Chuyên gia bóng đá Philippe Troussier, người có biệt danh “Phù thủy trắng” từng dẫn dắt đội tuyển Nam Phi vào đến vòng chung kết World Cup, từng làm việc ở 3 châu lục, 7 Liên đoàn quốc gia ở 10 nước, đặc biệt rất thành công trong quãng thời gian làm việc ở Nhật Bản khi ông đã đem lại cho bóng đá Nhật Bản danh hiệu á quân Confederations Cup 2001, vào vòng 16 đội World Cup 2002, vô địch Asian Cup năm 2004. Trong thời gian này, ông cũng đồng thời đưa đội Olympic Nhật Bản vào tứ kết môn bóng đá nam tại Thế vận hội Sydney 2000. Năm 2000, ông cũng được bình chọn là HLV xuất sắc nhất châu Á từ AFC.

Phù thủy trắng Philippe Troussier bình luận bóng đá Việt và giấc mơ World Cup

11/03/2020, 07:26

Chuyên gia bóng đá Philippe Troussier, người có biệt danh “Phù thủy trắng” từng dẫn dắt đội tuyển Nam Phi vào đến vòng chung kết World Cup, từng làm việc ở 3 châu lục, 7 Liên đoàn quốc gia ở 10 nước, đặc biệt rất thành công trong quãng thời gian làm việc ở Nhật Bản khi ông đã đem lại cho bóng đá Nhật Bản danh hiệu á quân Confederations Cup 2001, vào vòng 16 đội World Cup 2002, vô địch Asian Cup năm 2004. Trong thời gian này, ông cũng đồng thời đưa đội Olympic Nhật Bản vào tứ kết môn bóng đá nam tại Thế vận hội Sydney 2000. Năm 2000, ông cũng được bình chọn là HLV xuất sắc nhất châu Á từ AFC.

PHỤ THUỘC QUÁ NHIỀU VÀO CẦU THỦ NƯỚC NGOÀI

Gần hai năm làm việc ở môi trường bóng đá Việt Nam (BĐVN), ông có thể cho biết suy nghĩ của mình về môi trường BĐVN?

Trước tiên tôi muốn nói về lối chơi của các đội thi đấu ở V-League khi phụ thuộc quá nhiều các cầu thủ nước ngoại và mặc nhiên trao cho họ các vị trí trung vệ, tiền đạo với thể hình cao to, khỏe mạnh. Từ đây các đội đều có lối chơi tấn công như nhau là phát bóng dài, tận dụng tối đa ưu thế về thể hình, tố chất sức mạnh, tranh chấp bóng tầm cao của các cầu thủ nước ngoài.

Với lối chơi này không chỉ bóp chết sự sáng tạo, bỏ qua lối chơi kỹ thuật, những pha phối hợp nhanh, khéo léo xử lý thông minh, linh hoạt… tạo nên những tình huống đột biến mà nguy hiểm hơn, BĐVN hoàn toàn phụ thuộc vào các cầu thủ nước ngoài và từ đó không thấy đâu là bản sắc trong lối chơi của BĐVN.

Từ đây tôi muốn nói đến sự thành công của đội Hà Nội và cầu thủ Quang Hải không to cao là một ví dụ. Thành tích của Hà Nội là minh chứng rõ ràng cho triết lý chơi bóng của họ: bên cạnh các cầu thủ nước ngoài, đội Hà Nội đã xây dựng được lực lượng những cầu thủ trong nước có lối chơi kỹ thuật, thông minh, biết phán đoán các tình huống trên sân và xử lý khôn khéo.

KHÔNG NÊN ĐẶT NẶNG THÀNH TÍCH Ở BÓNG ĐÁ TRẺ

Ông đánh giá như thế nào về bóng đá trẻ ở Việt Nam?

BĐVN quá chú trọng thành tích ở mọi cấp độ, thực trạng này cần thay đổi. Khi bóng đá trẻ Việt Nam đặt nặng thành tích thì không thể toàn tâm toàn ý đào tạo, phát triển khả năng sáng tạo, tư duy chiến thuật của các cầu thủ trẻ trên nhiều vị trí.

Vì bệnh thành tích, vì lối chơi hoàn toàn phụ thuộc vào các cầu thủ nước ngoài suốt nhiều năm qua của BĐVN mà HLV các đội trẻ cũng có sự rập khuôn trong huấn luyện. Ví dụ trung vệ hay tiền đạo phải là những cầu thủ có thể hình tốt, sau đó mặc nhiên hướng dẫn các trung vệ, tiền đạo tập rồi đối phó hay thích nghi với các tình huống cố định thay vì dạy thêm những kỹ năng cơ bản chống lại hay phát huy thêm lối chơi đầy kỹ thuật, khéo léo và nhanh nhẹn của các cầu thủ nhỏ con.

Để huấn luyện cầu thủ trẻ thích nghi rồi phát triển ở nhiều vị trí khác nhau với tư duy chiến thuật khác nhau sẽ cần nhiều thời gian. Nhưng vì thành tích mà các HLV đã hạn chế khả năng phát triển của cầu thủ coi như chúng ta tự giới hạn sự phát triển đa dạng, sáng tạo của tuổi trẻ.

Với bóng đá trẻ cần xác định thành tích đội trẻ không quan trọng bằng tương lai cầu thủ trẻ. Chúng ta không nên coi trọng thất bại hiện tại của bóng đá trẻ là quan trọng, mà thành công ương lai của bóng đá trẻ mới là quan trọng, là cái đích của công tác đào tạo bóng đá trẻ.

Mỗi trận đấu có thể thua từ sai lầm không mong muốn của các cầu thủ trẻ, nhưng đó là cơ hội để các HLV sửa lỗi cho tương lai các cầu thủ trở nên tốt hơn.

Trên hết tất cả là BĐVN cần nghiêm túc nhìn lại là nên xây dựng bản sắc theo phong cách gì để từ đó vạch ra chiến lược phù hợp và có lợi cho BĐVN.

Những gì tôi nói thì gần như các quan chức, lãnh đạo, chuyên gia, HLV, cầu thủ… của BĐVN mà tôi từng gặp đều biết. Nhưng BĐVN cần thay đổi chuyển từ tầm nhìn ngắn hạn khi quá chú trọng đến thành tích qua tầm nhìn xa với những mục tiêu cụ thể cùng giải pháp để đạt được từng mục tiêu đề ra.

GIẤC MƠ WORLD CUP

Ông có thể nói về giấc mơ World Cup của BĐVN. Làm thế nào giấc mơ này của người Việt Nam sớm thành hiện thực?

Được tham dự vòng chung kết Wolrd Cup là giấc mơ của tất cả quốc gia trên hành tinh này. Tôi đến làm việc ở PVF cũng là muốn góp phần hiện thực hóa giấc mơ đó của Việt Nam và đó là một con đường dài mà mọi người cùng chung tay góp sức từ tâm trí, tài lực cho đến quyền lực.

BĐVN không phải đặt mục tiêu là vào vòng chung kết World Cup 2026 hay 2030… mà nên vạch ra chiến lược làm thế nào để đạt được mục tiêu này.

Ví dụ, nếu đặt mục tiêu là World Cup 2026 thì lứa tuổi nào là phù hợp để đầu tư và đầu tư ra sao để đạt được cái đích này. Nếu không đạt được thì sao? Những World Cup sau nữa sẽ như thế nào?

Bóng đá có lịch sử lâu đời ở Việt Nam, hơn 10 năm qua đã có những học viện đào tạo bóng đá trẻ ra đời. Trước đó nhiều địa phương đã có hệ thống đào tạo trẻ. BĐVN có một sức mạnh mà trên thế giới không nhiều quốc gia có được, đó là một cộng đồng yêu bóng đá rất tuyệt vời. Hiểu được sức mạnh của mình, có được những định hướng, kế hoạch cụ thể cho tương lai, chúng ta sẽ hiểu rằng, BĐVN không bị thế giới bỏ quá xa.

Thế nhưng khó khăn cho BĐVN là điều kiện sân bãi, khoảng cách địa lý, khó khăn tài chính đã là rào cản khiến cho không dễ dàng xây dựng hệ thống thi đấu giải trẻ hoàn hảo.

Các lứa tuổi khác tôi không có số liệu, nhưng từ giải vô địch U19 quốc gia, lấy tròn số có 900 cầu thủ, trong đó khoảng 10 đến 15% là những cầu thủ xuất sắc có tiềm năng khoác áo đội tuyển quốc gia. Hiện nay ở lứa tuổi U19 có 9 cầu thủ thi đấu ở V-League, 33 cầu thủ chơi ở hạng nhất, môt số cầu thủ đá hạng nhì. Thế nhưng với lịch thi đấu hiện nay, mỗi năm họ chỉ được thi đấu tối đa 15 trận thì làm sao phát triển và đủ khả năng thi đấu đỉnh cao.

Vậy giải pháp nào cho hoàn cản hiện nay?

Theo tôi, giải pháp ngắn hạn là tạo ra giải vô địch quốc gia U19, U21, từ đó các cầu thủ có cơ hội thi đấu nhiều trận hơn, thường xuyên hơn cả trong nước lẫn quốc tế. Ngay cả giải Hạng nhì cũng nên thay đổi. Thay vì lịch đấu dồn ép trong hai tháng thì nên kéo dài với lịch đấu khoa học hơn.

Tôi hiểu việc sắp xếp lại hệ thống thi đấu tổng thể từ thấp đến cao cho BĐVN sao cho phù hợp với hoàn cảnh, khả năng của đất nước cũng như phải tôn trọng lịch thi đấu quốc tế không dễ dàng. Nhưng tôi không nghĩ ý tưởng này không thể thực hiện được ở Việt Nam, vì tôi tin người Việt Nam làm được nếu có sự đồng lòng và sự ủng họ tuyệt đối của cấp cao chính phủ.

Nên tổ chức nhiều cuộc hội thảo, mời đầy đủ đại diện các đội V-League, Hạng nhất, Hạng nhì, Hạng ba, các Học viện, các địa phương đào tạo trẻ, các chuyên gia, HLV hàng đầu Việt Nam rồi cùng đưa ra ý kiến đóng góp, sau đó tổng hợp xây dựng một hệ thống mà tất cả đối tượng liên quan đều có lợi.

Nhiều người làm bóng đá ở Việt Nam có lực, có tâm huyết nhưng chưa có sự thống nhất. Cần tách bạch rõ giữa những nhà đầu tư tài chính với các nhà chuyên môn. Người có tiền hay đầu tư không phải là người quyết định tất cả, họ chỉ hỗ trợ trước những quyết định của các nhà chuyên môn.

BĐVN nên hiểu rõ vấn đề rất quan trọng này.

CẦN GIẢI PHÓNG CẦU THỦ TRẺ

Ngoài hệ thống thi đấu chưa hợp lý đặc biệt là với bóng đá trẻ, theo ông, bóng đá trẻ Việt Nam còn điều gì chưa hợp lý?

Do chưa có nhiều Học viện bóng đá nên công tác đào tạo trẻ của BĐVN chưa hợp lý khi các cầu thủ trẻ dưới 14 tuổi đã phải sống xa gia đình. Về mặt tâm sinh lý, phát triển bình thường của một con người thì việc này là không nên. Đó là lý do vì sao cơ sở vật chất của PVF, Trung tâm đào tạo trẻ BĐVN dù có tốt nhất hàng đầu Đông Nam Á và đứng vào khoảng Top 40 thế giới đã không tuyển rộng khắp quốc gia mà giới hạn khu vực tuyển chọn vì không muốn các cầu thủ lứa tuổi còn quá nhỏ sống xa gia đình.

Một bất hợp lý nữa là gần như các cầu thủ trẻ phải gắn chặt với nơi phát hiện, đào tạo ban đầu thay vì những cầu thủ trẻ này vẫn có thể được giải phóng hợp đồng để đi đến những môi trường tốt hơn, hoặc phù hợp hơn để phát triển tài năng.

Trên đây là những vấn đề cơ bản và là giải pháp ngắn hạn mà BĐVN cần thay đổi để phát triển. Còn những cá nhân hay một nhóm người nào dù tài giỏi đến đâu, dù có là những chuyên gia hàng đầu thế giới hoặc giàu có như thế nào đi chăng nữa cũng chỉ là hỗ trợ cho BĐVN thêm mạnh mẽ.

Chỉ có người Việt Nam mới hiểu, mới tập hợp được sức mạnh để giúp BĐVN thay đổi và phát triển.

Đặng Hoàng (ghi)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phù thủy trắng Philippe Troussier bình luận bóng đá Việt và giấc mơ World Cup