Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu lệnh rút quân khỏi thành phố Kherson ở miền nam Ukraine và chuyển sang bờ đông của sông Dnieper. Động thái này được đánh giá là khôn ngoan và hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại.

Phương Tây đánh giá việc Nga rút quân khỏi thủ phủ Kherson là "toan tính khôn ngoan"

T.A | 10/11/2022, 07:24

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu lệnh rút quân khỏi thành phố Kherson ở miền nam Ukraine và chuyển sang bờ đông của sông Dnieper. Động thái này được đánh giá là khôn ngoan và hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại.

Sputnik hôm 9.11 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đồng ý với đề nghị của Sergei Surovikin - Chỉ huy tất cả các lực lượng Nga tại Ukraine, rút ​​quân khỏi các khu vực hữu ngạn sông Dnieper thuộc vùng Kherson của Nga, chuyển sang tả ngạn.

Đại tướng Surovikin cho biết ông đã đề xuất "quyết định khó khăn" là rút quân khỏi thành phố Kherson, miền nam Ukraine, và thiết lập phòng thủ ở phía đông sông Dnieper.

Ông Surovikin giải thích Nga không còn khả năng tiếp tế cho thành phố Kherson: "Chúng ta sẽ bảo toàn tính mạng của binh lính và năng lực chiến đấu của các đơn vị. Để lực lượng ở bờ tây sông Dnieper là vô ích. Một số binh sĩ có thể được điều tới những mặt trận khác”.

"Tôi đồng ý với kết luận và đề xuất của ông. Tiến hành rút quân và thực hiện mọi biện pháp để chuyển lực lượng qua sông", Bộ trưởng Shoigu đáp.

Việc Nga công khai tuyên bố rút quân khỏi thành phố Kherson khiến nhiều người ngạc nhiên, đặc biệt khi nhiều kênh phương Tây đưa tin Nga triệt thoái quân đội khỏi Kherson mà không nói rõ đây chỉ là thành phố. Điều này gây ra những ngộ nhận rằng Nga rút lui khỏi khu vực Kherson vốn được Nga tuyên bố sáp nhập cách đây không lâu.

kherson.png

Cần phải minh định khu vực Kherson (oblast) mà Nga vừa tuyên bố sáp nhập là vùng có diện tích hơn 28.000 cây số vuông và dân số trước chiến tranh là 1 triệu người. Còn thành phố Kherson mà Nga vừa tuyên bố rút lui lực lượng có diện tích 135 cây số vuông và gần 300.000 dân trước chiến tranh. Thành phố Kherson chính là thủ phủ của khu vực Kherson và sống Dnieper chia tỉnh Kherson ra làm 2 phần với hữu ngạn tức bờ tây gần Kyiv chiếm khoảng 1/4 và tả ngạn tức bờ đông sát bán đảo Crimea chiếm khoảng 3/4.

Kể từ tháng 10, các quan chức thân Nga đã thúc giục người dân sơ tán khỏi Kherson. “Chúng tôi khuyến cáo mọi người dân Kherson rời sang các tỉnh khác nếu muốn bảo vệ bản thân khỏi hậu quả của các vụ tấn công bằng tên lửa”, ông Vladimir Saldo, lãnh đạo chính quyền thân Nga tại Kherson, tuyên bố hôm 13.10.

Tới hôm 4.11, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu yêu cầu sơ tán người dân tại Kherson. Ông Putin khẳng định: “Hiện nay, rõ ràng cần di dời những người sống ở Kherson khỏi khu vực nguy hiểm nhất, vì không thể để người dân hứng chịu các cuộc bắn phá từ một số cuộc tấn công, phản công và các hoạt động quân sự khác”. Giới chức Nga ngày 9.11 cho biết hơn 115.000 người dân từ Kherson đã được sơ tán.

Trong khi đó, Guardian của Anh trong bài "Cuộc chiến của Nga chuyển sang hình thái tập trung và phòng ngự, Ukraine chuẩn bị với mùa đông ngặt nghèo", đã đưa ra nhận định Nga quyết định khôn ngoan khi cho lui binh về tả ngạn sông Dnieper. Tờ báo này viết: “Trong chiến dịch then chốt xung quanh Kherson, quân đội Nga đã lùi về sông Dniepro. Kherson đã được cả hai bên đề cao, vì tầm quan trọng của nó như là cửa ngõ vào Crimea. Có những dấu hiệu cho thấy thay vì lên kế hoạch cho việc tử thủ rất tốn kém dựa lưng vào sông, Surovikin và thuộc cấp đã nghĩ đến một cuộc rút lui qua Dniepro đến nửa phía đông của thành phố. Về lý thuyết, đây sẽ là một động thái hợp lý - biến dòng sông thành một công sự phòng thủ cho các đơn vị Nga hơn là một chướng ngại vật mà họ sẽ bị mắc kẹt và tiêu diệt nếu chọn tử thủ bên bờ tây dòng sông.

Rõ ràng là Nga hiện đang ở thế phòng thủ chiến lược, được báo hiệu rõ ràng khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố các khu vực Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk là một phần của Nga và ngầm thừa nhận những giới hạn của “chiến dịch đặc biệt” quyết liệt cho đến nay. Tổng thống Nga đã nói rằng mọi thứ đã đi đủ xa và không cần đi xa hơn nữa. Vì vậy, dường như không có gì phải nghi ngờ về những nỗ lực mới với quy mô lớn của Nga để nhằm có thêm lãnh thổ hay không. Người Ukraine kháng cự rất mạnh. Không có khu vực nào Nga có ưu thế đáng kể về khí tài hoặc nhân lực, chứ chưa nói đến việc áp đảo ba chọi một theo truyền thống để thực hiện một cuộc tấn công thành công”.

Theo Reuters, phía Ukraine tuy vậy phản ứng "cảnh giác" với tuyên bố của Nga. Cố vấn của tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak nói với hãng tin này rằng một số lực lượng Nga vẫn ở Kherson, và còn quá sớm để nói về một màn rút quân. "Cho tới khi lá cờ Ukraine bay trên Kherson, việc nói về màn rút quân của Nga sẽ không có ý nghĩa gì cả", ông Podolyak nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương Tây đánh giá việc Nga rút quân khỏi thủ phủ Kherson là "toan tính khôn ngoan"