Hầm chui Tân Tạo (trên quốc lộ 1A, q.Bình Tân, Tp.HCM) được đầu tư 27 tỉ đồng với mục đích giải quyết tình trạng kẹt xe trước khu công nghiệp tân tạo. Thế nhưng, phần lớn không gian trong hầm này lại biến thành khu chợ nhộn nhịp của công nhân nơi đây.

“Phù phép” hầm chui thành... chợ

Một Thế Giới | 18/01/2016, 12:31

Hầm chui Tân Tạo (trên quốc lộ 1A, q.Bình Tân, Tp.HCM) được đầu tư 27 tỉ đồng với mục đích giải quyết tình trạng kẹt xe trước khu công nghiệp tân tạo. Thế nhưng, phần lớn không gian trong hầm này lại biến thành khu chợ nhộn nhịp của công nhân nơi đây.

Hầm chui Tân Tạo có chiều dài 36m, cao 2,6m và đưa vào sử dụng năm 2007. Khu hầm chui được bố trí thành ba làn với bên trái và bên phải dành cho xe máy, ô tô qua lại còn hầm bộ hành chính giữa dành cho người đi bộ. Thế nhưng, từ khi được đưa vào sử dụng tới nay, hầm chui bị một số người dân lấn chiếm thành nơi buôn bán. Dần dần nơi đây thành một khu chợ nhộn nhịp cho công nhân. 
Ngay dưới phần hầm bộ hành dành cho người đi bộ, các sạp hàng được bày bán ngang nhiên. Chỉ với một tấm bạt nhỏ, người bán có thể trưng ra đủ mặt hàng để khách lựa chọn. Người bán ở đây hầu hết là những người nhập cư, lao động nghèo, trong số họ có không ít người trước cũng làm công nhân nhưng do đồng lương eo hẹp lại làm ca kíp vất vả nên họ bỏ giữa chừng và ra đây ngồi bán hàng. 
“Tôi bán ở đây được 3 năm rồi. Ban đầu, tôi cũng là công nhân nhưng thấy người ta bán đắt khách, giờ giấc bán hàng lại tự do thoải mái hơn nên tôi xin nghỉ và đi cắt rau về đây bán. Buôn bán ở đây vốn bỏ ra ít nhưng lãi cũng cao nên càng ngày càng ham” - anh Hoàng Xuân Sơn (40 tuổi, quê Ninh Bình) tâm sự. 
Chợ tự phát không chỉ họp trong hầm mà ngay từ các bậc cầu thang lên xuống hầm, người bán cũng bày la liệt các mặt hàng. Hàng hóa đều chứa trong những túi xách, thùng nhỏ để dễ dàng vận chuyển và thu dọn, đặc biệt là những lúc có các lực lượng chức năng đi dẹp. 
Hai bên hầm dành cho xe lên xuống cũng bị người dân tận dụng làm chỗ đậu xe, bán thẻ sim. Tại khu công nghiệp này có khoảng 90.000 công nhân đang sinh sống và làm việc. Họ đa phần đều rời quê lên thành phố kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất với mong ước có một cuộc sống tốt hơn. Sống ở thành phố, đồng lương công nhân eo hẹp lại muốn tiết kiệm tiền gửi về quê nhà nên họ phải thắt chặt chi tiêu. 
ham chui Tan Tao
Hàng được bày bán ngay lối ra hầm đi bộ - Ảnh: Sơn Phạm 
Hiểu được điều đó, nên các mặt hàng ở đây có giá “siêu rẻ”, từ các loại rau củ cho tới những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Hạnh (30 tuổi, công nhân) nói: “Sau giờ tan ca tôi thường đi chợ này vì giá cả các mặt hàng rẻ lại tiết kiệm được thời gian đi lại. Ở đây, cái gì cũng có nên rất tiện lợi. Chỉ cần bỏ ra chục nghìn là tôi đã có bữa thịnh soạn rồi”. 
Chợ bắt đầu mở từ buổi trưa nhưng giờ tan ca trùng vào giờ cao điểm buổi chiều nên đây là thời điểm chợ tự phát trong hầm bán buôn tấp nập nhất. Và dù vẫn biết việc buôn bán dưới hầm là sai, gây nguy hiểm cho chính người bán kẻ mua nhưng người bán vẫn ngang nhiên bày bán. 
“Tôi biết buôn bán ở dưới hầm là vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường và nguy hiểm. Chúng tôi cũng hay bị dân phòng đuổi suốt nhưng họ đi chợ lại họp bình thường. Với lại, công nhân có nhu cầu mua thì chúng tôi cứ bán thôi” - bà Lê Thị Hà (52 tuổi, quê Nghệ An) phân trần. 
Những khu chợ tự phát họp như vậy luôn gây ô nhiễm môi trường vì nước, rác thải vương vãi khắp nơi, túi ni lông nằm đầy trong hầm bốc mùi hôi nồng nặc. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn giao thông của người đi đường cũng không được đảm bảo. Bởi cách hầm chui không xa là lối băng qua đường cho người đi bộ, chỗ quay xe có bố trí đèn giao thông. 
Hầu hết công nhân tan ca đều chọn lối đi này để qua đường thay vì đi hầm chui, tình trạng trên đã gây ra nạn ùn tắc vào giờ cao điểm. Đó là chưa kể đến nguy hiểm khi người đi bộ băng qua trước đầu xe tải xếp hàng dài trên Quốc lộ 1A. 
Và dân phòng dù vẫn đi dẹp thường xuyên nhưng chợ lại họp bình thường trở lại khi họ vừa đi khỏi. Thiết nghĩ, chính quyền và các cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp xử lý triệt để giúp hầm đi bộ về đúng với chức năng vốn có của nó.
Bạch Dương / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Phù phép” hầm chui thành... chợ