Trước ngày mất, ông Nguyễn Văn Thiệu cùng vợ đi Hawaii để kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Sau nghỉ mát, ông tự lái xe về nhà ở Foxboro thuộc vùng ngoại ô Boston - Massachusetts (Mỹ). Tắt máy xe, như thường lệ, ông rời garage để bước vào nhà trong. Song, mới bước tới bên thềm đột nhiên ngã xuống và hôn mê...

Phụ lục 2: Bà Mai Anh sau ngày ông Nguyễn Văn Thiệu mất đã nói gì với báo chí?

Một Thế Giới | 21/01/2015, 15:07

Trước ngày mất, ông Nguyễn Văn Thiệu cùng vợ đi Hawaii để kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Sau nghỉ mát, ông tự lái xe về nhà ở Foxboro thuộc vùng ngoại ô Boston - Massachusetts (Mỹ). Tắt máy xe, như thường lệ, ông rời garage để bước vào nhà trong. Song, mới bước tới bên thềm đột nhiên ngã xuống và hôn mê...

Phụ lục 1: Các thứ phi cựu hoàng Bảo Đại qua hồi ký Việt Nam Nhân Chứng
Kỳ 48: Đoạn cuối Sài Gòn qua hồi ký Nguyễn Cao Kỳ 
Khi cuốn Đọc hồi ký các tướng tá Sài Gòn xuất bản ở nước ngoài lần thứ nhất vào đầu năm 2000, thì hai ông Nguyễn Văn Thiệu và Dương Văn Minh đều còn sống, định cư tại Mỹ.

Nay, trong lần tái bản này hai ông đều đã qua đời, cùng vào mùa thu năm 2001, cùng nguyên nhân liên quan tới tai biến mạch máu não, hôn mê sâu trước khi lìa đời trong cùng cảnh xa quê Việt Nam. Một người trút hơi thở cuối cùng tại Massachusetts (Thiệu). Người khác tại Nam California (Dương Văn Minh). Hai cái chết của hai nhân vật từng nắm chức vụ cao nhất trong quân đội và chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 một lần nữa làm báo chí nước ngoài nhắc đến với nhiều  “cách nhìn” không giống nhau, tạm tóm lược dưới đây.

Trước ngày mất, ông Nguyễn Văn Thiệu cùng vợ rời Boston đi nghỉ mát tại Hawaii để kỷ niệm 50 năm ngày cưới của hai ông bà. Bà Thiệu (Nguyễn Thị Mai Anh) là con một gia đình Thiên chúa giáo có tiếng ở Mỹ Tho, họ lấy nhau vào năm 1951 lúc bà mới 21 tuổi và ông 27 tuổi (người gia đình Phật tử, cải đạo và được rửa tội, mang tên thánh Martino). Sau nghỉ mát, theo tường thuật của VTH (Mỹ), ông tự lái xe trở về nhà ở Foxboro thuộc vùng ngoại ô Boston (bang Massachusetts) sáng thứ năm 27/9/2001. Tắt máy xe xong, như thường lệ, ông rời garage để bước vào nhà trong, song mới tới bên thềm đã đột nhiên ngã xuống và hôn mê, không biết gì nữa. Ông được đưa đến bệnh viện Beth Israel Deaconess Medical ở Boston trong tình trạng nguy ngập và qua đời lúc 10 giờ 30 đêm thứ bảy 29/9/2001.
Theo lời bà Mai Anh, vợ ông, trước đó vài ngày ông có đi khám bác sĩ thấy tim mạch vẫn bình thường, nên việc tai biến não dẫn đến tử vong mau lẹ như thế đối với bà và con cái là “thật đột ngột”. Ông mất ở tuổi 78, cách đây khoảng 10 năm ông đã qua một lần giải phẫu tim sau khi định cư ở Mỹ. Trước xa nữa, ông sống ở Anh. Theo vợ ông, sau ngày rời Việt Nam năm 1975, cả nhà ông sang sống tại Đài Loan là nơi ông anh ruột của ông từng làm “Đại sứ Việt Nam cộng hòa” một thời, đến ngày "con trai chúng tôi sang Anh học thì cả nhà dọn sang Luân Đôn, đến khi các con chúng tôi sang Mỹ tiếp tục học, thì cả nhà lại sang theo và định cư tại Boston năm 1985”.
Như vậy, ông sống tại Mỹ 16 năm trước khi qua đời. Khoảng thời gian đó, ông lặng lẽ và gần như không xuất hiện trước đám đông hoặc báo chí; nên “người ta không biết gì nhiều cho đến khi ông bất ngờ qua đời cách đây 100 ngày với một đám tang gây ngạc nhiên cho cả vùng Boston”. Đó là ghi nhận của Đức Hà – Việt Mercury – trong lễ Bách nhật (trăm ngày mất) của ông Thiệu, nhằm 11/1/2002.
Cũng theo tường thuật trên Việt Mercury, tại lễ Bách nhật tổ chức tại San Jose, bà Nguyễn Thị Mai Anh đến dự với “chiếc áo dài gấm đen có điểm những chữ thọ trắng là cái đinh của buổi lễ”. Cùng hiện diện bên bà là hai con: Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Thiệu Long, Nguyễn Tuấn Anh là trưởng nữ, “người con gái từng làm cả Sài Gòn phải chú ý khi thành hôn trong một đám cưới quy mô (lớn nhất thời bấy giờ) tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn và dạ tiệc tại nhà hàng Caravelle năm 1973”. Tuấn Anh cũng bận áo dài đen, luôn đi sát mẹ, cô không trả lời các câu hỏi của báo chí mà chỉ cười, rồi “chỉ tay sang mẹ”.
Người con trai út là Nguyễn Thiệu Long (con trai thứ hai là Nguyễn Văn Lộc) sinh năm 1976 tại Anh và nói tiếng Việt rất sành tuy “phát âm không rõ lắm”. Đó là ba con ruột, hai trai, một gái – còn một người con khác trong nhà “là Nguyễn Thị Phương Anh, là con của anh ông Thiệu mà hai ông bà nhận về nuôi khi mẹ ruột Phương Anh qua đời”. Trở lại không khí buổi lễ, bà Mai Anh nói chuyện khá tự nhiên với một số bạn bè đồng cảnh của chồng mình có quen biết trước, ngược lại bà tỏ ra e dè và khép kín đối với báo chí. Việt Mercury muốn hỏi vài điều song câu trả lời của bà trước sau vẫn là: “Thôi cho tôi miễn đi, tôi có biết gì đâu mà nói”.

Nhưng sau cùng, theo Việt Mercury, bà Mai Anh cũng đã xiêu lòng nhận lời phỏng vấn sau khi “nhấn mạnh” lần nữa:

    • Chỉ nói chuyện gia đình thôi nha, tôi không biết chuyện chính trị đâu.

Bà kể, trong nhà gọi ông Thiệu bằng hai tiếng thân mật: “ông già” và “ông già” thích sống theo lối xưa của người mình chứ không ưa lối Tây nên:

    • Các con tôi hay hỏi tôi rằng sao không thấy (khi nào) ba hôn mẹ hay nói điều gì âu yếm với mẹ cả, (là bởi) tánh ông vậy đó (…). Trước năm 75 người dân Sài Gòn còn đồn đãi nhau (…) chuyện ông Thiệu có quan hệ tình cảm với một vài ca sĩ và cả với một chủ nhà hàng bên ngoài Sài Gòn, tất cả cũng chỉ là những tin đồn, không biết thực hư ra sao.

Việt Mercury nhắc lại nhận xét của một nhân vật “thân cận dinh Độc Lập” giấu tên, rằng bà Mai Anh là mẫu người chỉ biết “lo cho chồng con”, không dính tới chuyện chính trị, không muốn xuất hiện tuyên bố nhiều trước đám đông. Nếu ông Nguyễn Cao Kỳ hồi 35, 36 năm về trước có giận bà và viết rõ trong hồi ký, cũng chỉ vì ba cái chuyện “nhỏ” có tính cách sinh hoạt, giao tiếp – chứ chẳng to tát gì – lại càng không tai tiếng gì trên chính trường. Ở buổi lễ, người ta thấy bà Mai Anh tỏ ra bình tĩnh hơn trưởng nữ Tuấn Anh. Tuấn Anh nhiều lần thấm nước mắt và lấy kiếng đen ra đeo, còn bà Mai Anh “ngồi bất động trên chiếc ghế sát với mọi người khác, chứ không được ngồi riêng một chiếc ghế bành trịnh trọng như vẫn thường thấy”. Bà nói “ông già” có trối rằng nếu được thì đem chôn tại quê ông ở Phan Rang (ông sinh năm Giáp Tý 1924, ngày 24/12 nhằm tháng Tý tức tháng 11 âm lịch, giờ Tý, trong một gia đình nông dân có 7 người con, ông là út), nếu không chôn thì hỏa táng rải một nửa xuống biển, một nửa trên núi. Một tuần sau ngày mất, ông được hỏa táng 6/10/2001 nhằm thứ bảy, cuối tuần. Được hỏi, tang lễ hoàn tất, bà Mai Anh có ý dời nhà khỏi Boston không, đáp:

    • Thôi, ở đó luôn cho gần con cái, chớ dọn nhà không nổi đâu.
Đang lúc cuộc phỏng vấn thực hiện bất ngờ vào cuối lễ bách nhật tại hội trường American G.I. Forum trên đường Story, thì bên ngoài hội trường, cũng bất ngờ xuất hiện một người lạ mặt phân phát bức thư và nội dung điện thoại của một số người ở San Jose điện tới, quyết liệt phản đối ông Thiệu và những người dự lễ, và gọi ông Thiệu là “tội đồ của dân tộc Việt Nam”, coi ông là người phải “gánh trách nhiệm khiến miền Nam sụp đổ”!
Trong lúc những “người anh em” quyết tố nhau bên tro tàn kẻ đã mất, tờ Việt Nam nhật báo ở Mỹ đưa tin nhà nước Việt Nam lên tiếng tại Hà Nội rằng: “Mọi người đều biết rất rõ các hành động quá khứ của ông Nguyễn Văn Thiệu đối với đất nước và dân tộc. Nhưng người Việt có câu “Chết là hết”, hãy để cho người quá vãng an nghỉ”. Việt Nam nhật báo cũng nhắc đến mẩu tin trên báo Thanh Niên, về “ông Nguyễn Văn Thiệu từ trần vì xuất huyết não”, và đã dẫn theo ghi nhận của hãng AP: “những năm sau chiến tranh, ông Thiệu tránh né hầu như toàn thể các cuộc phỏng vấn và sống cuộc đời lưu vong lặng lẽ. Gần hai thập niên sau, vào năm 1992 ông lên tiếng tố cáo sự xích lại gần giữa Hoa Kỳ và chính phủ cộng sản Việt Nam. Nhưng một năm sau nữa, ông thay đổi giọng điệu, nói về ý muốn sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận hòa giải dân tộc để các thành viên của cộng đồng người Việt lưu vong về quê hương”.
Chính sự “đổi giọng điệu” mà AP nhắc tới khiến một số người cực đoan trong “phe chống Cộng” ở Mỹ bực bội và có phần hậm hực với ông. Ngược lại, tướng Đỗ Mậu trong cuốn “Tâm thư” xuất bản tại Mỹ năm 1997 (viết sau hồi ký Việt Nam máu lửa quê hương tôi mấy năm) cũng nhìn ông với vẻ khác đi, dịu hơn, và liệt ông vào một trong những viên tướng có xu hướng thức thời, chủ trương “đối thoại” chứ không “đối đầu” với người trong nước. Nay ông Nguyễn Văn Thiệu đã mất, song đối với nhiều nhà quan sát, ông đã chấm dứt cuộc đời hoạt động và uy quyền của ông bắt đầu từ đúng 30 năm trước, khi ông “chống Mỹ” thất bại qua hai cuộc “chiến” ngăn chặn việc ký kết hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam của ông và “đồng sự” ở dinh Độc Lập. (Còn nữa)
Mai Nguyễn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ lục 2: Bà Mai Anh sau ngày ông Nguyễn Văn Thiệu mất đã nói gì với báo chí?