Hôn nhân trong xã hội hiện đại là hôn nhân bình đẳng và phụ nữ trong xã hội hiện đại cũng mang những nỗi lo không kém đàn ông, nhưng đâu phải đấng mày râu nào cũng đủ hiểu, đủ yêu thương để nhận ra điều đó.
Nhịp sống gấp gáp khiến vợ chồng thường lệch pha, không kịp trò chuyện với nhau. Không có thời gian cho nhau khiến hầu hết gánh nặng đổ lên vai phụ nữ.
Đại học Wisconsin-Madison của Mỹ mới đây đã công bố nghiên cứu chỉ ra căng thẳng trong hôn nhân khiến người trong cuộc dễ bị tổn thương, chán nản.
Đàn ông trong hôn nhân luôn nghĩ rằng, mình chỉ cần ra ngoài kiếm tiền, mọi việc trong gia đình vợ phải là người lo tất cả. Mỗi tháng về nhà đưa cho vợ một ít tiền là tròn bổn phận làm chồng. Trong hôn nhân, tiền bạc vô cùng quan trọng, thế nhưng chúng chưa bao giờ sánh được bằng sự quan tâm, yêu thương và sẻ chia nhau.
Phụ nữ kết hôn thực ra không cần gì nhiều. Họ chẳng cần nhà lầu xe hơi, chẳng cần nhiều tiền đến mức không biết tiêu gì. Họ có thể chấp nhận tất cả khó khăn, vất vả, hy sinh tự do, nhan sắc chỉ với điều kiện đơn giản lắm, đó là được chồng quan tâm, thấu hiểu.
Cô đơn, là những khi ngồi đợi chồng bên mâm cơm nguội ngắt. Chồng đang mải mê bên bàn nhậu, chén tạc chén thù, mà không hề đếm xỉa đến cảm giác của vợ. Cô đơn là khi những ngày sinh nhật, ngày lễ, chồng chẳng có lấy một tin nhắn chúc mừng, một cử chỉ quan tâm chứ huống hồ gì những bông hoa, những món quà xa xỉ. Cô đơn là khi chồng đặt nặng, coi trọng những mối quan hệ ngoài kia hơn cả gia đình, vợ con.
Phụ nữ hiện đại với "gánh nặng hai vai"
Thực tế thì phụ nữ có gia đình thời nay khác phụ nữ xưa ở chỗ họ không còn bị buộc ngồi ở xó bếp nữa mà được ra ngoài xã hội để làm đủ công việc như nam giới. Đó được coi là một bước tiến của sự bình đẳng. Tuy nhiên cũng vì “bước tiến” mới chỉ thực hiện được một nửa chặng đường này mà bỗng dưng các bà vợ được xã hội “tặng” thêm một trách nhiệm nặng nề khác đó là trách nhiệm kiếm tiền.
Nói là được tặng thêm là bởi hiện nay trong đại đa số các gia đình, phụ nữ vẫn là người đảm nhận vai trò nội trợ chính với hàng tá công việc mà nếu không phải ra ngoài kiếm tiền thì cũng đã chiếm trọn thời gian của họ. Bởi vậy mà phụ nữ nay một lúc phải gánh hai vai: vai trò kiếm tiền và vai trò nội trợ trong gia đình.
Cũng vì “gánh nặng hai vai” này mà phần nhiều các bà vợ thời hiện đại luôn bị đặt trong tình trạng quá tải về công việc. Không ít chị em kể từ ngày lấy chồng là họ cũng bỏ luôn bạn bè, bỏ luôn cả những sở thích cá nhân và đôi khi còn bỏ quên cả bố mẹ anh chị em ruột thịt …để lo cho con cái và gia đình nhỏ của mình. Ngay cả người chồng sống bên cạnh, họ cũng không đủ thời gian để mà quan tâm hỏi han, để mà thấu hiểu yêu thương…
Không ít chị em cảm thấy mình như ô sin không công trong gia đình. Thậm chí, có người vợ còn chua chát nói rằng “Làm gì được như ô sin. Ô sin ngày làm đêm nghỉ, còn mình đây thì làm cả ngày cả đêm. Ô sin làm việc nhà được trả lương, còn mình thì không được trả đồng lương nào hết. Ô sin được chiều chuộng nịnh nọt, còn mình làm không tốt thì bị chửi cho sấp mặt. Phụ nữ đúng là dại, tự dưng đang son rỗi lại chui đầu vào cái rọ hôn nhân để cho cái người được gọi là chồng thản nhiên lấy cắp tuổi trẻ, sức lực, công việc”.
Bình thường cô đơn là cảm giác không ai hiểu mình tức là vì mình có nhu cầu được người khác thấu hiểu mà không có được. Bình thường là như vậy. Nhưng nỗi cô đơn của các bà vợ thời hiện đại lại ở chính chỗ cái nhu cầu để được thấu hiểu này cũng bị đánh cắp mất.
Những nỗi cô đơn mỗi ngày tích tụ và khiến người phụ nữ cảm thấy chán nản, cô đơn trong chính cuộc hôn nhân của mình. Dĩ nhiên, nó không khiến người phụ nữ phải ly hôn, phải dứt áo ra đi, nhưng ít nhiều cũng khiến cuộc hôn nhân bớt đi nhiều hạnh phúc.
Một mối quan hệ hôn nhân, chỉ có thể lâu bền khi đàn ông không thay lòng và đàn bà luôn giữ được cảm giác yêu thương. Cô đơn và vô tâm, chính là con dao ép tình yêu của đàn bà "vượt ra ngoài lồng ngực" rồi giữ lại trong lòng họ sự cô đơn, hoài nghi và bất an với người được gọi là chồng.
Tiến sĩ Bradford Wilcox, Giám đốc Dự án Hôn nhân quốc gia tại Đại học Virginia (Mỹ) cho biết, hầu hết các cặp vợ chồng sẽ có những lục đục chẳng khác nhau là mấy. Những xích mích, xung đột xuất hiện trong đời sống hôn nhân sẽ xoay quanh những điểm mấu chốt như sứt mẻ tình cảm, hục hặc về tài chính, trái quan điểm, thất vọng về người kia...
Theo ông Bradford, các cặp đôi cần nhớ hãy “dính” với nhau cả trong hoàn cảnh tốt lẫn xấu, vì chuyên gia này cho rằng đó chỉ là những yếu tố gây rối đang “làm phiền” đời sống vợ chồng, và đó là yếu tố ngoại cảnh. Điều quan trọng là vợ chồng vẫn ở bên cạnh, quan sát chính mình và người kia. Để nhận thức được điều này, cả hai cần tư vấn tâm lý để được giúp nhìn nhận, thay đổi nhận thức và có sự chuyển biến tích cực.
An Hoa (t/h)