyễn Cao Kỳ viết: “Ông Hiền là một phi công xuất sắc, và trong vòng mấy tháng tôi đã có thể vận dụng ảnh hưởng của tôi để tìm cho ông ta một việc làm ở hàng không Việt Nam. Không bao lâu, ông ta được giao cho lái một phản lực lớn, lãnh được nhiều tiền hơn hẳn số tiền mà chẳng bao giờ tôi hy vọng lãnh được với tư cách là tư lệnh không quân”.
Sau khi bắt giữ đại tá Hiền, lúc gần 3 giờ chiều, cuộc tiến công tuy “ít đổ máu nhưng tốc độ là điều sống còn” đó bị chận lại vì lực lượng trung thành phòng vệ Phủ Tổng thống chống trả quyết liệt.

Trần Thiện Khiêm điện khẩn bảo Nguyễn Cao Kỳ “hành động ngay”. Kỳ lệnh lấy vài chiếc máy bay và bay ngay bên trên dinh tổng thống ở cao độ thấp để gây khiếp sợ, rồi bắn một vài tên lửa xuống thành lớn của bộ phim đóng gần dinh: “Sau khi họ bắn chỉ có hai tên lửa: quân giữ thành của Diệm đầu hàng. Đối với tôi đó là một giây phút lịch sử không phải chỉ vì đã làm thay đổi được cán cân trong việc lật đổ chế độ Diệm mà lần đầu tiên, với cương vị một người không quân, tôi còn thí nghiệm được giá trị của sức mạnh không quân khi được sử dụng để yểm trợ bộ binh khi gặp khó khăn. Tôi quả quyết rằng nếu tôi không ra lệnh hai chiếc máy bay nhỏ đó cất cánh thì cuộc đảo chính đã thất bại”. (Chúng ta đã thua trận ở Việt Nam như thế nào? – Hồi ký Nguyễn Cao Kỳ) *. Mười ngày sau, bước xuống máy bay sau một chuyến đi dự lễ bên ngoài Sài Gòn, tướng Minh bảo: “Kỳ à, tôi đã quyết định bổ nhiệm anh làm tư lệnh không quân”.

Sang năm 1964, Kỳ tiếp tục thăng tiến trong bối cảnh Mỹ muốn dùng “nhóm tướng trẻ” như Kỳ để mở rộng chiến tranh. Tháng 4 năm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đến Việt Nam cao hứng hô khẩu hiệu: “Việt Nam muôn năm” bằng tiếng Việt, sau đó tăng viện trợ quân sự lên 50 triệu đôla để Sài Gòn bắt thêm 50.000 thanh niên vào lính, huấn luyện và tung 7.500 cán bộ “dày xéo nông thôn”, tăng cường hải lục không quân và kho bãi hậu cần, quân tiếp vụ.
Đầu năm 1965, Kỳ đã được phong tướng, làm ủy viên ngoại giao của thường vụ Hội đồng Quân lực Sài Gòn, tán thành sự kiện Mỹ đưa lực lượng thủy quân lục chiến đầu tiên tới Đà Nẵng tham chiến và ném bom miền Bắc. Sau khi đích thân lên máy bay chào từ biệt Nguyễn Khánh trong ngày Khánh ra nước ngoài, Kỳ và “nhóm tướng trẻ” nắm lấy quyền bính, loại thằng cò các “tướng già”, muốn độc quyền đứng dưới bóng tòa đại sứ Mỹ.
Đến giữa năm 1965, sau một loạt các biến động, chính phủ do ông Phan Huy Quát làm thủ tướng lung lay, dẫn đến cuộc họp triệu tập vội vàng đêm 12.6 với sự có mặt của quốc trưởng Phan Khắc Sửu mà Nguyễn Cao Kỳ ghi lại qua những dòng không mấy văn vẻ, đôi chỗ giọng điệu hơi xấc:
Sửu có mặt tại phiên họp – với phần xác chứ không phải phần hồn, bởi vì không có một ai có thể bàn luận nghiêm chỉnh với ông già này về bất cứ một vấn đề gì được. Sửu luôn luôn nói lải nhải, giảng thuyết không mạch lạc về nguyên tắc thượng tôn pháp luật và cách xử sự khi làm chính trị. Rốt cuộc bất thình lình, Quát đập mạnh xuống bàn và không có một lời mở đầu nào cả, đã nói một cách cộc cằn: Tôi xin từ chức. Vì hội đồng quân lực đã chỉ định tôi làm thủ tướng, hôm nay tôi xin giao trả quyền hành thủ tướng lại cho hội đồng quân lực”.

Như vậy, sau các “tướng già” bị loại, đến lượt các “chính khách già” tự phủ nhận đứng bên lề chính trường. Kỳ (và Thiệu) mau chân nhảy lên “bàn tiệc quốc gia” sau đêm đó.

Tìm Thủ tướng mới, Thiệu bảo: “Để cho thằng Kỳ làm!”

Cuộc họp trên kéo dài từ 8 giờ tối đến 12 giờ rưỡi khuya tạm ngưng. Sáng hôm sau, họp tiếp tại tổng hành dinh Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến để cử thủ tướng mới thay ông Quát. Có 50 thành viên cấp cao của Hội đồng Quân lực và “nội các rệu rã” ngồi hai ngày một đêm để chỉ định người vào chức vị ấy.
Nguyễn Văn Thiệu bấy giờ là trung tướng được ông Kỳ đề cử. Nhưng Thiệu từ chối và đề cử “ngược lại” Kỳ. Kỳ lúc đầu đẩy đưa qua Nguyễn Chánh Thi kèm theo lời “bình loạn” công khai trước mặt Thi: - Xét cho cùng, hình như thiếu tướng là người có đủ điều kiện để lãnh đạo. Thiếu tướng có ý thích chính trị nhiều hơn hầu hết các tướng lĩnh  khác và thiếu tướng khoái được nổi tiếng!
Nghe xong Nguyễn Chánh Thi nổi quạu, không chỉ từ chối một lần mà đến cả chục lần đây đẩy: “Không! Không! Không!” trong suốt hai ngày “nghị sự”. Cuộc họp “nghỉ ăn trưa với bánh “xăng-quych” và uống bia với nước ngọt Hoa Kỳ và khi chúng tôi nhóm lại, tôi đã đề cử tướng Có”. Ông Kỳ kể như vậy và tiếp “Có cũng từ chối”, mệt lả, cả hội trường tạm đình phiên họp vào 10 giờ đêm, ngủ và ăn cơm tối tại chỗ.
Sáng sau nữa, “bầu” tiếp chưa xong, nghỉ uống cà phê, bất ngờ Thiệu bước về phía Nguyễn Cao Kỳ nói thẳng: “Kỳ, tại sao anh không nhận làm thủ tướng?”. Rồi vào họp, theo hồi ký của ông Kỳ, Thiệu nói với giọng van nài:

-Yêu cầu anh Kỳ đứng ra thành lập chính phủ!

Nhưng sau lưng Kỳ, ông Thiệu kêu Kỳ bằng “thằng”, đã khoèo Nguyễn Chánh Thi ra đứng riêng (như hồi ký của Thi kể) mà thì thầm vào tai:

-Để cho thằng Kỳ làm đi!

Đến khi Nguyễn Cao Kỳ nhận lời làm “thủ tướng” được một tháng (bấy giờ Thiệu lên làm quốc trưởng) bèn bảo Kỳ:

-Chúng ta phải tổ chức một buổi lễ liên hoan.

Kỳ có hơi “ngớ người” hỏi lý do vì sao mở tiệc? Thiệu bảo: “Thì chính phủ của anh đã tồn tại được một tháng rồi!”. Câu ấy hàm ý là “cái chính phủ” của Kỳ lẽ ra phải bị ngã đổ một, hai tuần sau khi ra mắt kia chứ. Tồn tại một tháng là “kỳ tích” đáng liên hoan rồi! Mặc kệ Thiệu mỉa mai, nhân đó hàng tháng Kỳ cùng các đồng sự mở tiệc!

Cuộc họp trên có thể xem là một trong các điển hình về sinh hoạt chính trị bát nháo trên sân khấu Sài Gòn tả-pí-lù thời đó. Mà “Thủ tướng” Kỳ, vốn người trong cuộc, đã phải thốt lên là “đáng buồn cười”. Không lâu sau, với sự hỗ trợ của Mỹ, thế lực phe Kỳ nhanh chóng át hẳn Thiệu từ hội nghị Honolulu. Nhưng rồi Thiệu quật lại vào cuối năm 1967 lên làm “tổng thống”, đẩy Kỳ xuống hàng “phó”. Đầu những năm 1970. Kỳ thất thế hẳn so với Thiệu, tạm lui vào vòng tay người đẹp Đặng Tuyết Mai lúc ấy đã thành vợ mình và bắt đầu sống với những hồi ức. Trong đó tiệc cưới Kỳ - Mai có tiếng nổ đôm đốp của 7.800 chai sâm – banh mở đầu những ngày  “mộng dưới hoa” ? Thử giở lại hồi ký những trang đầu Kỳ chép…(còn nữa)
Mai Nguyễn  
(*)Trích theo bản của TTXVN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Nguyễn Cao Kỳ một mình chống lại Ngô Đình Diệm?