Người Việt Nam bị sỏi thận ngày càng nhiều nên việc tìm kiếm một phương pháp điều trị hiệu quả, ít tốn kém đối với căn bệnh trên luôn được các chuyên gia trong lĩnh vực tiết niệu ưu tiên hàng đầu.

Phương pháp 'tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ' cực kỳ hiệu quả, ít tốn kém

Hồ Quang | 26/11/2021, 17:11

Người Việt Nam bị sỏi thận ngày càng nhiều nên việc tìm kiếm một phương pháp điều trị hiệu quả, ít tốn kém đối với căn bệnh trên luôn được các chuyên gia trong lĩnh vực tiết niệu ưu tiên hàng đầu.

Khoảng 10% dân số bị sỏi thận

Theo BSCK2 Hoàng Thiên Phúc - Trưởng khoa Nội soi niệu, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), sỏi thận vốn phổ biến trong các bệnh lý đường tiết niệu, tỷ lệ mắc bệnh ở Việt Nam có thể lên đến 10% dân số. Phẫu thuật điều trị sỏi thận trong những năm gần đây có rất nhiều tiến bộ nhờ sự cải tiến về dụng cụ và kỹ thuật mới.

Bệnh nhân sỏi thận ngày càng nhiều, những phương pháp mới trong điều trị sỏi thận ra đời ngày càng nhiều hơn. Các phương pháp xâm lấn tối thiểu đã thay thế cho các phương pháp truyền thống như mổ mở, hoặc mổ nội soi sau phúc mạc trong điều trị ngoại khoa sỏi thận.

10-dan-so-soi-than-tan-soi-qua-da-duong-ham-nho-cuu-canh-cho-benh-nhan-hinh-anh(1).png
Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) thực hiện một ca tán sỏi qua da đường hầm nhỏ với ích thước 3cm- Ảnh: T.N

Bác sĩ Phúc cho rằng các nguyên tắc điều trị trước đây hướng đến tỷ lệ sạch sỏi cao và phục hồi các bất thường về giải phẫu. Ngày nay, có thêm các nguyên tắc mới bao gồm giảm thời gian phẫu thuật, giảm thời gian nằm viện, giảm lượng thuốc giảm đau sau mổ và người bệnh sớm quay lại các hoạt động thường ngày. Một số thống kê cho thấy lợi ích kinh tế có thể lên tới 40% khi người bệnh được xuất viện sớm và nhanh chóng quay lại công việc.

Để đáp ứng các nguyên tắc trên, mang lại những lợi ích lớn cho người bệnh, các kỹ thuật mới, ít xâm lấn trong phẫu thuật sỏi thận dần thay thế hoàn toàn các phương pháp cũ. Cụ thể là tán sỏi qua da đã trở thành “tiêu chuẩn vàng” trong phẫu thuật điều trị sỏi thận.

Tuy nhiên, thực hiện phương pháp này các bác sĩ nhận thấy có thể gây một số bất lợi cho người bệnh như: tiểu gắt buốt, tiểu máu, đau hông lưng, nhiễm khuẩn đường niệu... Từ đó, người bệnh bị hạn chế vận động, chăm sóc sau mổ phức tạp và cần nhiều ngày để trở lại với cuộc sống thường ngày.

Thời gian mang ống thông, thông dụng nhất là ống thông Double-J (ống thông từ thận qua niệu quản xuống bàng quang), có thể kéo dài từ 2-4 tuần. Ngoài ra, các bác sĩ cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp người bệnh gặp biến chứng do quên tái khám rút ống thông nằm trong người nhiều năm đóng sỏi và dễ gãy. Trong tình huống này, người bệnh phải trải qua một, thậm chí vài cuộc mổ để lấy toàn bộ các phần ống thông bị đứt gãy nằm trong niệu quản ra ngoài.

Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ mang nhiều lợi ích

Từ kinh nghiệm thực hành lâm sàng và trao đổi chuyên môn với các chuyên gia quốc tế, các bác sĩ chuyên khoa ngoại niệu Bệnh viện Bình Dân đã triển khai kỹ thuật tán sỏi qua da đường hầm nhỏ và không mở thận ra da cho người bệnh từ năm 2019.

“Với một vết rạch da chỉ 5mm (chỉ bằng hạt tiêu xanh), bác sĩ phẫu thuật có thể đưa các thiết bị chuyên dụng tán những viên sỏi thận có kích thước trung bình từ 10 - 30mm. Sau mổ, người bệnh có thể sớm vận động dễ dàng, đi lại bình thường chỉ trong 2 ngày. Bên cạnh đó, lượng thuốc giảm đau cần dùng cho người bệnh được dùng ít hơn so với các phẫu thuật lấy sỏi thận khác. Ngay trong ngày đầu tiên sau mổ, người bệnh được rút hoàn toàn các ống thông và được hướng dẫn sinh hoạt lại như trước mổ trong ngày thứ hai hậu phẫu”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

Theo bác sĩ Phúc hiện ngày càng có nhiều người bệnh được áp dụng phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ. Phương pháp này giúp người bệnh được lấy sỏi ít đau, nhanh lành và gần như không có vết mổ.

Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Bình Dân, mỗi năm có hơn 1.000 trường hợp tán sỏi qua da được thực hiện tại đây. Trong đó, 60% người bệnh chỉ cần theo dõi tại viện 3 ngày và được xuất viện mà không có bất kỳ ống thông dẫn lưu nào trong người. Ngoài ra, tỷ lệ sạch sỏi cao trên 85% và tỷ lệ biến chứng không tăng so với kỹ thuật lấy sỏi qua da kinh điển.

“So với kỹ thuật tán sỏi qua da tiêu chuẩn, người bệnh không phải mang ống thông nước tiểu ra ngoài sau mổ nên tránh được các nguy cơ biến chứng do mang ống thông”, bác sĩ Phúc nói.

BSCK2 Nguyễn Ngọc Châu - Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết hiện nay kỹ thuật tán sỏi qua da đường hầm nhỏ mà không mở thận ra da đang trở thành tiêu chuẩn thường quy mà các chuyên gia niệu khoa hàng đầu hướng đến trong phẫu thuật điều trị sỏi thận. Kỹ thuật này đòi hỏi người ứng dụng phải là các bác sĩ có kinh nghiệm, hiểu rõ chỉ định thực hiện cho phù hợp người bệnh và bệnh viện được trang bị máy móc chuyên thực hiện lấy sỏi qua da. Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm và siêu âm bụng để phát hiện sỏi thận và điều trị từ sớm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương pháp 'tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ' cực kỳ hiệu quả, ít tốn kém